ĐH công lập 'giàu' lên nhờ tự chủ

04/08/2022 07:22 GMT+7

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, nhờ tự chủ ĐH mà nhiều trường công lập giàu lên, lương giảng viên và cán bộ trường ĐH tăng đáng kể. Tuy nhiên báo cáo không phân tích, đánh giá mức độ tăng đóng góp của người học.

Sáng nay 4.8, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tự chủ ĐH 2022. Hội nghị diễn ra cả ngày. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cùng tham gia chủ trì hội nghị với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT về kết quả thực hiện tự chủ ĐH từ cuối năm 2014 (thời điểm bắt đầu triển khai thí điểm mới cơ chế hoạt động của 23 cơ sở giáo dục ĐH theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24.10.2014 của Chính phủ) đến nay, việc thực hiện tự chủ của các trường ĐH đã được một số kết quả đáng khích lệ, mang lại nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện.

Sau giai đoạn thí điểm tự chủ ĐH theo Nghị quyết 77 thì cả nước thực hiện theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi (ban hành năm 2018), trong đó thúc đẩy việc tự chủ ĐH. Đến nay, cả nước có tổng cộng 141/232 trường ĐH đủ điều kiện tự chủ.

Một trong những vấn đề được báo cáo của Bộ GD-ĐT tập trung đánh giá là tài chính. Trong đó phân tích khá kỹ lợi ích về tài chính mà các trường đạt được nhờ thực hiện thí điểm tự chủ (theo Nghị quyết 77) và tự chủ (theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi). Tuy nhiên, báo cáo không đánh giá về mức độ tăng đóng góp của người học, yếu tố quan trọng làm nên thành công về tài chính cho các trường ĐH tự chủ.

Nhờ tự chủ mà lương giảng viên và cán bộ đều tăng

Theo Bộ GD-ĐT, về mức độ tự chủ tài chính, đến thời điểm hiện tại có 32,76% trường ĐH đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 13,79% số lượng trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên.

Đánh giá chung về nâng cao năng lực tài chính của các trường tự chủ, Bộ GD-ĐT cho biết từ 2018 đến 2021 tổng thu của các trường này đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên (chủ yếu là học phí - PV) cũng tăng thêm.

Đặc biệt, thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh: tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý.

Bộ GD-ĐT

Bộ GD-ĐT

Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.

Nếu năm 2018, tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu/năm chiếm 26,2% thì năm 2021 chỉ còn 12,7%; năm 2018 tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu/năm là 57,5% thì năm 2021 con số này giảm xuống còn 46,3%/ năm.

Bộ GD-đT

Bộ GD-ĐT

Trong khi đó, sau 3 năm tự chủ (2018-2021), giảng viên có thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97%.

Bộ GD-ĐT

Nhờ tự chủ sớm, trường công có doanh thu nghìn tỉ đồng

Hiện cả nước có 5 trường ĐH có doanh thu cao nhất (trên 1.000 tỉ đồng năm) trong đó có 2 đơn vị là trường công lập tự chủ gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. 3 trường còn lại đều là trường tư, gồm Trường ĐH FPT, Trường ĐH Văn Lang, và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Đáng chú ý, 2 trường công kể trên đều tự chủ theo Nghị quyết số 77 (nghĩa là tự chủ sớm).

Nếu tính tốp 10 trường có tổng thu cao nhất (trong số những trường được khảo sát) thì có 5 trường ĐH tự chủ từ sớm (theo Nghị quyết số 77), 1 trường ĐH tự chủ.

Ngoài 2 trường công vừa kể trên, 4 trường còn lại có: Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM.

4 trường còn lại là ĐH tư thục: Trường ĐH FPT, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Nếu tính danh sách 30 trường có tổng thu cao nhất năm 2021 thì có 14 trường trong danh sách các trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77.

Bộ GD-ĐT cho rằng, cơ chế thí điểm tự chủ đã tạo điều kiện cho các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Các trường chủ động trong quản lý, sử dụng các nguồn tài chính để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của trường, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn kinh phí.

Các trường được thu học phí và các khoản thu khác theo mức thu mô tả trong đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, công khai lộ trình trình tăng học phí, học phí của cả khóa học, từng năm học đối với người học kèm theo các điều kiện bảo đảm chất lượng và cam kết chuẩn đầu ra trước khi thông báo tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường.

Nhờ đó mà nhìn chung các trường đảm bảo được toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, và đều có chênh lệch thu lớn hơn chi. Thu nhập của giảng viên, người lao động đã tăng lên rõ rệt so với thu nhập bình quân giai đoạn trước (lương, thu nhập tăng thêm và phúc lợi trung bình tăng 20,33% so với trước tự chủ; một số trường thu nhập tăng thêm đáng kể so với lương cơ bản).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.