Đi bộ đến nhà Gươl học trực tuyến, học sinh Cơ tu mong sớm đến trường

25/09/2021 17:32 GMT+7

Để đeo theo con chữ trong suốt thời gian Covid-19 hoành hành, học sinh người đồng bào Cơ tu ở Đà Nẵng phải đi bộ đến nhà Gươl để học trực tuyến .

“Học xong chạy nhanh về để nấu cơm cho em”

Năm học mới 2021 - 2022 của các học sinh tại TP.Đà Nẵng thời gian qua được tổ chức theo hình thức học trực tuyến vì chính quyền vẫn đang thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Học sinh người đồng bào Cơ tu miền núi phía tây TP.Đà Nẵng ngày ngày phải vượt qua những khó khăn, thiếu thốn để đeo theo con chữ theo hình thức học trực tuyến.
Cách trung tâm TP.Đà Nẵng chừng 40 km, ngày mới của học sinh người đồng bào Cơ Tu tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) bắt đầu bằng việc đi bộ đến nhà Gươl thôn Tà Lang - Giàn Bí để tham gia buổi học trực tuyến.

Các học sinh đồng bào Cơ tu (xã Hòa Bắc) phải đi bộ đoạn đường 3km để đến nhà Gươl học trực tuyến

HUY ĐẠT

Một buổi sáng sớm ngày cuối tháng 9, phóng viên Báo Thanh Niên có mặt tại xã Hòa Bắc (H.Hòa Vang) ghi nhận buổi học trực tuyến của học sinh miền núi TP.Đà Nẵng. Giữa không khí trong lành của núi rừng, đường xá vắng người vì lực lượng chức năng vẫn còn kiểm soát chặt chẽ người ra vào “vùng xanh”, thỉnh thoảng có tiếng xe máy của người dân đi làm rẫy.
Đồng hồ điểm 7 giờ 30 phút, em Đinh Thị Minh Phượng (học lớp 7 Trường THCS Nguyễn Tri Phương) và bạn cùng lớp Trương Quốc Mạnh (trú thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) có mặt tại nhà Gươl thôn Tà Lang - Giàn Bí để bắt đầu buổi học trực tuyến.

Lớp học trực tuyến tại nhà Gươl có 3 học sinh, đây là những học sinh khó khăn, gia đình không có thiết bị điện tử để học trực tuyến

HUY ĐẠT

Dưới nhà Gươl cao ráo, sạch sẽ rộng khoảng 100 m2, chỉ vỏn vẹn có 2 học sinh Cơ Tu ngồi cạnh nhau rồi chăm chú nhìn qua màn hình máy tính có gắn camera. Đây là thiết bị do nhà trường lắp đặt để phục vụ cho việc học của các em.
Đến giờ giải lao, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng học sinh người đồng bào. Đinh Thị Minh Phượng cho biết mỗi ngày em cùng bạn Mạnh phải lội bộ đoạn đường hơn 3km để đến được nhà Gươl tham gia buổi học trực tuyến.
“Tụi em bắt đầu đi bộ từ 6 giờ sáng, đến nhà Gươl lúc 7 giờ 30 khởi động máy tính xong thì đến giờ học luôn. Mấy ngày đi bộ để học trực tuyến khiến tụi em cũng quen dần rồi”, Phượng kể.

Mạnh và Phượng (áo trắng) nghiêm túc chép bài trong buổi học trực tuyến tại nhà Gươl

