Di cảo chưa từng công bố của học giả Vương Hồng Sển: Trận lụt kinh hoàng năm 1904

13/05/2023 08:57 GMT+7

Đầu thế kỷ 20, ở miền Nam xảy ra trận lũ lụt khủng khiếp, đến nay vẫn còn là đề tài mà nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tiếp tục tìm hiểu.

Với học giả Vương Hồng Sển trong di cảo chưa in Tô Mãn họa tùng đình, cụ đã dành nhiều trang viết về sự việc này. Trước hết, căn cứ vào tài liệu của nhà viết sử ở Gò Công là Việt Cúc, cụ đã tường thuật lại và có lời bình xác đáng, hết sức lôi cuốn. Tuy nhiên, đó vẫn chưa là "hàng độc", đáng chú ý nhất, với chúng ta vẫn là những gì lâu nay chưa thấy ai đề cập đến: Lời kể của thân mẫu học giả Vương Hồng Sển.

Cụ bà tên Hứa Thị Hảo (1878 - 1913), gốc gác người làng Tài Sum, tục danh làng Xoài Cả Nả ở Sốc Trăng, là người mà cụ Sển luôn nhớ đến với lòng yêu thương da diết nhất, cụ kể: "Khi mẹ tôi mất, trong nhà cuộc làm ăn đang phấn chấn bỗng bị ngưng trệ, trong nhà vắng bóng người quán xuyến, buồn bã vô cùng. Tôi say mê tiểu thuyết truyện Tàu, lại có ý nghĩ viển vông muốn tự tử để theo mẹ. Cái buồn vu vơ nảy sinh từ đây".

Trận lụt kinh hoàng năm 1904 - Ảnh 1.

Chợ Gò Công xưa

QUỲNH TRÂN chụp lại từ sách ảnh Xứ Nam Kỳ

Lúc xảy ra cơn bão lụt năm 1904 tàn phá cả miền Nam, bà mẹ của cụ Sển bấy giờ đã 26 tuổi. Những gì đã chứng kiến, lúc hai mẹ con hủ hỉ cùng nhau, bà lại kể cho con nghe. Trong di cảo này, cụ Sển ghi chép nhiều thông tin, thiết tưởng nay chúng ta cũng cần biết để thấy suy nghĩ của người miền Nam thuở ấy trước đại họa trời đất nổi giận, chẳng hạn: "Cái đuôi con rồng Giáp Thìn (1904) từ Gò Công quét luôn dọc miền duyên hải Nam Kỳ, các tỉnh Tiền Giang từ Mỹ Tho qua Hậu Giang (Sốc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…) đều chịu ảnh hưởng, ông già bà cả thuở ấy mộc mạc, tin nhiều nơi truyện Tàu và lập luận kiểu xưa, cho rằng có rồng thực sự, năm nào có chữ "thìn" đều có mưa to gió lớn, duy năm Giáp Thìn này (1904) là tai hại nhứt. Bão tố cuồng phong thì gọi "rồng đi", "rồng dậy"…".

Theo mạch cảm hứng của câu chuyện, cụ Vương Hồng Sển kể tiếp: "Năm ấy, tôi vừa được ba tuổi ta, nào biết gì, nhờ mẹ tôi sau đó kể lại, rằng trận bão trọn đêm, gió dậy đùn đùn, mưa ào ào thổi, nằm in trong mùng, nghe như có tiếng súng lớn nổ đùng đùng. Ghê sợ nhứt là gió không thổi một chiều và day qua day lại, cây cối to cách mấy cũng chịu không nổi với bạo phong, hàng me trước nhà cũ của ba mẹ tôi đều trốc gốc, cây me trước nhà, gốc lớn cả ôm, ngã đè trọn trên mái, may nhờ nhà mới cất, nóc phong tô vững chắc nên chịu đựng nổi sức nặng của cây me. Sáng ngày sở tạo tác trường tiền sai người thạo việc cắt từng nhánh và có xe chở gốc me đi, đại lộ trước nhà, tên cũ gọi là "hàng me" sau đổi lại "đường hàng sao" rồi là "đường Đại Ngãi".

Đó là chuyện ở làng Đại Ngãi (Sốc Trăng), còn tại Gò Công thì sao?

