Đêm khuya nơi xóm Bạch Vân
Bốn người luộc bánh chưng xuân chuyện trò
Lửa bừng lách tách reo hò
Chú miêu nằm cạnh co ro sưởi mình
Một chàng mảnh khảnh thi nhân
Một người áo vải nông dân hiền từ
Một tráng sĩ, một thiền sư
Vây quanh bếp lửa hồng như ráng chiều
Đoạn thơ Phạm Thiên Thư sáng tác chỉ vài chục năm trước mà nghe như rất xa xưa. Câu chuyện quanh bộ bàn ghế Louis của gia chủ bày bán trong khu chợ “đồ cũ thì nhiều, đồ cổ thì ít” trở nên râm ran vì không khí hào sảng cổ xưa gợi lên từ thơ. Cũng có thể do hiệu ứng từ chiếc đèn manchon của Đức cũ kỹ, vài chậu Cây Mai sứt sẹo hay chồng chén Nhật hiệu Đại Nam giờ đã thành quê mùa nhưng vẫn kiêu hãnh trong tủ, với nước men trắng tinh phủ lên lớp sứ mỏng. Sài Gòn, vùng đất luôn bị xem là mới, ký ức ba trăm năm vẫn là thiếu thâm sâu, lịch sử luôn là ngắn ngủi. Thôi thì nhấm nháp chút trà lài, kể nhau những cái tết mới nửa thế kỷ thôi mà đã “khác hoắc” bây giờ.
|
Ông Tám nhắc về ba cái đồ sứ "thời ông Diệm". Chỗ góc Đồng Khởi - Đông Du bây giờ có một chỗ bán đồ ba da nhưng to rộng như siêu thị mang tên Departo, có bán đồ sứ Nhật mang thương hiệu Noritake. Thời đó, đồ sứ mang thương hiệu này chưa đẹp sắc sảo như hàng Noritake bán cho lính Mỹ của PX sau này. Vậy mà ông thợ may đắt khách đất Sài Gòn chỉ biết đứng nhìn ngẩn ngơ dù thèm thuồng muốn chết. Đồ trà Nhật luôn gợi nhớ dĩ vãng tươi đẹp khi gia đình chưa tan tác, còn ăn tết vui, sum họp đầu năm uống trà tàu. Nhớ năm 1942, nước Phù Tang tấn công Trung Hoa. Người Hoa yêu nước trong Chợ Lớn thể hiện hành động bằng cách tẩy chay hàng Nhật, chủ yếu là đồ sứ. Đó là loại đồ sứ vốn được ưa chuộng vì rất mỏng rất nhẹ, men trắng tinh, lại được vẽ bằng tay rất đẹp, khác với loại đồ sứ do Công ty Đại Nam nhập về sau thế chiến, in họa tiết, rập hiệu bằng chữ Hán. Một người Hoa ở Lái Thiêu chộp ngay cơ hội, về Chợ Lớn thầu mua hết hàng Nhật bị ế cất trong kho, mang về Lái Thiêu bán. Ở đó, người Hoa xa Sài Gòn thiếu thông tin, không rõ thời cuộc đổ xô đi mua cùng với người Việt. Năm đó, số hàng đẹp Nhật Bổn từ bộ đồ trà, bình đựng rượu sa kê, chậu hoa nhỏ, đĩa bàn các hiệu danh tiếng như Imari, Satsuma vẽ tay màu sắc tuyệt đẹp tụ về đây rất nhiều, tha hồ mua về bày uống trà, chưng lan ăn tết. Chiến cuộc lan xa, nhà ông dần dà không còn gì ngoài cái ấm sứt vòi vẽ tay công bút, hình cô Nghệ giả cầm dù, xa xa là “Phú Sĩ san”.
“Hồi xưa người ta không có mua mai về chưng tết đâu à nghen!” - chú Lý, nhân viên Ngân hàng Việt Nam Thương tín nhớ lại. Hồi còn trẻ trung phong độ, ngày tết chú nhắm la de LaRue với củ kiệu, ăn dưa giá vợ làm. Chú mê tết đến độ luôn đặt chương trình ăn tết trước đó hai tháng. Phải có hồng khô chưng bàn thờ dù có người chê dở, nhạt thếch. Khi nhấm nháp miếng hồng đã được ngâm nước nóng cho mềm, chú nhớ ba chú hồi ở Mỹ Tho mới lên Sài Gòn, thích chưng hồng khô ngày tết. Ngày tết phải có mấy chậu cây quan trọng là vạn thọ và mồng gà. Mồng gà sặc sỡ, vạn thọ thơm nhẹ. Ai có cây mai trồng trước sân thì vẫn chăm sóc cho nở bông, nhưng chẳng mấy ai cắt cành chưng trong nhà. Đến khi người Pháp quay trở lại miền Nam sau khi thua trận Điện Biên, Sài Gòn phát triển việc kinh doanh, chú mới thấy người ta bắt đầu chưng mai, với mong muốn may mắn cát tường. Mấy người lính sẵn có phương tiện xe cộ và quyền di chuyển, vào tận rừng sâu miệt Hớn Quản, Lộc Ninh, Chơn Thành chặt mai rừng về, cho người nhà đem ra chợ bán. Đến giờ, nhà nào cũng chưng mai cành, hoặc thuê hay đặt chăm sóc mai ở vườn rồi bưng cả chậu đặt trong nhà.…Đó là điều “khác hoắc”.
