Trưa 4.10, sau khi xem phóng sự Nghẹn ngào nước mắt trẻ thơ bên những ngôi nhà đổ sập ở thôn Kho Vàng của nhóm phóng viên Báo Thanh Niên, nhiều người dân có mặt tại trụ sở UBND H.Bát Xát đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh đau thương con mất cha, vợ mất chồng sau cơn lũ kinh hoàng ở sông Chảy (thôn Kho Vàng, xã Nậm Lúc, H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) vào đêm 9.9.
Trong số đó có em Sùng Thị Giấy (thôn Phìn Chải 2, xã A Lù, H.Bát Xát), học sinh lớp 10 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên H.Bát Xát. Giấy khóc nức nở bởi câu chuyện của những đứa trẻ mồ côi kia cũng là nỗi đau mà em phải chịu trong những ngày thảm họa thiên tai lịch sử ở miền Bắc.
Sau trận thiên tai đó, nữ sinh Sùng Thị Giấy mất 5 người thân là bố, mẹ, em gái và 2 người cháu.
Ký ức kinh hoàng đêm sạt lở: Đi bộ 40 km về, không kịp gặp bố mẹ lần cuối
Không kịp tiễn đưa gia đình lần cuối
Nhớ lại thời điểm nhận tin dữ, Giấy cho biết, khoảng 4 giờ sáng 9.9, khi đang ngủ nội trú ở trường, Giấy được một người cháu ở gần nhà gọi điện thông báo ở thôn Phìn Chải 2 xảy ra sạt lở và nhắc gọi điện về nhà xem tình hình. Lập tức, Giấy gọi điện cho bố mẹ nhưng không được nên rất lo lắng.
Đến khi trời sáng hẳn, em tiếp tục gọi điện nhưng đầu dây bên kia vẫn không trả lời. Lúc này, lòng Giấy nóng như lửa đốt, em hy vọng nếu có bị sạt lở thì chỉ bị nhà cửa thôi, còn người sẽ chạy được. Thế nhưng khi nhận được thông báo 5 người trong gia đình mất tích từ hàng xóm, Giấy như chết lặng.
Ngoài trời lúc này vẫn mưa lớn, Giấy xin giáo viên phụ trách về nhà tìm người thân nhưng các cô không đồng ý bởi đường đi nguy hiểm, nhiều đoạn bị sạt lở, không có phương tiện nào tiếp cận được. Giấy gọi điện cho anh trai và chị dâu đang làm ở Hải Dương nhưng anh chị cũng chưa về được ngay.
Hai ngày sau, anh trai về tới Bát Xát rồi đến trường đón Giấy về nhà bằng xe máy. Tuy nhiên, quãng đường 60 km về nhà của hai anh em lại không hề dễ dàng bởi hàng trăm điểm sạt lở.
"Chúng em đi được khoảng 20 km đến xã Trịnh Tường thì không đi được nữa bởi sạt lở chia cắt đường. Lúc này, hai anh em gửi xe máy, đi bộ đến thôn Bản Pho ngủ nhờ nhà người thân một đêm. Sáng hôm sau, đường về tiếp tục xuất hiện nhiều điểm sạt lở hơn nên anh trai bảo em ở lại đó, anh sẽ đi bộ về trước, 1 - 2 ngày nữa nếu đường thông thì đi về sau", Giấy nhớ lại.
Những ngày sau đó, Giấy chờ đợi trong vô vọng. Nữ sinh cũng không có thông tin từ gia đình bởi cả khu vực thôn Phìn Chải 2 đã mất sóng. 4 ngày sau, Giấy quyết định đi bộ về nhà.
"Em đi bộ gần đến xã A Lủ thì anh trai xuống đón, em không tính được mình đã đi bộ bao nhiêu km nhưng đường rất khó đi, có lúc em cảm thấy mỏi không đi được nữa nhưng trong lòng vẫn phải quyết tâm bước tiếp, bước để về xem nhà, bước để về thăm bố mẹ", Giấy kể lại.
