ĐH Huế: Hàng chục thí sinh từ đậu thành rớt

11/09/2015 18:17 GMT+7

(TNO) Ngày 11.9, hàng chục thí sinh và người nhà tập trung tại trụ sở ĐH Huế (số 2 Lê Lợi, TP.Huế) bức xúc vì có giấy báo nhập học của ĐH Huế nhưng khi làm thủ tục nhập học lại được báo là không đủ điểm trúng tuyển.

(TNO) Ngày 11.9, hàng chục thí sinh và người nhà tập trung tại trụ sở ĐH Huế (số 2 Lê Lợi, TP.Huế) bức xúc vì có giấy báo nhập học của ĐH Huế nhưng khi làm thủ tục nhập học lại được báo là không đủ điểm trúng tuyển.

ĐH Huế: Hàng chục thí sinh từ đậu thành rớt 1Bà Võ Thị Tâm cùng con gái là Nguyễn Vũ Trâm (trú tại xã Tam Dân, H.Phú Ninh, Quảng Nam) bức xúc trình bày sự việc - Ảnh: Tuyết Khoa
Bà Võ Thị Tâm cùng con gái là Nguyễn Vũ Trâm (trú tại xã Tam Dân, H.Phú Ninh, Quảng Nam) tuyệt vọng khi cầm tờ giấy báo nhập học do ĐH Huế cấp trên tay nhưng khi đến Trường ĐH Y dược Huế làm thủ tục thì tá hỏa khi trường này thông báo không trúng tuyển vào ngành đã đăng ký.
Theo bà Tâm, trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, Trâm đạt 24,25 điểm. Sau khi cộng 2 điểm gồm 1 điểm thuộc khu vực 2 NT và 1 điểm thuộc đối tượng 06, Trâm được 26,25 điểm và trúng tuyển vào ngành Răng hàm mặt (ĐH Y dược Huế). Theo Trâm, khi làm hồ sơ, Trâm ghi mình thuộc đối tượng 06. Vì bố của Trâm là ông Nguyễn Đại Tất thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bênh nghề nghiệp với 460.000 đồng/tháng.
ĐH Huế: Hàng chục thí sinh từ đậu thành rớt 2Giấy báo nhập học của em Nguyễn Vũ Trâm do ĐH Huế cấp - Ảnh; Tuyết Khoa
Tuy nhiên, theo giải thích cán bộ tại đây, Trâm không thuộc đối tượng 06. Theo quy chế tuyển sinh, trong đối tượng 06 có mục “con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%. Trường hợp Trâm có bố hưởng chế độ do tai nạn lao động vì thế không thuộc đối tượng 06. Do vậy, tổng điểm Trâm chỉ có 25,25, đồng nghĩa với việc Trâm rớt nguyện vọng 1 vào ngành Răng hàm mặt. Điểm chuẩn nguyện vọng 1 của ngành này là 25,75 điểm.
“Nếu con tôi khai sai thì khi nộp hồ sơ phải báo để sửa chữa. Giờ nhận báo nhập học, thuê phòng trọ, đóng học phí và nhận đồng phục… thì nói con tôi rớt. Giờ biết làm sao. Các trường thì không còn xét tuyển. Trong khi con tôi đạt điểm cao, học sinh giỏi 12 năm liền”, bà Tâm bức xúc.
Trường hợp của thí sinh (TS) Võ Thái Toàn cũng tương tự. TS này dự thi khối B và đạt 25,5 điểm. Khi làm hồ sơ, TS này ghi mình thuộc KV 1 vì có hộ khẩu thường trú tại huyện miền núi Sông Hinh (tỉnh Phú Yên). Sau khi cộng điểm ưu tiên 1,5 điểm, TS này có giấy báo trúng tuyển vào ngành Y đa khoa (ĐH Y dược Huế). Tuy nhiên, khi đến làm thủ tục, TS này được báo rớt vì không thuộc KV 1. Cán bộ ở đây giải thích, Toàn có hộ khẩu thường trú KV1 nhưng lại học phổ thông tại KV 2.
ĐH Huế: Hàng chục thí sinh từ đậu thành rớt 3Thí sinh và phụ huynh bức xúc tập trung tại ĐH Huế chờ giải quyết - Ảnh: Tuyết Khoa
Ông Võ Thái Bình, bố của Toàn, bức xúc: “Việc con tôi khai sai thì khi nộp hồ sơ phải thông báo để chúng tôi sửa chữa, tìm cơ hội học những ngành khác. Giờ nói con tôi khai sai phải tự chịu trách nhiệm vậy là không công bằng…”.
Ông Đỗ Văn Phong, Phó trưởng Ban công tác HS-SV ĐH Huế, cho biết năm nay Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi chung và lấy điểm xét ĐH. Vì thế, ĐH Huế không nhận hồ sơ gốc mà chỉ nhận dữ liệu từ Bộ. Do vậy, khi nhập học, thí sinh mang hồ sơ đến trường nộp nhập học thì ĐH Huế mới phát hiện được sai sót.
Tính đến hết ngày 11.9, ĐH Huế tiếp nhận 34 trường hợp khai không chính xác đối tượng và khu vực dẫn đến không đủ điểm trúng tuyển vì bị điều chỉnh điểm ưu tiên. Qua thống kê, ở ĐH Y Dược có 18 em, ĐH Ngoại ngữ có 5 em, ĐH Nông lâm có 6 em, Khoa Luật có 3 em, Khoa Du lịch có 2 em. Trong đó, 20 trường hợp thí sinh khai sai đối tượng ưu tiên, điều này do lỗi thí sinh vì ở quy chế tuyển sinh, thí sinh phải tự chịu trách nhiệm về tính xác thực trong hồ sơ. Nếu lúc nhập học, ở hồ sơ gốc so với hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ dự thi không đủ các điều kiện trúng tuyển thì trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học. Riêng 14 trường hợp còn lại là sai khu vực ưu tiên, chủ yếu là ở KV 1. Điều này sai phần lớn là do phần mềm của Bộ GD-ĐT. Phần mềm gán theo hộ khẩu thường trú. Ví dụ thí sinh có hộ khẩu thường trú là KV 1 nhưng đi học ở nơi khác không phải là KV 1 thì phần mềm vẫn gán thí sinh vẫn thuộc KV 1. ĐH Huế đã hướng dẫn những trường hợp này làm đơn nộp xét tuyển nguyện vọng 2. Sau đó, ĐH Huế sẽ xin ý kiến của Bộ để giải quyết thấu đáo, đảm bảo quyền lợi của TS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.