Sống lại vùng trồng bông dệt vải
Tầm giữa năm, khi thời tiết bắt đầu mưa nhiều, đất cho độ ẩm cao cũng là mùa đồng bào người Tày ở xã Thượng Lâm (H.Lâm Bình, Tuyên Quang) gieo hạt bông trên nương. Trước kia, mảnh đất Thượng Lâm là vùng trồng bông dệt vải nổi tiếng của tỉnh, nhưng rồi một thời bị lãng quên, nay cây bông đang dần "sống lại" trên vùng đất này.
Từ những năm 1980 của thế kỷ trước, cả xã Thượng Lâm là vùng trồng bông rộng lớn mênh mông. Cây bông mơn mởn rì rào ngoài soi bãi, cây bông óng ả phủ màu xanh non trên các đồi nương. Người Tày trồng bông để dệt vải, làm chăn, làm thổ cẩm…, bởi thế mà thổ cẩm của họ cũng nổi tiếng từ giống bông bản địa. Tuy nhiên, dòng chảy thời gian đã mang theo sự thay đổi, khiến những sản phẩm công nghiệp dần thay thế những giá trị thủ công truyền thống. Nghề trồng bông, dệt vải một thời rực rỡ bắt đầu phai nhạt trong ký ức của người dân nơi đây.
Không để cây bông chỉ còn trong ký ức của người già, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thượng Lâm đã triển khai chương trình khôi phục diện tích cây bông truyền thống, mang theo khát vọng khôi phục lại nghề trồng bông dệt vải, dệt thổ cẩm sống động một thời. Chương trình được triển khai bắt đầu từ thôn Nà Va với diện tích khoảng 2 sào và được chị em hội viên phụ nữ nơi đây tích cực hưởng ứng.
Có mặt tại thôn Nà Va từ sáng sớm, khi ánh nắng ấm dần len lỏi qua những ngọn núi, chúng tôi được chứng kiến không khí trồng bông lan tỏa khắp nơi, thổi bùng lên tinh thần hân hoan và kỳ vọng mới của phụ nữ xã Thượng Lâm. Họ cùng nhau gieo xuống đất những hạt giống bông như gieo những ước mơ và hy vọng mới đang bắt đầu nảy mầm.
Chị Chẩu Thị Kiều (thôn Bản Bó, xã Thượng Lâm) vừa gieo những hạt bông xuống đất vừa kể: "Trước kia, khi sản phẩm vải công nghiệp chưa nhiều, nghề trồng bông dệt vải phát triển rất mạnh. Người làng chúng tôi cùng nhau trồng và thu hoạch những mẻ bông để dệt ra những sản phẩm làm trang phục, làm khăn đội đầu, làm chăn ga gối đệm… phục vụ việc cưới, việc tang.
Đối với những gia đình có con gái thì việc trồng bông dệt vải còn quan trọng hơn. Bởi theo truyền thống của người Tày ở Thượng Lâm, phụ nữ đi lấy chồng phải thêu 12 tấm chăn trở lên và các sản phẩm khác như gối, khăn... Cô gái nào có đủ 12 tấm chăn thì mới được trai bản đến cầu hôn".
Bà Ngô Thị Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thượng Lâm, cho biết kế hoạch trồng bông là một phần của việc bảo tồn gìn giữ văn hóa truyền thống của người Tày nơi đây. Sự nhiệt huyết của các hội viên phụ nữ trong xã đã thắp sáng hơn ngọn lửa hy vọng, đánh thức những giá trị quý báu từ tri thức bản địa trồng bông dệt vải của quá khứ và gửi gắm vào tương lai.
"Giữ lửa" nghề
Lâm Bình là vùng đất hội tụ những nền văn hóa đặc sắc của trên 10 dân tộc anh em, với các lễ hội truyền thống đậm màu sắc dân gian, các danh lam thắng cảnh hữu tình. Đặc biệt, từ bao đời nay thổ cẩm vẫn là nét văn hóa đặc sắc trong đời sống đồng bào dân tộc Tày ở huyện vùng cao này. Từ đôi tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc nơi đây, mỗi tấm thổ cẩm ra đời như ẩn chứa tinh hoa hương sắc núi rừng.
Thế nhưng, cùng với xu thế phát triển chung, nghề dệt thổ cẩm dần vắng bóng, thậm chí có nơi còn bị "xóa sổ" và số người biết dệt vải, may áo ngày càng ít đi. Để bảo tồn nghề truyền thống trước nguy cơ mai một, thời gian qua chính quyền địa phương, đoàn thể cùng đồng bào nơi đây quyết tâm làm sống lại nghề.
Cụ thể, H.Lâm Bình đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm "tái sinh" kết hợp đào tạo tại các làng nghề để giữ nét truyền thống, giúp người dân có thêm thu nhập. Kết quả, nhiều tổ hợp tác, HTX, làng nghề, tổ thêu dệt ở TT.Lăng Can, các xã Khuôn Hà, Thượng Lâm… lần lượt ra đời, bà con gắn bó với nghề thêm phấn khởi.
Sau một thời gian tập trung truyền dạy và vừa làm vừa nghiên cứu cải tiến khung cửi, mẫu mã sản phẩm, đến nay HTX dệt thổ cẩm của H.Lâm Bình đã tạo ra những mẫu thổ cẩm đạt chất lượng cao, được nhiều du khách ưa chuộng, góp phần thay đổi đáng kể đời sống kinh tế của đồng bào.
Chị Nguyễn Thị Yêu, Giám đốc HTX dệt thổ cẩm Lâm Bình, chia sẻ: trong khi nhiều làng nghề rơi vào tình trạng "đóng băng" thì HTX dệt thổ cẩm Lâm Bình vẫn đang sống khỏe với nghề và số lượng thành viên không ngừng tăng lên.
"Dệt thổ cẩm tốn nhiều công sức nhưng lãi không nhiều. Tuy nhiên, để duy trì được nghề và đảm bảo thu nhập cho các thành viên, HTX đã chuyển hướng sáng tạo mẫu mã các sản phẩm dân tộc. Chúng tôi cũng phải cải tiến, định hướng, thống nhất mẫu thiết kế đa dạng sản phẩm để phù hợp với thị trường như: may hộp đựng đồ trang điểm, các túi đeo nhỏ nhắn cho khách du lịch, hoặc là may đệm bông gạo có thể gấp gọn, trang phục... thay vì các loại đệm tấm, vỏ gối như trước kia", chị Yêu cho biết.
Ở Lâm Bình, nghề dệt thổ cẩm cũng góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch. Loại hình du lịch homestay ở các ngôi làng nơi đây thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Du khách đến đây đều được trải nghiệm cách thêu dệt các sản phẩm thổ cẩm của người dân bản địa; hiểu rõ hơn về văn hóa của người Tày nơi đây.
Không chỉ có những khung cửi với những cuộn chỉ rực rỡ sắc màu đặt sẵn tại góc nhà sàn, tại các homestay còn bày bán sản phẩm thổ cẩm. Từ chiếc áo của người phụ nữ Tày, đến chiếc chăn, gối, quả còn, hay những món đồ lưu niệm xinh xinh đều được bày bán. Các sản phẩm thổ cẩm được thêu thủ công rất tỉ mỉ với hoa văn là những loài hoa dân dã của núi rừng gắn với bà con vùng cao như hoa xoan, hoa cây phay hay hình con chó, mặt trăng… Qua các sản phẩm này, người dân bản địa cũng muốn quảng bá văn hóa dân tộc mình.
Bình luận (0)