Người sành ăn, yêu thích những món ngon đường phố khó mà cưỡng lại sự quyến rũ chua cay mặn ngọt của đĩa gỏi đu đủ khô bò ngay góc công viên xanh mát.
>> Nước mía 93 CMT8: Chỗ giải khát và ăn vặt của Sài Gòn
>> Bột chiên Đạt Thành: “Việt hóa” món ăn chơi
Một món ăn dân dã, đặc trưng của miền Nam - gỏi khô bò (gỏi đu đủ khô bò) - là lựa chọn không tồi cho một chiều lang thang cùng bè bạn. Vừa nhẹ nhàng, không ngấy mà quên đi các món ăn vặt khác, vừa đủ để ăn xong một đĩa còn hơi thòm thèm dành lần sau, khiến gỏi khô bò trở thành thứ “quà” thân thiết của nhiều người.
Và nếu đã lỡ “xiêu lòng” trước sự kết hợp giữa đu đủ, khô bò, rau thơm, phồng tôm, đậu phộng, nước dùng thì nên một lần nếm thử gỏi khô bò tại công viên Lê Văn Tám, phía Hai Bà Trưng giao Võ Thị Sáu (Q.3, TP.HCM) để trải nghiệm hương vị khác biệt.
|
Chỉ là một quán cóc với xe khô bò phía bên kia đường, mỗi ngày nơi đây tiếp hàng trăm khách hàng. Những người vừa dạo chơi, thể dục ở công viên tiện làm bữa nhẹ, vài bạn trẻ rủ rê nhau đi chơi gặp nhau vừa ăn vừa chờ cho đủ quân số, nhiều cặp đôi cũng ghé lại đây như chốn hẹn hò...
Mỗi khách mỗi vẻ nhưng dường như ai cũng thoải mái trong không khí thoáng đãng khi ngồi ven công viên, trên tay là đĩa gỏi và ly nước mía mát lạnh chuyên trị cái nóng tê tái ở Sài Gòn.
Chỉ cần dựng xe, ngồi xuống là sẽ có người đem cho bạn những miếng ni lông sạch sẽ để ngồi gọi món. Một lát sau, phục vụ sẽ mang lại những đĩa gỏi ngon thơm, mới bởi họ phải bưng đồ ăn từ phía bên kia đường qua công viên.
Gạt đi nỗi lo lắng về cái bụi bặm, món gỏi ở đây xứng đáng đạt ngôi quán quân trong tất cả các quán bán món này tại Sài Gòn. Các nguyên liệu đều giống nhau, nhưng chất lượng gỏi lại khác nhau.
Hiếm nơi nào chọn làm được đu đủ đúng độ như ở đây. Gắp miếng đu đủ lên thấy sợi nhỏ nhắn, đều nhau, ăn vào vừa giòn nhẹ lại vừa mềm chứ không khô cứng, đặc biệt, hoàn toàn không có dấu hiệu của mủ đu đủ. Khô bò vẫn đen lánh mà không mùi hôi, vị vừa miệng và không cứng quá. Ngay đậu phộng cũng ngon, hạt đều nhau đầy hấp dẫn.
|
Điểm nhấn khiến nhiều người “nghiện” quán là bánh phồng tôm giòn, thơm nhẹ mùi gừng tự làm, khác hẳn thứ bánh công nghiệp ám mỡ dầu thường thấy. Đặc biệt là thứ nước dùng – bí quyết khiến vị gỏi nơi đây vượt trội hơn nhiều quán khác.
Nó tinh tế đến nỗi kẻ sành ăn cũng khó phân biệt được nước dùng của món gỏi được làm bằng nước tương hay nước mắm. Những gì cảm nhận được chỉ là vị chua cay mặn ngọt quyện vào nhau hài hòa, tròn trịa.
Đĩa gỏi bưng ra với màu xanh trong của đu đủ bào sợi mỏng điểm thêm sắc xanh ngắt của vài lá rau răm, rau thơm cắt nhỏ, bên trên là ít miếng khô bò đen bóng ngon mắt, đậu phộng nâu đỏ và bánh phồng tôm vàng giòn, chút tương ớt đỏ hút mắt khiến món ăn hấp dẫn và kích thích vị giác hơn.
Trộn đều tất cả, mùi thơm đặc trưng chạy lên mũi làm người ta dễ chảy nước miếng. Vừa nói chuyện với bạn bè, vừa cảm nhận vị mềm, ngọt của đu đủ, dai bùi của bò khô, giòn thơm của phồng tôm, bùi béo của đậu phộng rang, thơm dịu của rau trong cái chua, cay, mặn, ngọt của nước dùng khiến buổi chiều thêm nhiều dư vị.
Nhâm nhi gỏi 16.000 đồng/đĩa, uống nước mía 7.000 đồng/ly, lắng nghe và nhìn hàng xe vun vút lao qua cũng đáng để thử lắm.
Tạ Ban
Bình luận (0)