Đến năm 2050 phải chủ động về nguồn nước trong mọi tình huống

06/01/2023 18:11 GMT+7

Ngày 6.1, Bộ TN-MT công bố Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nhấn mạnh đến năm 2050 phải chủ động nguồn nước trong mọi tình huống.

Quản lý tài nguyên nước theo 6 vùng kinh tế và 13 lưu vực sông

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT), cho biết quy hoạch định hướng quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra trên phạm vi toàn quốc, theo 6 vùng phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Châu Trần Vĩnh thông tin về quy hoạch tài nguyên nước

ctv

Cụ thể là các vùng: Trung du, miền núi Bắc bộ; đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; Tây nguyên; Đông Nam bộ; đồng bằng sông Cửu Long.

Theo 13 lưu vực sông lớn: Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Hồng - Thái Bình, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vũ Gia - Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Kôn - Hà Thanh, sông Ba, sông Sê San, sông Srêpok, sông Đồng Nai, sông Cửu Long…

Theo ông Vĩnh, tổng lượng nước trung bình nhiều năm trên phạm vi toàn quốc là khoảng 935,9 tỉ m3/năm. Trong đó, nguồn nước mặt khoảng 844,4 tỉ m3/năm, lượng nước nội sinh khoảng 340 tỉ m3/năm (chiếm khoảng 40%), lượng nước ngoại sinh khoảng 504,4 tỉ m3/năm (chiếm khoảng 60%); tổng dung tích trữ của các hồ chứa (thủy lợi, thủy điện) có quy mô từ 0,05 triệu m3 trở lên khoảng 68,7 tỉ m3.

Còn nguồn nước dưới đất là khoảng 91,5 tỉ m3/năm. Trong đó, nước mặn khoảng 22,4 tỉ m3/năm; nước nhạt khoảng 69,1 tỉ m3/năm...

Ngoài ra, còn quy định hướng nguồn nước sử dụng cho các vùng, các lưu vực sông và định hướng nguồn nước cho các vùng khó khăn về nguồn nước: ô nhiễm, xâm nhập mặn, khan hiếm nguồn nước mặt, khó tiếp cận nguồn nước mặt...

“Việc phân phối nguồn nước phải bảo đảm linh hoạt, công bằng, hiệu quả, hợp lý giữa các đối tượng khai thác, sử dụng nước trên các vùng, các lưu vực sông trên cơ sở hiện trạng, chức năng nguồn nước, yêu cầu duy trì dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất và khả năng đáp ứng của nguồn nước nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước”, ông Vĩnh nói.

Ưu tiên đảm bảo nước sinh hoạt

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, việc phân phối nguồn nước phải bảo đảm các nguyên tắc: trong mọi trường hợp, ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt.

Sông Tô Lịch chảy giữa lòng Hà Nội ô nhiễm nguồn nước nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm

lê quân

Trong điều kiện bình thường thực hiện phân phối đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các ngành theo nhu cầu đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. Thứ tự ưu tiên thay đổi theo vùng, lưu vực sông, theo mùa và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Trường hợp hạn hán thiếu nước phải hạn chế phân phối nguồn nước cho các hoạt động sử dụng nhiều nước, chưa cấp thiết để ưu tiên cho mục đích sinh hoạt và các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Quy định việc kiểm soát, điều hòa, phân phối tài nguyên nước trong lưu vực sông; chuyển nước giữa các lưu vực sông và quy định về việc quản lý các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước quy mô lớn.

Hướng tới áp dụng công nghệ vào quản lý tài nguyên nước

Theo ông Vĩnh, quy hoạch tài nguyên nước lần này nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước; điều hòa, phân phối, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân...

Mục tiêu đến năm 2050 phải chủ động nguồn nước trong mọi tình huống

lê quân

Hướng tới quản trị tổng hợp ngành nước trên nền tảng công nghệ số; quản lý, sử dụng tài nguyên nước theo chu trình tuần hoàn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Đến năm 2025 - 2030, 100% lưu vực sông lớn, quan trọng có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh. Đảm bảo nguồn nước góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư đô thị đạt 95 - 100% và 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

Phấn đấu đến năm 2030 thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường đạt từ 30% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại 2 trở lên và 10% tại các đô thị từ loại 5 trở lên.

Hoàn thành việc lập, công bố hành lang bảo vệ nguồn nước, đảm bảo lưu thông dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông, giảm thiểu tác hại do nước gây ra.

Nâng cao mức đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2050 là phải nâng chỉ số an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh nguồn nước hiệu quả trên thế giới. Hướng tới chủ động về nguồn nước trong mọi tình huống, dự báo, điều tiết nước, phòng ngừa lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.