Đến vì chài lưới

18/12/2023 09:00 GMT+7

Người sống nhờ trời. Gần núi ăn thịt, gần biển ăn cá...

May sao trong cái xứ "đồng bằng sông Cửu Long chỉ toàn đầm lầy hôi thối, những bãi bùn rộng mênh mông với những cây đước" mà giới sử học Pháp từng phải lắc đầu ngao ngán khi nghĩ tới, những con sóng vẫn vỗ mạnh, con người vẫn tìm được đường để một lần nữa được góp sức cho quê hương.

Đến vì chài lưới - Ảnh 1.

Tôi đi từ đông sang tây, từ Phước Hải, Long Hải, Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam… để lượm nhặt từng mẫu vụn chắp vá trong những chuyến di dân xưa

TGCC

Mỗi thời đại là một chuỗi chắp vá vô số các câu chuyện được kể từ nhiều hướng. Có những vẻ vang lưu thành sử sách. Cũng có những tủi nhục, những phận bèo trôi long đong đầy biến động kẹt lại đâu đó, không tìm được người kể lại. 

Ở miền Đông, xứ Bà Rịa – Vũng Tàu, những phận đời nhỏ nhoi trôi dạt về đây rất nhiều. Chốn này trước là xứ vắng người. Lưu dân lạc về đây, đủ người đủ kiểu. Phần nhiều từ miền Trung, sau có thêm ngư dân, các tầng lớp tha hương cầu thực. Rồi lại có cả tội nhân, góa phụ chưa chồng mà có con, đủ các loại hủ tục "cạo đầu bôi vôi, thả trôi sông" dạt về. Tất cả nghe theo cái tiếng "miền Đông/Nam vùng đất bao dung" mà quần tụ chung sống trong cái xứ mênh mông chỉ mỗi đồng lầy. Nửa đời sau không nhắc chuyện nửa đời trước, bắt đầu lại một kiếp người.

Tôi đi từ Đông sang Tây, từ Phước Hải, Long Hải, Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam… để lượm nhặt từng mẫu vụn chắp vá trong những chuyến di dân xưa. Tất cả đều dẫn về một điểm giao duy nhất: nghề đánh bắt cá.

Khi lưu dân đổ về phía Nam, họ không chỉ gánh theo tên xã, tên làng mà còn mang theo nghề đánh cá của tổ tiên để lập nên các làng chài ven biển. Những cái tên như Gia Long, Hải Chữ, Phước Tỉnh, Long Điền… vốn là tên làng, xã của miền Bắc và Trung Việt Nam được mang theo để gợi nhớ về gốc gác. Từ đây, họ lên rừng lấy những mẫu dây, đan thành rổ, thúng, mương theo địa thế mà an cư lập nghiệp, lớn mạnh lên từng ngày.

Từ Bà Rịa – Vũng Tàu, nhìn dọc về biển, phía đông là đồi cát và rừng dương chạy dọc mở đường cho một hệ sinh thái biển. Tây nam lại án ngữ dãy núi Lớn và núi Nhỏ, xum xuê các loài cây hỗn hợp cho bóng ao nuôi trồng. Bắc Bà Rịa – Vũng Tàu là đất ngập mặn, sông suối nước lợ đổ thẳng vào tâm bán đảo. Nước lợ thấm vào đất, hòa vào nước ngầm. Mà theo lời những người di cư thì "nước ở đây sao cứ có vị kỳ kỳ, uống không được, nấu nướng chẳng xong, phải thêm rất nhiều đường thì may ra mới nuốt nổi". Chính cái thứ nước lợ lợ đã tạo nên phong vị hảo ngọt của khắp các vùng quanh chốn đầm lầy Cửu Long nuôi sống bao loài tôm cá.

Bám vào tán rừng, người Bà Rịa - Vũng Tàu nuôi sò huyết, nghêu, tôm, cua, cá. Bám vào đước và biển, người Bà Rịa – Vũng Tàu đóng những ghe thuyền mang theo trăm ngàn thứ tôm, cua, cá, ghẹ của Biển Đông đem về cho bán đảo. Có cá trích, cá chim, tôm tích, mực bầu mà chỉ cần một lần quăng lưới, ấm no một làng.

Nghe kể làng dựng thô sơ, không tre làng vây bọc, ai thích thì đến, ai giận thì đi. Giữ nhau bằng nghĩa tình, không ràng nhau bằng lễ nghĩa. Nên cư dân tìm đến xứ này đông dần theo tháng năm. Họ giúp nhau dựng những lều tạm ven biển, chỉ nhau cách làm nghề chài lưới, không so đo giữ mánh. Hải sản ngư dân ra 5 đồng, lái buôn sẵn sàng thu 7, 8 đồng. Những chuyến ghe sớm không kịp về vẫn luôn còn chỗ, không bỏ sót một ai.

Đến vì chài lưới - Ảnh 2.

Sau cùng thì họ vẫn chọn ở lại xứ cực đông của Tổ quốc, được là sóng, là gió và là cầu nối dang tay vẫy bao phận người

TGCC

Hàng trăm năm trước như vậy và hàng trăm năm sau vẫn vậy. Cái nghĩa, cái tình xứ này không biết kể bao nhiêu cho đủ. Không biết phải vì bề dày lịch sử có phần khá hỗn tạp hay không, mà người Bà Rịa – Vũng Tàu trước nay luôn hào sảng. Sóng Biển Đông cuốn trôi đi cái quá khứ bụi bặm từng khinh miệt thì sao phải tiếc chút sức mình cho người dân đất biển.

Ngồi trên những thúng cá thử nghề chài lưới lênh đênh quanh bán đảo, nắng rọi từng chớp nhỏ theo đợt sóng đánh từng cơn, biển xanh, sóng động và mùi tanh tươi ám vào từng lớp vải, tôi tự hỏi nếu phải sống cùng sông, cùng sóng trong ngần ấy thời gian, những người di dân xưa có bao giờ cảm thấy mình như sóng biển, thoáng đãng tự do và có thể đi về bất kỳ phương trời nào... Nhưng sau cùng thì họ vẫn chọn ở lại xứ cực đông của Tổ quốc, được là sóng, là gió và là cầu nối dang tay vẫy bao phận người.

Trước và nay, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn vậy. Chính chài cá đã gắn kết người dân xứ này.

Đến vì chài lưới - Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.