Anh Cảnh (trái) ôn thi tại ĐH Công nghệ Swinburne năm 2011. Anh đã học tiếng Anh miệt mài trước khi giành học bổng. |
nvcc |
Huỳnh Tấn Cảnh, 38 tuổi, cử nhân Học viện Hành chính quốc gia, chuyên viên cải cách hành chính UBND H.Cần Giờ, giành học bổng toàn phần tới Úc trong chương trình 500 thạc sĩ, tiến sĩ của TP.HCM 11 năm trước. Anh đã chinh phục nó bằng nghị lực như thế nào?
Làm bạn với cái lu nước
“Cha tôi từng là thợ hàn, quản lý nhà máy nước đá, mẹ tôi nội trợ. Ngày nhỏ, hai chị em tôi suốt ngày ra đứng sau lu nước khóc sau mỗi lần ba mẹ cãi nhau. Nhà nghèo, tôi còn nhớ có những cái tết, mẹ dắt hai chị em đi chợ, mua được cho ba mỗi một cái áo là hết sạch tiền”, anh Cảnh hồi tưởng. Từ năm lớp 9, Cảnh đã bắt đầu nghĩ tới việc mình phải học thật giỏi, kiếm được thật nhiều tiền để giúp mẹ.
Anh Cảnh học giỏi có tiếng, chơi thể thao rất cừ ở thị trấn Cần Thạnh. Có bằng cử nhân Học viện hành chính quốc gia, năm 2008, anh Cảnh tiếp tục học thêm Trường ĐH Công nghệ thông tin (CNTT), ĐH Quốc gia TP.HCM. Các môn tự nhiên không khó khăn với Cảnh nhưng tiếng Anh là nỗi thách thức lớn nhất. “Tôi đặt mục tiêu leo thang tri thức, phải giành học bổng thạc sĩ ở nước ngoài. Nhưng hoàn thành chương trình tiếng Anh đại cương ở trường ĐH đã chật vật. Để chuẩn bị hồ sơ, xét học bổng toàn phần tới ĐH Công nghệ Swinburne (Swinburne University of Technology, Úc) tôi đã có hơn 1 năm trời ngày nào cũng đi đi về về 120 km chỉ để học”, anh Cảnh nhớ lại.
Anh Cảnh (bìa trái) tham gia đợt tập huấn cứu hộ, sơ cấp cứu trên biển do trường Swinburne tổ chức |
nvcc |
Hai ngàn rưỡi đồng trong túi
Đỉnh điểm của gian nan là năm 2009, anh Cảnh đang là bí thư Đoàn của văn phòng UBND H.Cần Giờ. Xin được tan sở lúc 4 giờ chiều, Cảnh lấy chiếc xe Dream cũ, vượt 60 km vào nội thành. Một tuần 3 ngày học tiếng Anh, 3 ngày học chương trình buổi tối của Trường ĐH CNTT. 6 giờ tối tới nơi, 8 rưỡi tối học xong, anh ghé nhà dì, ăn chén cơm rồi 4 rưỡi sáng hôm sau lại chạy về đi làm. Ngày nào mà chạy xe về nhà luôn, thì tới nhà cũng quá 12 giờ đêm.
“Tôi nhớ lương được 1,8 triệu đồng/tháng thì dành hết cho học. Trước khi tới Úc, còn nợ bà con 12 triệu đồng tiền đóng học. Ngày ấy tôi còn 48 kg. Có lúc mệt quá, lủi cả xe và người vào bãi cát. Có hôm phải đẩy bộ hàng cây số ở giữa rừng Cần Giờ. Hay có hôm trong túi còn đúng hai ngàn rưỡi, mà xe bị lủng bánh, may là có tờ 2 đô la mà ngày xưa hay để trong túi lấy may, thế là đi đổi rồi vá xe, lại đi học tiếp”, anh Cảnh kể lại chuỗi ngày không thể nào quên trong đời.
