Đến tuổi 80, tôi thỏa lòng được đặt chân đến thủ đô Havana

07/01/2017 14:30 GMT+7

Khi còn ngồi trên ghế trường đại học, Havana là niềm mơ ước của tôi, ước được một lần đến thăm thành phố xinh đẹp của hòn đảo rực lửa anh hùng cách mạng.

Nay vào tuổi 80, tôi mới có dịp đặt chân đến đất nước mà tôi hằng yêu quý.
Sau hơn 20 tiếng đồng hồ bay và 10 tiếng chờ đợi ở sân bay Charles de Gaulle, Pháp, mệt mỏi và buồn ngủ vì khác múi giờ, nhưng rồi mọi rã rời đều tan biến, khi tôi được chứng kiến bao cảnh đẹp của đất nước Cuba lần lượt hiện ra trước mắt, trên con đường từ sân bay vào trung tâm thành phố Havana.
Đúng như trong cuộc hành trình tìm thế giới mới, khi đặt chân lên hòn đảo Cuba, Christophe Colombus đã phải thốt lên “Đây là đảo duy nhất trên thế giới mà con người nhìn thấy được”, và trái tim của đảo chính là thủ đô Havana.
Thành phố thành lập vào ngày 25.8.1515, lúc đầu mang tên San Christobal de la Avana, nằm ven bờ vịnh, nối liền với một đầm rộng nằm trong đất liền. Đến nay Havana vẫn giữ nguyên phong cách nghệ thuật kiến trúc baroque và tân cổ điển, đồng thời vẫn giữ được nét phối hợp nhuần nhị giữa những ngôi nhà hiện đại cao chọc trời và chiếc cổng vòm tò vò. Chính vì vậy mà Havana đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1982.
Năm 1576, theo sắc lệnh của vua Tây Ban Nha (Cuba là thuộc địa của Tây Ban Nha), người ta xây dựng ở đây một loạt công trình bằng đá hết sức kiên cố để phòng thủ trước các cuộc tấn công từ bên ngoài.
Đặc biệt sau khi Havana bị những tên cướp biển tàn phá nặng nề, vua Tây Ban Nha Phillipe II cho xây dựng bức tường thành vành đai vững chắc với cụm pháo đài Enmoro, đồng thời cho xây tòa thị chính, nhà bưu điện và ngôi nhà thờ ở quảng trường Plaza Latedran.
Thủ đô Havana, như tôi thấy 1
Vào thế kỷ 17, việc xây dựng cảng Havana hoàn tất và cảng này trở thành nơi trung chuyển hàng hóa quan trọng giữa hai lục địa châu Âu và châu Mỹ của thực dân Tây Ban Nha. Nơi đây còn là chỗ thu thập các sản vật quý, vàng bạc châu báu mà chúng vơ vét được để đưa về chính quốc và còn là nơi tiêu thụ hàng hóa dư thừa, ế ẩm ở “nước mẹ” đưa sang.
Xung quanh quảng trường thành phố cổ Place Armas người ta trồng nhiều cây cổ thụ, trông chẳng khác nào một công viên xanh. Năm 1768, cung điện Carsa del Colde de Santovana được xây dựng. Mặt tiền cung điện tạo thành mái vòm hình cung.
Ngôi nhà thờ Cơ Đốc giáo trang nhã nhất của Havana nằm trong khu vực đi bộ của thành phố. Phía sau nhà thờ là chủng viện Consiliar-i- Ambrosio, mang dáng dấp kiến trúc Trường đại học Valiadolid, Tây Ban Nha. Cũng tại đây, vào thế kỷ 17, người ta còn cho xây dựng một loạt cung điện: Lombilio, Penialvera và cung điện Baiano. Phía sau các cung điện này là Viện Bảo tàng thuộc địa.
Tại trung tâm thành phố cổ, nằm giữa cung điện Agnace-Clarace có một quán cà phê nổi tiếng, nơi nhà văn Mỹ Ernest Hemingway (1894 - 1961) hay lui tới trong thời gian ông lưu lại ở Havana. Và cách đó không xa, đập vào mắt tôi là tòa nhà màu hồng, nơi Hemingway đặt bút viết tác phẩm trứ danh Chuông nguyện hồn ai.
Thủ đô Havana, như tôi thấy 2
Ảnh: Trần Mạnh Thường
