Dệt may Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam

17/09/2012 03:15 GMT+7

Khi chi phí sản xuất ngày càng tăng, doanh nghiệp dệt may Trung Quốc không chỉ tăng cường đầu tư mà còn đẩy mạnh tiêu thụ tại Việt Nam.

Cuối tuần trước, tờ China Daily dẫn lời ông Soren Skou, Tổng giám đốc Tập đoàn vận tải Maersk Line, nhận xét tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại “có thể vì bị giảm sút năng lực cạnh tranh trong một số ngành sản xuất”. Cụ thể, ông cho rằng nước này đang mất dần khả năng cạnh tranh so với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, về những lĩnh vực sản xuất đồ chơi, giày dép và hàng may mặc. Theo một nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), lương công nhân Trung Quốc tăng trung bình 10 - 15% suốt những năm gần đây, khiến chi phí lao động tăng cao. Cuối tháng trước, Tân Hoa xã dẫn lời Thứ trưởng Bộ Thương mại nước này Trung Sơn thừa nhận: “Chi phí lao động Trung Quốc hiện vượt xa các quốc gia lân cận”.

 Ngành may mặc VN sẽ chịu sức ép mới
Ngành may mặc VN sẽ chịu sức ép mới - Ảnh: Diệp Đức Minh

Quả thực, giới doanh nghiệp dệt may đại lục đang kêu than vì khó khăn. Thị xã Tôn Thôn thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc, từng là một trong các địa phương dẫn đầu ngành may mặc nước này. Thế nhưng, doanh thu hàng may mặc của Tôn Thôn chỉ đạt 900 triệu nhân dân tệ vào nửa đầu năm nay, thấp hơn nhiều so với một nửa của tổng giá trị 2,4 tỉ nhân dân tệ cả năm 2011. Tân Hoa xã dẫn lời một chủ doanh nghiệp may tên Tiền Thu Sanh cho hay: “Trước đây, công ty tôi thường đạt doanh thu 10 triệu tệ và lợi nhuận 1 triệu tệ mỗi năm. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái, chúng tôi chẳng lãi đồng nào”.

Để đối phó với tình trạng trên, giới kinh doanh hàng may mặc Trung Quốc đang dần chuyển hướng sang các nước khác, đặc biệt là Việt Nam. Cũng trong cuối tháng trước, Công ty Chiết Giang Hoa Thụy chuyên tư vấn ngành may mặc dẫn lời giám đốc họ Trần của Công ty bán lẻ hàng may mặc trực tuyến VANCL, Trung Quốc, tuyên bố kế hoạch chuyển 50% sản xuất sang Việt Nam. Ngoài ra, VANCL cũng chuyển 20% sản xuất sang Ấn Độ hoặc Sri Lanka, chỉ giữ lại 30% sản xuất tại quê nhà.

Thực tế, VANCL không chỉ chuyển hướng sản xuất mà còn bắt đầu tập trung khai thác thị trường Việt Nam. Ngày 8.9, công ty này kết hợp cùng Công ty ECPay chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến để ra mắt trang mạng thương mại điện tử kinh doanh quần áo may sẵn ở Việt Nam. Phát biểu với truyền thông Trung Quốc, VANCL không hề giấu giếm ý định sẽ phát triển một mạng lưới khép kín từ sản xuất gia công đến tiêu thụ ngay tại Việt Nam.

Mặc dù, VANCL chẳng phải là tên tuổi đáng kể trong ngành thời trang nhưng đây vẫn là một minh chứng cho khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải khi các đối thủ Trung Quốc lấn sân.

Ngô Minh Trí

>> Mỹ hạn chế thêm 5 chủng loại dệt may Trung Quốc
>> Dệt may, da giày gặp khó
>> Dệt may nội địa bị cạnh tranh khốc liệt
>> Minh Hạnh mang thổ cẩm đến Lễ hội quốc tế về dệt may đặc biệt
>> Dệt may về đích sớm, dầu thô giảm
>> Dệt may - “Làm giá” được không?
>> Hợp tác dệt may trong khối ASEAN
>> Dệt may, da giày gặp khó vì thủ tục xuất nhập khẩu
>> Công nghiệp dệt may: Xoay xở vượt... ”bão”
>> Anh và Việt Nam liên kết đào tạo dệt may
>> Chủ tịch nước biểu dương ngành dệt may

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.