Đi ăn cưới... không biết mặt cô dâu chú rể

26/05/2018 17:33 GMT+7

Tiệc rượu đầy tràn, nhạc xập xình, khách vội vàng, chủ mệt nhoài, nhiều đám cưới không còn là khoảnh khắc thiêng liêng đánh dấu cặp bạn trẻ chính thức về chung một nhà mà giống như một tục lệ: mời ăn, trả bao thư.

Một ngày tháng 5, chị Nguyễn Kim Anh, 36 tuổi, trú đường Nguyễn Duy, phường 9, quận 8, TP.HCM, vừa đi làm về đã hớt hải thay đồ rồi chạy đến đám cưới ở trung tâm tổ chức sự kiện đường Kỳ Hòa, Q.10, TP.HCM. Tới nơi, mọi người đã nhập tiệc, gia đình cô dâu chú rể đang đi mời rượu mọi người, chị Kim Anh tìm một ghế còn trống để ngồi, xung quanh toàn người xa lạ.
“Mọi người ngồi ăn không thoải mái vì sau một ngày đi làm về mệt mỏi, lại nghe tiếng nhạc tiếng hát quá lớn. Khách mời khá đông, chúng tôi không biết ai với ai, chẳng nói chuyện được nhiều. Mọi người ai cũng vội, tôi cũng không nói được câu gì với chủ nhân bữa tiệc. Về nhà con tôi hỏi cô dâu, chú rể đẹp đôi không, làm nghề gì, tôi cũng không biết trả lời sao...”, chị Kim Anh nói.
Anh Bùi Huy Đạt, 31 tuổi, trú đường Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội cho hay vẫn chưa thể làm quen được với những bữa tiệc cưới chỉ thấy ăn uống, âm thanh chát chúa, dù đi dự tiệc không biết bao lần: “Trên sân khấu cô dâu chú rể chưa kịp uống rượu giao bôi, ở dưới đã ăn uống, chúc tụng nhau. Hai nhân vật chính bị lãng quên, dù hôm đó đáng lẽ họ phải được nhận những lời chúc phúc của mọi người”.
Cũng chính vì cảm giác “sợ” đám cưới mệt nhoài kiểu đó, 3 năm trước, anh Đạt và bạn gái quyết định tổ chức đám cưới ở một du thuyền trên hồ Tây, dù bị gia đình hai bên phản đối. “Đám cưới của chúng tôi có 200 khách, là những người thân thiết nhất của cô dâu và chú rể. Thiệp mời cũng được thiết kế online, tránh lãng phí. Tôi cũng nói trước không nhận phong bì, chỉ nhận những món quà nhỏ. Mọi người ăn bánh, uống trà, cùng chơi một số trò chơi, sau đó vợ chúng tôi cảm ơn, kể lại những kỷ niệm chúng tôi từng có với mọi người. Đám cưới đó thật sự là ngày đáng nhớ của tất cả chúng tôi”.
Một đám cưới hình thức ngoài trời do anh Phú tổ chức P.P
Anh Phạm Phú, 29 tuổi, chuyên tổ chức sự kiện tiệc cưới, trú đường 14, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM, cho hay: “Tôi dự tính sẽ mời đám cưới khoảng 100 khách là những người bạn thân thiết và có ý nghĩa trong cuộc đời tôi. Tôi sẽ không nhận tiền mừng cưới mà chỉ nhận quà mừng đúng nghĩa là chung vui và chúc phúc cho tôi”.
Người chuyên đứng ra tổ chức tiệc cưới cho nhiều cặp đôi cho biết, sắp tới, đám cưới ngoài trời sẽ là xu thế. “Các địa điểm như bãi đất trống, sân bóng, vườn cây… với quang cảnh thuận lợi có thể là địa điểm tổ chức đám cưới, kinh phí tuỳ vào yêu cầu của gia chủ”, anh Phú tư vấn.
Chị Nguyễn Khánh Linh, 27 tuổi, quản lý studio ảnh cưới của gia đình tại thị trấn Bình Xuyên, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc nêu quan điểm: “Theo xu hướng của giới trẻ hiện nay, hoặc ngay cả bản thân tôi trước đây cũng muốn có một hôn lễ đơn giản, không rườm rà...”.
Chị Linh cho rằng phong cách tổ chức tiệc cưới ngọt ở ngoài trời, trên bãi biển hay trong vườn cây... rất hay, vừa tiết kiệm được thời gian, lại tiết kiệm cả chi phí. Tuy nhiên, điều chị Linh băn khoăn là phong tục của nhiều nơi, nhiều gia đình ở Việt Nam chưa thể dễ dàng chấp nhận.
“Phong tục khó có thể phá vỡ. Cho dù có mệt mỏi vì tiếp khách, vì phải lo tiệc tùng nhưng nhiều bạn trẻ ở nhiều nơi chưa thể làm khác được phong tục truyền thống. Do đó, nếu các bạn trẻ thật sự muốn làm đám cưới đơn giản hơn cần thuyết phục gia đình trước tiên. Hoặc có thể làm đám cưới truyền thống để bố mẹ hai bên mời quan khách, sau đó làm một tiệc ngọt nhẹ nhàng để bạn bè của cô dâu, chú rể cùng tham dự”, chị Linh tư vấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.