Đi biển... thiếu 'bạn'

20/10/2018 00:00 GMT+7

Những chuyến biển của hàng chục chiếc tàu công suất lớn vừa được đóng mới với giá trị hàng chục tỉ đồng đang có nguy cơ đình trệ vì thiếu “bạn” (lao động trên biển).

Nghịch lý đó đang xảy ra ở Cửa Việt, làng biển lớn nhất tỉnh Quảng Trị.
Tìm “bạn” già cũng khó!
3 ngày trước khi con tàu gỗ QT 91018 TS hành nghề lưới rê của ngư dân Trần Việt Thành rời cảng cá Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị) nhưng “bạn” thuyền vẫn chưa tìm đủ. Con tàu này vừa nâng cấp công suất lên 400 CV, từ nguồn vốn vay 1,4 tỉ đồng theo Nghị định 67. Chuyến biển 15 ngày, anh Thành cần 7 - 8 thuyền viên nhưng giờ mới kiếm được 4 người, trong đó hết 3 người đã ngấp nghé tuổi 55. “Đến bạn thuyền tuổi cao niên, trung niên... còn tìm không ra huống hồ là thanh niên”, anh Thành thở dài thườn thượt.
Trong tình huống xấu nhất, anh Thành vẫn phải đưa thuyền ra khơi nhưng thật khó để có cá tôm đầy khoang. Ấy vậy mà vị chủ tàu trẻ này lại bảo... còn may, vì anh từng có lần chuẩn bị ngư lưới cụ, xăng dầu, lương thực đầy đủ nhưng rốt cuộc chỉ kiếm được vỏn vẹn 2 “bạn”, đành phải neo tàu lại bến.
Với tàu vỏ thép, tình hình còn bi đát hơn vì mỗi chuyến biển cần tới 15 “bạn” và những người này phải rành việc. “Rủ rê người ta đi biển, trả mỗi tháng 6 - 8 triệu bạc và đảm bảo đầy đủ các chế độ ăn uống, mà phải năn nỉ gãy lưỡi. Bởi tàu bè bây giờ thì nhiều mà lao động không có, bạn thuyền có quyền lựa chọn”, Võ Minh Thành, chủ một tàu cá vỏ thép ở xã Gio Hải (H.Gio Linh), phân trần.
Để có những bạn thuyền đi cùng cho kịp thời vụ, các chủ tàu cá ở Cửa Việt phải bắt mối, hoặc lặn lội đi các làng biển ở các tỉnh lân cận để gọi người. Thậm chí, những lúc quá kẹt, họ sử dụng cả những bạn thuyền là nông dân vốn chỉ quen việc đồng áng.
Cha đóng tàu, con xuất ngoại
Tình trạng thiếu hụt lao động của những chủ tàu cá ở Cửa Việt không khó để lý giải. Ngư dân Lý Tưởng (54 tuổi, đã “đi bạn” 2 năm nay trên tàu cá QT 91018 TS) bảo rằng đi biển ngày nay thất thường quá, cá tôm khi có khi không mà miếng cơm thì ngày nào cũng phải ăn. “Thực tế cả người dân làng biển cũng ít mặn mà với nghề”, ông Tưởng nói.
Theo ông Tưởng, bạn thuyền luôn khan hiếm bởi người lớn tuổi chẳng ai đi biển, lớp trẻ hoặc đang đi học, làm ăn xa hoặc xuất khẩu lao động. Thậm chí, nhiều chủ tàu vay cả chục tỉ đồng để đóng tàu vỏ thép và kêu gào thiếu “bạn thuyền”, nhưng chính họ lại tốn thêm tiền cho con cái sang tận Hàn Quốc, Đài Loan để... đi biển.
“Ở mình, đi biển tháng kiếm được vài triệu đồng, còn sang nước họ kiếm tháng ba bốn chục triệu thì phải cho chúng nó đi để cáng đáng gia đình. Chứ cứ theo chân cha, thì đói!”, một chủ tàu cá vỏ thép ở Cửa Việt thừa nhận.
Theo số liệu của UBND TT.Cửa Việt, số tàu cá và số người đi xuất khẩu lao động tại địa phương liên tục tăng. Thị trấn bé nhỏ này có 100 tàu công suất từ 90 CV trở lên, trong đó có 11 tàu vỏ thép vừa đóng mới, nhưng cũng có đến 690 người đang xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Ông Trần Đình Cảm, Chủ tịch UBND TT.Cửa Việt, cho biết lượng lớn người dân địa phương ra nước ngoài lao động có thu nhập cao cũng làm cho làng biển khởi sắc, nhưng ngược lại cũng cho thấy nhiều hậu quả nhãn tiền về chuyện thiếu trầm trọng lao động nghề biển, đặc biệt là lao động trẻ. “Giờ nhiều tàu cá vươn khơi chỉ có ngư dân già. Mà đi biển lại là nghề đặc thù, không phải ai cũng xuống tàu ra khơi được”, ông Cảm lo lắng.
Mối quan tâm hiện nay ở TT.Cửa Việt là sớm cân bằng “cơ cấu” lao động đi xuất khẩu với lao động chịu ở nhà để đi biển, vì địa phương vẫn coi phát triển kinh tế biển là mũi nhọn. Nhưng chính ông Cảm nhìn nhận, nếu chỉ tuyên truyền vận động suông thì thật khó hiệu quả. Bởi lẽ, người lao động có lý do để lựa chọn nơi làm việc cho thu nhập tốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.