Ngày 10.1, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh đèn giao thông tại một giao lộ mất tín hiệu. Nhiều tài xế ô tô không dám lái xe vượt qua giao lộ này vì mức phạt vượt đèn đỏ theo Nghị định 168 từ 18 - 20 triệu đồng.
Được lưu thông khi đèn tín hiệu không hoạt động
Qua tìm hiểu, vụ việc xảy ra tại giao lộ quốc lộ 22 - Giáp Hải (trước cổng Bến xe Củ Chi, H.Củ Chi) vào khoảng 9 giờ 30 cùng ngày. Đèn tín hiệu tắt, nhiều tài xế không dám lái ô tô qua giao lộ, dòng phương tiện ô tô, xe tải xe khách, container nối đuôi nhau xếp hàng dài trên đường. Nhiều tài xế xuống xe đứng chờ vì kẹt xe không thể di chuyển. Trong khi đó, trên làn xe máy nhiều người xuống xe dẫn bộ phương tiện để di chuyển qua giao lộ. Vụ việc khiến giao thông ùn tắc hơn 3 km ở hai hướng, các xe đứng bánh trên đường hơn 30 phút.
Sự việc này tạo ra tranh luận về tình huống: Đèn giao thông không hoạt động, người dân lưu thông bình thường hay vẫn phải chấp hành nghiêm?
Bất ngờ với lý do dắt bộ xe máy qua giao lộ ở TP.HCM
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Đội CSGT ở TP.HCM cho biết, trường hợp các phương tiện khi di chuyển đến giao lộ mà đèn tín hiệu giao thông không hoạt động thì người dân được phép lưu thông bình thường. Không còn đèn tín hiệu, đồng nghĩa không có hiệu lực, người điều khiển phương tiện không bị ghép vào lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông. Tuy nhiên, người dân cần chú ý quan sát để đảm bảo an toàn và liên hệ với cơ quan chức năng qua đường dây nóng để lực lượng cảnh sát giao thông sớm có mặt điều tiết và khắc phục sự cố.
Quan sát thực tế, LS Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam - (VLCAC) đánh giá Nghị định 168 đã tạo hiệu quả khi người dân chấp hành luật và quy định về giao thông triệt để. Tuy nhiên, thực tế hạ tầng giao thông hiện hữu chưa đáp ứng kịp, dẫn tới tình trạng ùn tắc gia tăng trên nhiều tuyến đường và phát sinh nhiều tình huống người dân "tiến thoái lưỡng nan", không biết xử lý sao cho đúng.
Đơn cử, trường hợp đèn tín hiệu không hoạt động hoặc bị lỗi, nguyên nhân do hệ thống đèn tín hiệu hiện thuộc thế hệ cũ, phải điều khiển thủ công hoặc gặp sự cố như mất nguồn cung điện... Đây không phải lỗi do người dân nên lực lượng công an giao thông không có quyền xử phạt. Khi đèn tín hiệu lỗi, người dân được lưu thông bình thường. Nếu bị xử phạt nguội, người dân có quyền yêu cầu trích xuất camera, khiếu nại. Trường hợp bị phạt tại chỗ, quá trình lập biên bản cần có đầy đủ bằng chứng và hình ảnh tại chốt, nếu không có đầy đủ cơ sở, người dân có thể khởi kiện lực lượng chức năng.
Có thể di chuyển lên phần đường cho người đi bộ, vượt quá vạch dừng đèn đỏ để nhường xe ưu tiên
Ngoài ra, LS Nguyễn Văn Hậu nhận thấy có tình trạng do lượng xe quá đông tại các giao lộ, cùng mức xử phạt cao nên khi có xe ưu tiên (xe cứu thương, cứu hỏa...) cần nhường đường, các phương tiện không dám di chuyển xe tránh lên lề hoặc vượt quá vạch dừng chờ đèn đỏ. Rất nhiều xe ưu tiên đã phải chấp nhận kẹt giữa dòng xe cộ tại các giao lộ.
"Người dân lưu ý theo quy định, khi có xe ưu tiên, các phương tiện phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dẹp sang hướng an toàn để nhường đường. Không nhường đường cho xe ưu tiên mới là vi phạm luật và các phương tiện có thể bị phạt 8 triệu đồng. Trường hợp tại các giao lộ đang đồng xe, phương tiện có quyền di chuyển lên phần đường dành cho người đi bộ hoặc vượt quá vạch dừng đèn đỏ để dành phần đường cho xe ưu tiên. Lực lượng chức năng không được xử phạt và tương tự như tình huống trên, người dân có quyền khiếu nại, khởi kiện nếu bị phạt vi phạm vì nhường đường cho xe ưu tiên" - LS Nguyễn Văn Hậu thông tin.
Bình luận (0)