HUY ĐẠT

Đinh Thị Minh Phượng tâm sự, ba mẹ ngày ngày thức dậy từ mờ sớm, lên rẫy làm thuê, dịch bệnh kéo dài khiến gia đình Phượng vốn đã khó khăn nay càng thiếu thốn hơn. Ba mẹ chỉ có điện thoại với chức năng nghe và gọi. Thời điểm nhà trường thông báo học trực tuyến thì ba mẹ mượn được một chiếc điện thoại thông minh. Thế nhưng nhà có 2 chị em, Phượng đành nhường chiếc điện thoại “xịn” đó cho em học trực tuyến ở nhà, còn mình thì di chuyển mỗi ngày 6 km đến nhà Gươl học cùng bạn.
“Buổi sáng thì đi bộ với các bạn em thấy không mệt, quen rồi ạ. Nhưng trưa về thì em phải chạy nhanh hơn, bỏ xa các bạn ba mẹ đi làm rẫy trưa không về nên phải chạy nhanh về nhà nấu cơm em ăn nữa”, Phượng nói.
Cùng tham gia học tại nhà Gươl, em Trương Quốc Mạnh (thôn Tà Lang) cho biết, đây là buổi học trực tuyến thứ 3 của lớp 7. Thời gian qua, nhà trường thường xuyên soạn bài tập, in, phát tận tay cho học sinh để làm bài.
“Em được nhà trường tạo điều kiện học trực tuyến tại nhà Gươl của thôn sau thời gian làm bài tập tại nhà, được nghe thầy cô giảng bài qua máy tính em thấy thích thú hơn”, Mạnh nói.

Muốn sớm đến trường gặp bạn bè

Không khí buổi học diễn ra khá nghiêm túc, giáo viên liên tục đặt câu hỏi, tương tác với học sinh thường xuyên. Chép xong bài tập, Mạnh tâm sự: “Tụi em học trực tuyến khá thuận lợi, chỉ có đi bộ hơi mệt. Tụi em mong rằng sớm được đến trường, đi học ở lớp để gặp bạn bè và thầy cô. Được vui chơi giờ giải lao…”.
Chung cảm nghĩ đó, em Phượng cho hay, từ khi nghỉ hè đến nay em chưa được gặp lại bạn bè, giờ chỉ muốn sớm được đi học.

Em Trương Quốc Mạnh (áo cam) chép bài tập về nhà, kết thúc buổi học trực tuyến thứ 3 tại nhà Gươl thôn Tà Lang - Giàng Bí (xã Hòa Bắc, H.Hòa Vang)

HUY ĐẠT

Anh Trương Quốc Minh, phụ huynh em Mạnh, cho biết: “Dịch bệnh nên con phải đến nhà Gươl học. Mình không có điện thoại cho con nhà trường chăm lo thiết bị như vậy là rất mừng. Địa phương là "vùng xanh" rồi mong sao các cháu đi học ở trường trở lại sớm hơn”.
Thầy Phạm Minh Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc), cho biết, trong số các học sinh ở trường thì có 65 học sinh là con em đồng bào Cơ Tu ở hai thôn gồm Tà Lang, Giàn Bí. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khó khăn, nên nhà trường đã bàn với người dân lấy nhà Gươl để các em làm chỗ ngồi học trực tuyến.

Tan học, em Đinh Thị Minh Phượng (giữa) chạy thật nhanh về để nấu cơm trưa cho em vì ba mẹ đều đã đi làm rẫy

HUY ĐẠT

“Người dân đã giao chìa khóa nhà Gươl, sửa soạn lại bàn ghế và để học sinh ngồi học. Trường đã bố trí 2 dàn máy tính tại 2 nhà Gươl của thôn Tà Lang và thôn Giàn Bí, để các em học sinh đồng bào đến học. Các trường hợp như: không có điện thoại, hoặc điện thoại cũ… thì đều có thể đến học. Hiện có 3 em đồng bào Cơ Tu thường xuyên học các nhà Gươl của thôn”, thầy Vũ thông tin.
Thầy Vũ cũng cho hay còn 62 em học sinh đồng bào Cơ Tu còn lại đều được tiếp cận chương trình học trực tuyến của trường tổ chức.
Ngoài ra, có một số em học sinh người Kinh chưa có trang thiết bị, trường cũng vận động các em học sinh này đến nhà bạn để học tạm thời. Do dịch Covid-19 nên không thể tập trung hết học sinh thiếu trang thiết bị học tập trung tại nhà Gươl được.
“Trường cũng lên danh sách học sinh thiếu trang thiết bị học tập để báo cáo cấp trên hỗ trợ việc học trực tuyến. Dự kiến ngày 26.9, Huyện Hòa Vang sẽ tổ chức trao tặng hơn 30 máy tính bảng cho các em nơi đây”, Thầy Vũ thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.