Người thứ ba góp chuyện về mấy cây mai rừng. Hồi thập niên 60, về Dĩ An có nhiều vườn mai lắm. Lúc đó anh còn là chú bé mười tuổi, về nhà ông nội có khu vườn lớn trồng mai để bán cành. Sau khi ăn sáng xong, chú bé đi lần ra góc vườn phía sau. Trong không khí mùa xuân mát mẻ, nắng vàng và hương thơm hoa mai, hoa vạn thọ nhè nhẹ trong gió, chú bé ra đứng ở vườn sau, ngắm nghía từng gốc mai xù xì. Ngẫu hứng, chú bé vạch quần tè xuống đất cho thật xa và thấy sướng đến ngất ngây vì làm chuyện đó giữa một cảnh thiên nhiên tuyệt vời như vậy. Có vậy thôi mà đến giờ vẫn còn nhớ cảm giác đó.
Câu chuyện của anh trung niên khiến mọi người cười rộ xong lại lặng im ngẫm nghĩ. Chú Lý mơ màng nhớ hồi còn trẻ, làm ngân hàng có tiền, chú thích diện đồ rồi ra chợ Bến Thành xem mấy bà mấy cô đi mua sắm tết. Nhiều cô diện áo dài, nhưng chú lại thích cô nào diện quần Mỹ A đen. Ôi cái quần vải Mỹ A miệt Tân Châu nước bóng nhè nhẹ, đen rức, càng bận càng dịu. Vải nặng nên đằm, cô nào có dáng đẹp, đùi đẹp thì ôi thôi, nó thể hiện ra hết dù nhẹ nhàng kín đáo. Ống quần mềm mại, làm nổi bật bàn chân trắng lấp ló trên đôi guốc sơn màu trắng quai nhựa trong.
Ông Tám cũng có thời vui đẹp của ông. Thời mà những người gốc Bắc bạn ông còn thưa thớt ở miền Nam. Vốn là chú nhỏ học nghề may, ông giao du với họ nhiều và học được nhiều điều thú vị. Ở quê nhà Lái Thiêu, ông lân la chơi với các chú thợ người Hà Đông về Bình Dương làm nghề sơn mài, quả tráp, làm gốm… Lên Sài Gòn, ông gặp lại họ sau 1946, khi Tây trở lại ruồng bố người gốc Bắc. Họ chạy về Sài Gòn nấu phở bán và làm giày ở miệt Khánh Hội, quận 4 hay Đa Kao và mở nhiều tiệm bán vải, vàng y, giày ở đường Lê Thánh Tôn. Ở đó, người ta gọi “anh em họ Cự” vì tiệm nào cũng có chữ Cự trên bảng hiệu như Cự Phách, Cự Thành, Cự Tiên… Họ cần mẫn làm từng cái quạt giấy màu tím và dùng kim châm từng lỗ để trang trí cho đẹp, dễ bán. Rảnh còn bày ra việc sơn guốc, làm việc không ngơi tay. Khoảng gần Chiến tranh thế giới thứ hai, ông còn là chú nhỏ học may, chủ sai mua vải tusso tơ tằm dệt ở Nam Định may cho khách, mua ở các hiệu đường Lagrandière gần chợ Mới Bến Thành. Sau có tusso Nhật pha sợi nhân tạo bận không mát bằng. Có khi khách thích bận sơ mi bằng vải lụa Hà Đông mát, hơi vàng ngà mua ở dãy quán trên đường Espagne và chợ Cũ hay dãy hàng bên chợ Mới.
Có chút trăng xanh cuối tháng gần tàn ở phía tây, lấp ló trên bầu trời nhỏ hẹp của thành phố. Những âm vị giờ như đã xa và nhóm khách chiều cuối năm thấy như mấy ngày xuân đã trôi qua rồi… kể từ khi họ ngồi ôn chuyện cũ trong một góc phố, mà tưởng như mình đã trở thành cũ kỹ vì chỉ nhớ những ký ức về dăm thứ di sản vật chất, nay chỉ là những dư âm không mấy ai buồn nhớ...
Đăng Thuyên
>> Ùn ùn kéo nhau về quê ăn "tết tây
>> Tặng 250 vé xe cho công nhân về quê ăn tết
>> Hối hả về quê ăn tết
>> Hơn 372.000 kiều bào về quê ăn Tết
>> Rộn ràng sinh viên về quê ăn Tết
Bình luận (0)