“Dẹp” nhà sàn ven sông để phòng chống sạt lở

06/06/2018 11:15 GMT+7

Mấy tháng qua, Cần Thơ trở thành điểm nóng về sạt lở ở ĐBSCL khi liên tiếp xảy ra sạt lở nghiêm trọng làm hàng trăm hộ dân mất nhà cửa, thiệt hại hơn 31 tỉ đồng.

Hiểm hoạ từ hố xoáy và nhà sàn
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Cần Thơ, trong 5 tháng qua, thành phố xảy ra 9 điểm sạt lở, làm sạt hoàn toàn 10 căn nhà, 37 căn bị ảnh hưởng, tổng chiều dài bờ sông bị sạt lở 368 m, thiệt hại hơn 31 tỉ đồng. Nghiêm trọng nhất là điểm sạt lở bờ sông Ô Môn thuộc P.Thới An, Q.Ô Môn, khiến 7 căn nhà bị nhấn chìm, 14 căn sập một phần, 20 căn phải di dời khẩn cấp. Riêng Q.Ô Môn phải di dời khẩn cấp 36 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm.
Trước tình hình đó, UBND TP.Cần Thơ đã đề nghị Viện khoa học thủy lợi miền Nam hỗ trợ khảo sát khu vực sạt lở, xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục. Sau nhiều ngày quan trắc, khảo sát dòng chảy, cấu trúc đáy, bờ sông đoạn sạt lở, TS.Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó viện trưởng Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam, cho rằng nguyên nhân sạt lở ở Ô Môn do dòng chảy mạnh, xoáy phức tạp; đất bờ sông khô, bở trong mùa nắng rất dễ lở, nhất là khi thủy triều rút gặp mưa to... Một nguyên nhân rất phổ biến nữa là nhà cửa người dân tập trung sát bờ sông, đặc biệt là các nhà sàn đóng cọc ven sông dày đặc. Tải trọng từ những căn nhà này tác động nên bờ sông vốn có kết cấu kém bền vững đã khiến sạt lở gia tăng khắp nơi. TS.Hùng cho rằng với thực trạng hiện nay, tình trạng sạt lở ở Cần Thơ sẽ còn diễn biến phức tạp trong những tháng tới, nhất là khi mùa mưa lũ bắt đầu.
Dẹp nhà sàn, lo tái định cư cho dân
Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam đã đề xuất 3 phương án khắc phục sạt lở đối với đoạn sông Ô Môn thuộc P.Thới An; trong đó phương án khôi phục lại đường ven sông, gia cố mái sạt lở bằng bao tải cát, thảm đá đã được chọn. Kinh phí để thực hiện giải pháp này gần 6,3 tỉ đồng cho đoạn bờ sông bị lở chưa đầy 100 m.
Liên quan vụ sạt lở trên, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, đề nghị lãnh đạo địa phương rà soát, hộ nào không có chỗ ở khác thì xem xét tái định cư, nhất quyết không để người dân xây nhà trở lại nơi cũ. Những hộ chưa bị ảnh hưởng cũng phải có phương án di dời, phải có kế hoạch lâu dài như các khu dân cư nông thôn, nhà ở xã hội… Các biện pháp phòng chống sạt lở phải bao gồm cả công trình và phi công trình, không phải cứ sạt lở là làm bờ kè kiên cố vì Cần Thơ sông rạch rất nhiều, kinh phí không đảm đương nổi. Thay vào đó, nên phát động cho người dân tổ chức thực hiện các biện pháp phi công trình, trồng cây giữ đất… Về lâu dài và ở quy mô toàn thành phố, ông Thống yêu cầu cấp xã, phường, thị trấn, quận, huyện, cơ quan chức năng sớm có đề án, lộ trình để giải quyết dứt điểm việc cất nhà sàn ven mé sông, rạch. Không riêng gì đoạn sạt lở ở Ô Môn mà phải tính toán ngay các giải pháp tái định cư cho các hộ dân sống trên các nhà sàn cặp các con sông. Đặc biệt, từ nay đến năm 2030, các địa phương phải dẹp toàn bộ nhà sàn bằng cọc cặp mé sông.
Theo ông Thống, việc cất nhà sàn trên sông không chỉ là nguyên nhân sạt lở, nguy hiểm cho chính người dân mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan, vệ sinh môi trường và hành lang giao thông. “Từ đây trở đi, các cơ quan chức năng của địa phương phải chấm dứt cấp phép cho xây dựng nhà cửa trên sông. Nếu để xảy ra tình trạng này, chủ tịch UBND xã, phường chịu trách nhiệm; chủ tịch quận huyện quản lý chặt việc này”, ông Thống nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.