Căn cứ vào tài liệu của Việt Cúc, cụ Sển thuật lại lời kể của một cụ già đã chứng kiến: "Ngày rằm tháng ba, mưa gió từ trưa đến chiều, càng lúc càng mưa to gió lớn… Cha tôi thấy gió phương Đông rất mạnh, đập vào vách và tung cửa gẫy sập, mái lá tung bay, cha tôi rất sợ, hạ bộ ván lấy từ tấm ván đem chống chỏi bộ cửa lại, ràng rịt rất kỹ nhưng gió cứ thổi tới, ban đầu tung xiêu gẫy vách, xiêu vẹo cột nhà, đến một luồng gió lốc tốc tới, bay hết nửa mái nhà, còn nửa mái kia thì sập và đè lên vựa lúa. Trong cơn hoảng hốt, lại nghe nhiều tiếng kêu la inh ỏi trên phía đầu xóm: "Nước tràn rồi! Trời ôi! Chạy ngã nào?".

Toàn bộ diễn biến kinh khiếp ngay sau đó là nhiều trang tường thuật tỉ mỉ, ở đây, tôi chỉ trích đoạn kể qua ngày hôm sau: "Chiều ngày 16, những người còn sống sót, hiệp đoàn đi tìm thân nhơn. Mực nước còn đọng trên đầu gối, xác người và súc vật nổi lều bều, đồ đạc nằm bừa bãi, đầy đồng, những xóm đông nhà, nay chỉ còn trơ ít cây cột…

Sáng ngày 17, nước rút cạn đi nhiều, người ta đi khắp đó đây để lật kiếm những xác chết, để tìm vợ con, thân nhơn, cha mẹ, anh em. Có gia đình đều chết hết, không sót người nào. Thây nằm rải rác khắp nơi. Mãi đến ngày 19 mới tổ chức đi chôn xác, gặp đâu thì chôn luôn tại đó. Có bài thơ như vầy xin chép luôn:

Rủ nhau dập xác cho liền

Gặp đâu chôn đó chớ hề ai khiêng

Thân chôn chết đã nào yên

Còn người sống sót, gạo tiền đâu ăn?"

Trở lại câu chuyện mẹ cụ Sển kể, ta biết căn nhà thơ ấu của cụ trên đường Đại Ngãi, nay là đường Hai Bà Trưng. Cụ Sển cho biết đầu thế kỷ 20: "Con đường này chạy thẳng ra vàm Đại Ngãi, có cầu tàu "lục bình" từ Mỹ Tho đưa công văn thơ tín gọi "trạm thơ" của nhà nước từ Sài Gòn và các nơi khác gửi lại, nay những danh từ "xe kiếng, xe tờ", người đánh xe gọi xà ích (do tiếng saïs của Pháp mượn chữ của người Ả Rập, người dắt lừa, người đánh xe ngựa), các trẽ hậu sinh và những người mới, đâu còn hiểu nghĩa là gì, và cần phải biết để đọc các văn xưa và tiểu thuyết xưa trong này".

Cụ Sển nói đúng lắm, lời tiếng nói của người miền Nam kể về trận lụt năm 1904, với chúng ta có những từ mà nay chắc gì ta đã hiểu. Chẳng hạn, lúc ấy: "Chết rồi phải chôn tức tốc, tục gọi "Chết tức thì, chôn tức linh". Có câu:

Tháng ba chết bão dập dùa

Tháng năm chết nhộn không thua kém gì.

Vì thân nhơn không được làm ma chay báo hiếu, nên có lời phiền trách như vậy… Ngày nay, tại Gò Công còn giữ tục lệ tháng ba âm lịch, ngày 16 có giỗ bão, qua tháng năm, vẫn có người kỵ cơm về chết nhộn (thuật theo Việt Cúc)".

Vậy, ta hiểu thế nào cho đúng?

Theo cụ Sển: "Tìm trong tự vị Huình Tịnh Của, tự điển Lê Văn Đức cũng như trong bộ từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội) cũng không thấy chữ "nhộn" để nói về sự chết. Vậy tiện đây tôi đề nghị thêm nghĩa này vào tiếng của ta, cho thêm phong phú. Đại phàm về bịnh đau, xưa nay ta có tục kiêng cữ đã quen. Tỷ dụ mắc bệnh đậu mà thì dùng danh từ nhẹ "lên trái" và "trái tốt" là đã nhẹ. Chết thì gọi "chết rồi", "đã đi rồi"… Đến như bệnh dịch, bệnh thiên thời (peste, choléra), để tránh tiếng "ngay tẩy" nghe rùng rợn quá nên trong này dùng tiếng "chết nhộn" với nghĩa "trái chứng, khác thường". Dám mong các hiền nhân thông qua". (còn tiếp). 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.