Đến 'Vua tiếng Việt' cũng phải chào thua!

09/10/2021 07:00 GMT+7

Chương trình “Vua tiếng Việt” dù mới lên sóng trên kênh VTV3 nhưng đã nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả.

Có lẽ, cũng bởi hiếm có chương trình thử thách kiến thức về ngôn ngữ tiếng Việt để mọi người sử dụng tiếng Việt đúng và hay hơn như thế. Và chương trình này được xây dựng hẳn cũng không nằm ngoài mục đích lan tỏa tình yêu đối với tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Thế nhưng tréo ngoe là ngay chính trên truyền hình, nhiều tên của chương trình được phát sóng lại sử dụng tiếng Việt chưa thật trong sáng. Có khán giả than: “Không thể hiểu nổi tên chương trình Sàn chiến giọng hát”. Từ “sàn chiến” vốn không phải là một cụm từ được người Việt sử dụng phổ biến trong đời sống giao tiếp hằng ngày. Tên gọi này cũng có nét sử dụng tương tự như với tên chương trình Quý ông đại chiến. Trong tiếng Việt, nói đến “đại chiến” hay “sàn chiến” là người ta thường nghĩ đến một cuộc chiến tranh sẽ nổ ra.

Hình ảnh chương trình Sàn chiến giọng hát

T.L

Theo PGS-TS ngôn ngữ Phạm Tất Thắng, trong giao tiếp thì cần phân biệt dạng giao tiếp chuẩn mực với hình thức giao tiếp phi chuẩn mực. Phong cách giao tiếp chuẩn mực được quy định bởi các giá trị xã hội như đạo đức, văn hóa, thẩm mỹ, pháp luật, phong tục, tập quán, truyền thống, lễ giáo và nhiều nguyên tắc khác. Còn dạng giao tiếp phi chuẩn mực là hình thức giao tiếp thông thường giữa các nhóm người (thường là khẩu ngữ), không phải tuân theo một hình thức giao tiếp quy định nghiêm ngặt nào, miễn là họ hiểu được nhau. Theo ông, với cụm từ “sàn chiến” hay “quý ông đại chiến” có thể xếp vào dạng phong cách giao tiếp không chuẩn mực. Vì thế, việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng cần phải trau chuốt, chính xác và cần phải mang tính xã hội cao.

Tương tự với cách sử dụng tiếng Việt như trên, có tên chương trình truyền hình lại được chêm tiếng nước ngoài, chẳng hạn như Ngày xưa chill phết. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên từng lên tiếng phản đối việc đặt tên chương trình mà theo ông là theo cách “phá” tiếng Việt. “Tại sao lại không dùng tiếng Việt? Có thể đặt tên chương trình là Ngày xưa ngộ phết cơ mà! Cái tên vẫn ý nghĩa mà vẫn rất bắt tai”, ông Nguyên bày tỏ.

PGS-TS Phạm Tất Thắng cho rằng tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài trong việc sử dụng tiếng Việt hiện nay không có gì mới và khá phổ biến trong đời sống giao tiếp khẩu ngữ của người Việt. Tuy nhiên, việc sử dụng sự pha trộn tiếng Việt với tiếng nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng cần phải xem xét nghiêm túc. Bởi vì không phải khán giả, độc giả nào cũng biết tiếng nước ngoài. Hơn nữa, việc sử dụng pha tạp đó làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, thậm chí “xúc phạm” ngay chính ngoại ngữ đó nữa.

Theo ông Thắng, ngôn ngữ là sản phẩm của cả cộng đồng, vì thế mọi người có quyền sáng tạo ngôn ngữ, nhưng sự sáng tạo đó cần phải tuân theo cấu trúc của ngôn ngữ và thói quen sử dụng của cộng đồng ngôn ngữ đó. Có như thế mới góp phần bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Việc giữ gìn đó cũng cần được lưu tâm ngay từ cách đặt tên các chương trình trên sóng truyền hình, bởi nếu không thì đến “Vua tiếng Việt” cũng phải chào thua vì không hiểu nổi!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.