Về đến nơi, nữ sinh không tin vào mắt mình khi ngôi nhà thân yêu bị sạt lở không còn dấu vết, cả nhà 5 người thiệt mạng đã được tìm thấy và được người dân mai táng, Giấy không có cơ hội tiễn bố, mẹ, em gái và 2 cháu lần cuối.
Thảm họa Làng Nủ: Vực dậy sau đau thương và những bài học sống còn
Bữa cơm cuối cùng của gia đình
Đứng trước nơi mình được sinh ra, Giấy nhớ về lần sinh nhật cuối cùng được bố mẹ tổ chức. Em nhớ được bố mẹ mua cho nhiều kẹo, mua bánh sinh nhật đẹp và ăn một bữa cơm thật ngon. Vậy mà giờ đây cả nhà mãi mãi chia lìa. Giấy bật khóc rồi tự trách giá như bản thân có thể về sớm hơn, tự trách bản thân chưa một ngày được báo hiếu bố mẹ.
Giấy có một hy vọng, ước một lần được "gặp bố mẹ trong giấc mơ" để nói "sẽ học giỏi và chăm sóc bố mẹ thật tốt", bù lại những ngày mà Giấy không ở nhà, thế nhưng điều đó vẫn chưa thành hiện thực.
"Lần cuối cùng em được gặp bố mẹ là dịp nghỉ lễ 2.9. Đó là bữa cơm cuối cùng em được ăn với họ. Còn bữa cơm có mặt tất cả thành viên gia đình thì lâu lắm rồi, tận kỳ nghỉ lễ 30.4 vừa rồi mới đông đủ 8 người. Lúc đấy, em còn hứa với bố mẹ và anh chị "sau này con sẽ cố gắng học hành để có điều kiện đưa bố mẹ đi đến những nơi mà chưa bao giờ được đi". Vậy mà...", Giấy nghẹn ngào.
Trao đổi với Thanh Niên, anh Thò A Cự, Thôn trưởng thôn Phìn Chải 2 (xã A Lù), cho biết trước khi xảy ra vụ sạt lở thương tâm khiến 4 ngôi nhà sụp đổ, 7 người thiệt mạng, khu vực này mưa rất lớn.
Khoảng 2 giờ sáng 9.9, anh không ngủ nên mang đèn ra đường đi xung quanh thôn, khi vừa ra khỏi nhà được khoảng 20 m thì nghe thấy tiếng "ụp", quay lại thì thấy 4 nhà đã bị sạt xuống chân núi.
"Khi đó, tôi điện cho những người trong nhà nhưng không ai bắt máy, nghĩ có chuyện chẳng lành, tôi hô hào người dân ra xem và báo cáo lên cấp trên. Sáng hôm sau, công việc tìm kiếm được triển khai, 5 ngày sau, thi thể 7 người đã được tìm thấy và mang đi mai táng", anh Cự nói.
Theo anh Cự, gia đình nữ sinh Sùng Thị Giấy có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Sau trận thiên tai, gia đình 8 người chỉ còn lại Giấy và anh trai, chị dâu. Thời điểm đó, Giấy đi học, vợ chồng anh trai đi làm ở Hải Dương nên 3 người mới thoát nạn.
Sau khi biết tin gia đình gặp nạn, Giấy và anh trai đi bộ 40 km về nhà nhưng cũng không kịp tiễn bố mẹ lần cuối.
Nghẹn ngào nước mắt trẻ thơ bên những ngôi nhà đổ sập ở thôn Kho Vàng
Sùng Thị Giấy là một trong 10 trẻ em mồ côi sau bão số 3 tại H.Bát Xát (Lào Cai) được Báo Thanh Niên bảo trợ. Đây là chương trình "Cùng con đi tiếp cuộc đời, bảo trợ trẻ em mồ côi sau cơn bão số 3" do Báo Thanh Niên khởi xướng.
Trước mắt, Báo Thanh Niên sẽ bảo trợ 50 em nhỏ trong vòng 5 năm, với số tiền 2 triệu đồng/tháng/1 em tại Lào Cai. Sau đó, chương trình tiếp tục được nhân rộng sang các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng… với tổng số tiền dự kiến hơn 9,3 tỉ đồng.
Bình luận (0)