Tính phong phú và đa dạng của văn hóa Cuba được thể hiện mạnh mẽ nhất ở chỗ nơi đây có nhiều nhà hát, rạp chiếu phim, nhiều trung tâm biểu diễn ca nhạc và các phòng trưng bày triển lãm nghệ thuật.
Havana là quê hương cuộc sống âm nhạc với những dàn nhạc biểu diễn nhạc bolero và salsa nổi tiếng trên thế giới. Trong thành phố còn có nhiều màn trình diễn làm phấn chấn giới trẻ với loại nhạc rock và các điệu hip-hop.
Thành phố Havana chia thành 6 khu vực: Martanau, Plaza, Havana trung tâm, Guanabakoa, Cách mạng Tháng Mười và Boiseros. Nơi du khách thường đến thưởng lãm nhiều nhất là khu vực Havana Vieja với những viện bảo tàng nổi tiếng như Viện Bảo tàng Capitolio hay Plazade Armas, nơi từng là trụ sở chính phủ thực dân Tây Ban Nha.
Forteleza San Carlos de la Cabau là khu pháo đài cổ, nay là Viện Bảo tàng Carrete de la Cabau. Trước đây, công trình này là một hệ thống phòng thủ phức tạp nhất tại các nước châu Mỹ, với vô số súng đại bác hướng ra mặt biển và khu đất rộng với những bãi cỏ xanh mướt, những khu vườn rực rỡ màu sắc.
Điểm nổi bật của Havana khiến chúng tôi vô càng thán phục là khu biệt thự tráng lệ, được xây dựng dưới thời thuộc địa vào những năm 1920, hiện là văn phòng các cơ quan của các bộ, ngành, trụ sở của nhiều đại sứ quán nước ngoài, khiến tôi nhớ tới khu Ba Đình, Hà Nội.
Nằm giữa trung tâm thủ đô, cạnh đại lộ 26 là công viên Acapulco - sau đổi là công viên Hòa Bình, và nay là công viên Hồ Chí Minh - một trong những công viên đẹp nhất của thủ đô, là điểm tham quan du lịch nổi tiếng, nơi đặt tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh bán thân bằng đồng do kiến trúc sư Yoel Diaz Gutiérrez, người có nhiều năm gắn bó với VN, đảm nhiệm thiết kế và giám sát thi công, được khánh thành vào năm 2003.
Ngay giữa thủ đô, nơi nhiều kiến trúc cổ được bảo toàn khá nguyên vẹn vẫn còn có một khu rừng nhiệt đới, diện tích lên đến 170 km2, với nhiều cây rừng cổ thụ. Đi giữa khu rừng bên dòng suối trong xanh với những thác nước ầm ào, đang giữa trưa hè mà du khách vẫn cảm thấy mát dịu. Điều đặc biệt khiến chúng tôi thích thú là những dòng xe cổ lỗ, đầy màu sắc của Mỹ được sản xuất trong thập niên 1950 vẫn còn ngược xuôi trên các đại lộ, con phố…
Cùng với những nét cổ kính của thành phố lịch sử trên 500 năm, Havana ngày nay trở nên hiện đại, với những tòa nhà cao tầng, những khách sạn bốn, năm sao như La Habana Libre, La Habana Riviera. Giữa trung tâm quảng trường Cách Mạng, cùng với pho tượng Hose Marti nổi tiếng và bức hình Che Guevara anh hùng giải phóng dân tộc, là tòa nhà chọc trời của Viện Cải tạo đất, Trường đại học Tổng hợp Havana.
Tiêu biểu là tòa lâu đài Capitol, một kiến trúc không khác mấy tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington D.C, nay là trụ sở Quốc hội nước Cộng hòa Cuba. Cách đó không xa là dinh thự Phủ Chủ tịch, nơi trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc. Quanh đó còn có nhiều công trình kiến trúc đồ sộ như Thư viện Quốc gia Hose Marti, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Nhân chủng học.
Đó là Havana của ngày hôm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.