Gian nan để đi học tiếng Anh như thế, anh Cảnh thi IELTS 2 lần mới đạt 6.5, trầy trật nhất ở kỹ năng nghe và đọc, từng có lúc anh muốn bỏ hết mọi thứ vì nghĩ “chắc mình không có khả năng”. Trúng tuyển học bổng tới Úc, anh Cảnh phải tự lo sinh hoạt phí để học thêm tiếng Anh nâng cao trong 10 tuần, trước khi bắt đầu chương trình chính thức.
Anh Cảnh làm thêm trên cánh đồng dâu của Úc năm 2010 |
nvcc |
Khó khăn chưa bao giờ hạ gục Cảnh, mới qua Úc được 4 ngày, anh đã nhờ các sinh viên Việt Nam tại Úc tìm cho việc làm thêm. Cần mẫn trên cánh đồng dâu, trung bình anh kiếm được khoảng 200 đô la/ngày từ việc hái dâu thuê. Đỉnh cao nhất, có ngày được nghỉ học, anh hái từ 4 giờ sáng tới 11 giờ đêm, được 4 tạ dâu/ngày. Số tiền này hỗ trợ anh không nhỏ để trả nợ, bù vào chi phí sinh hoạt, học thêm tiếng Anh tại nước bạn.
Khởi nghiệp với tiếng Anh
Hoàn thành chương trình tại ĐH Công nghệ Swinburne, anh Cảnh trở về TP.HCM, làm việc 2 năm tại Saigon Co.op. Từ năm 2015, anh khởi nghiệp với một công ty phát triển dạy tiếng Anh cho người trẻ. Con nhà nghèo, đi qua muôn trùng khó khăn mới học được tiếng Anh, Cảnh càng hiểu hơn tầm quan trọng của ngoại ngữ và mong muốn sẽ không còn ai phải giống anh.
Khởi nghiệp có lúc thịnh, suy, Cảnh từng có lúc mua được nhà mặt tiền ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, xây được nhà hoành tráng cho cha mẹ ở Cần Giờ. Song, năm 2017, anh gặp biến cố trong kinh doanh và phải bán đi căn nhà đầu tiên để trả nợ. Hơn 2 năm sau, hai vợ chồng cũng ly hôn.
Anh Cảnh trao đổi với PV Báo Thanh Niên |
thúy hằng |
Dịch Covid-19 ập tới, đòi hỏi mô hình giảng dạy tiếng Anh phải chuyển đổi số để tồn tại. Là cử nhân công nghệ thông tin nhưng đã quên hết kiến thức, anh Cảnh phải tự đi tìm gia sư, học lại lập trình để tự mình làm lại từ đầu. May mắn, anh vẫn có những người anh, người bạn đứng sau hỗ trợ, ủng hộ dự án. Và đặc biệt là gia đình.
“Từ người không bao giờ động đến thuốc lá, tôi đã hút mỗi ngày 6 điếu. Có những lúc tôi bảo mình đi mua một cái bảo hiểm nhân thọ, rồi buông hết mọi thứ, nhưng rồi lại không đủ dũng khí. Tôi có những ân nhân giúp mình không từ bỏ giấc mơ khởi nghiệp. Tôi nhớ tới mẹ tôi, người luôn nói với tôi rằng, dù khó khăn thế nào, tôi cũng sẽ làm lại được mọi thứ”, anh Cảnh bộc bạch.
Tới nay, ứng dụng Trợ lý Anh ngữ Riolish của anh Cảnh được nhiều bạn trẻ sử dụng. Vừa qua, anh Cảnh còn là thành viên giám khảo cuộc thi hùng biện tiếng Anh do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, anh Nguyễn Gia Thái Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND Q.Bình Tân, đang làm việc tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp của TP.HCM, cho hay biết Cảnh từ thời sinh viên và ngưỡng mộ ý chí, nghị lực của Cảnh.
“Một chi tiết mà tôi rất nhớ về Cảnh, đó là mỗi chiều, bạn ấy chạy xe máy 60 km để vào nội thành học tiếng Anh rồi lại chạy về. Một người có tri thức, có ý chí, sống nhân văn, biết nghĩ về cộng đồng trong dự án khởi nghiệp của mình thì chắc chắn sẽ thành công”, anh Bình chia sẻ.
Bình luận (0)