Mục tiêu về kinh tế, xã hội
Đến năm 2030, Bình Dương cũng được quy hoạch là địa phương dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ.
Đồng thời, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 của Bình Dương đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 đô la Mỹ.
Cơ cấu kinh tế năm 2030, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%; ngành dịch vụ chiếm 28%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 88-90%; tỉ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP.
Về xã hội: Dân số đến năm 2030 Bình Dương đạt 4,04 triệu người (trong đó dân số chính thức 3,48 triệu người; dân số quy đổi 0,56 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%, trong đó có bằng cấp là 40%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%...
Về y tế, số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 19 bác sĩ; bệnh viện đạt 35 giường/10.000 dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 95%.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới dưới 1,0%; tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đạt 100% đối với đô thị, phấn đấu đạt 80% đối với nông thôn…
Quy hoạch hệ thống đô thị
Theo quy hoạch được phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.
Về đô thị, đến năm 2030, Bình Dương có 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại I (TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An); 2 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại II (TP.Tân Uyên, TP.Bến Cát) và 1 đô thị đạt tiêu chí thị xã - đô thị loại IV (H.Bàu Bàng); 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại IV (TT.Tân Thành - H.Bắc Tân Uyên; TT.Phước Vĩnh (H.Phú Giáo); TT.Dầu Tiếng (H.Dầu Tiếng); thành lập mới một số đô thị thuộc H.Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và Dầu Tiếng.
Gắn kết hài hòa phát triển giữa đô thị và nông thôn, thúc đẩy liên kết vùng. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, phát triển các đô thị đồng bộ về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân, thân thiện với môi trường.
Phát triển không gian đô thị Bình Dương gắn với vùng đô thị trung tâm TP.HCM theo mô hình vùng đô thị với khung cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Khu vực phía Nam gồm: khu vực Dĩ An - Thuận An chuyển đổi thành các trung tâm dịch vụ cấp Vùng về thương mại và dịch vụ logistics; khu vực Thủ Dầu Một phát triển hoàn thiện thành trung tâm dịch vụ hỗ trợ và đổi mới sáng tạo; khu vực Bến Cát - Tân Uyên phát triển hoàn thiện mô hình đô thị công nghiệp - dịch vụ hiện đại.
Khu vực phía Bắc (Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên) phát triển theo mô hình đô thị công nghiệp sinh thái có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, mạng lưới dịch vụ hoàn thiện, hấp dẫn đầu tư, thu hút lực lượng lao động, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.
Bình luận (0)