Đến quê hương của Oshin

18/04/2018 13:14 GMT+7

Đã gần 25 năm kể từ khi bộ phim Oshin của Nhật Bản 'làm mưa làm gió' ở VN cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, chúng tôi đặt chân đến vùng đất quê hương của nhân vật chính - cô thiếu nữ Tanimura Shin.

Phim ảnh và đời thực
Câu chuyện và cuộc đời của cô bé “Oshin” đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả khi bộ phim được trình chiếu vào thập niên 1990. Sau bộ phim, từ “ô-sin” cũng mặc nhiên được sử dụng để chỉ những người giúp việc trong các gia đình tại VN. Thực tế, đây là tên cô gái sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó ở tỉnh Yamagata của Nhật Bản.

Nếu trong phim, Yamagata là một nơi nghèo khó, chỉ có tuyết trắng lạnh lẽo thì ngày nay, nơi đây được biết đến với nhiều suối nước nóng, hoa anh đào và khung cảnh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là những cánh đồng và rừng cây đang còn chìm trong băng tuyết những ngày đầu tháng 3 khi chúng tôi có mặt tại nơi đây.
Hình ảnh Oshin chỉ mới 7 tuổi trốn từ nhà chủ trở về quê, lang thang qua những cánh rừng đóng băng, lạnh cóng và suýt nữa bị vùi lấp trong bão tuyết năm xưa giờ hiện ra chân thực. Thật khó hình dung được hết thảm cảnh của một con người khi băng mình vượt rừng trong băng tuyết như thế này.
Quãng đường mà cô bé năm ấy phải mất hàng tháng trời lội bộ thì giờ đây từ Tokyo đến Yamagata chỉ mất 2 giờ 40 phút với tàu nhanh hiện đại (shinkansen). Khung cảnh trong những bộ phim cổ xưa hay trong Oshin dần hiện ra trước mắt. Đó là một cảm giác rất khó tả giữa hiện tại và quá khứ; giữa đời thực và phim ảnh... để chiêm nghiệm về số phận con người.
Ngày nay khi đến Yamagata, du khách được trải nghiệm “tắm tiên” ở suối nước nóng (onsen), ngâm mình trong làn nước nóng gần 40 độ C trong khi cái lạnh bên ngoài âm độ. Hồn cốt còn đó nhưng Yamagata đã trở thành một điểm du lịch tuyệt vời của Nhật Bản.
Thắp nến trên núi Zao
Ánh sáng nơi rừng băng tuyết
Trong khi Tokyo và một số vùng lân cận mùa xuân đã thật sự về khiến hoa anh đào bừng nở thì ở Yamagata, tuyết vẫn đóng dày trên các mái nhà, ngọn thông, đường phố. Thị trấn nhỏ nằm ngay dưới chân núi Zao khá vắng vẻ như hầu hết các vùng nông thôn của Nhật Bản.
Trời lạnh lẽo càng hiếm thấy bóng dáng người dân ngoài đường phố. Lên núi Zao cũng chỉ có một con đường duy nhất là cáp treo. Giữa lưng chừng núi Zao, nơi được xem là địa điểm trượt tuyết đầu tiên của cư dân địa phương, khung cảnh trải dài trước mắt du khách như một sân trượt băng khổng lồ.
Tuy nhiên, điểm ấn tượng nhất được giới thiệu là lễ hội ánh sáng với vô số ngọn nến được đặt trong các hố băng khoét sâu trong lớp tuyết dày. Những ngọn nến lung linh tỏa sáng đã mang lại sự ấm áp, niềm vui cho du khách giữa trời đất mênh mông tuyết trắng.
Thành Hưng, hướng dẫn viên tại Nhật Bản của Công ty du lịch Indochina Tourist and Trade (IT&T), bảo rằng những cảm nhận thông qua chính các giác quan sẽ là một phần lịch sử không bao giờ quên trong cuộc đời của mỗi người. Cái lạnh tê tái, rừng cây đóng băng bạt ngàn lướt qua bên dưới cáp treo, chắc chắn vẫn mãi là những kỷ niệm không bao giờ quên của du khách khi đến với quê hương Oshin.
Theo ông Koji Wada, Giám đốc bộ phận du lịch nội địa của Công ty du lịch MS.Tourist (đối tác ở Nhật của Công ty IT&T), từ Tokyo đến Yamagata cứ cách 1 giờ sẽ có 1 chuyến tàu nhanh.
Với hành trình 500 km, giá vé thông thường khoảng 3 triệu đồng/lượt/người. Dù giá không hề rẻ nhưng shinkansen hiện là phương tiện công cộng phổ biến của người Nhật. Riêng với toa tàu du lịch có nhiều dịch vụ như ngâm chân nước nóng thì không bán lẻ mà chỉ bán cho các công ty du lịch khai thác khách đoàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.