Những lớp nước trà cũ, mới cứ chồng lên nhau trong tiếng thở dài nén trong những bộ ngực lép dần sau lớp áo sơ mi đời viên chức quèn.
Sáng nay, gió mùa về. Mưa. Nhiều người đến muộn, không khí thêm não nề. Bỗng dưng, trong ảm đạm đó, Hoa dở chứng dọn dẹp phòng rồi bất giác lôi từ đống giấy tờ ra một quyển sổ nhỏ, bụi bặm:
- Chúng mày lại đây mà xem, thế này mà suýt nữa bốc cho con đồng nát. Thơ ông Khản để lại.
Nghe thấy hai chữ “chúng mày” đáng ra anh Hoàn bực lắm. Từ khi ông Khản mất, anh là người nhiều tuổi nhất phòng. Con bé Hoa kia làm ít, lượn lờ nhiều, mở miệng là nói đến tiền. Có lần khi cả phòng ngồi nói chuyện về bộ phim hay, về trận bóng đá căng thẳng, hấp dẫn, Hoàn nhìn cái mặt nó cứ đần thối ra.
Nhưng lần này, tất cả phòng châu đầu lại quanh Hoa. Bàn tay sơn đỏ choét của Hoa lật từng trang viết của một người thân quen vừa khuất bóng. Đến trang cuối cùng, tất cả nghẹn ngào nhìn dòng chữ: “Biết đâu đến một ngày thịt lợn được giá, bán được đàn lợn, mình xuất bản…”. Ngày đưa tang ông Khản, cả phòng đều biết trước đó mấy hôm, dịch tả lợn châu Phi nuốt trọn cơ nghiệp cả vùng. Nhà nào cũng lao đao, nghĩ đến thảm.
Hoa tuyên bố:
- Phòng mình phải tự biên tập mới thiêng, vừa đỡ tiền lại tự bảo mật được thông tin.
Nói rồi chẳng biết từ bao giờ, nó lẩm bẩm một câu đắt hơn vàng: “Thơ chết người như bỡn, làm ẩu, làm sai ông Khản về vật...”.
Thế là từ hôm đó, chẳng ai bảo ai, tâm trí mọi thành viên trong phòng đều dành cho tâm nguyện người quá cố. Hoàn ngồi trước máy tính cả ngày chỉ để tra trên Google khái niệm “thơ”. Mới đầu đã thấy có đến hơn năm trăm khái niệm. Lọc ra còn hơn 20 cái có vẻ dễ hiểu và bóng bẩy nhất đem in ra, photocopy làm chín bản để mọi người cùng nghiên cứu.
Từ hôm ấy, người nào cũng nhăn trán, lồi mắt đọc khái niệm rồi tự suy luận, đối chiếu với những bài thơ ông Khản để lại, viết nhận xét, đánh giá bằng dấu sao cho từng bài. Lần đầu tiên một phòng làm những việc khô khan như ngói lại tràn ngập không khí thơ. Những người chính xác, chi li từng thông số kỹ thuật như Hoàn, Hoành, Thủy đăm chiêu đã đành. Cánh Hoa, Lực, Vận chỉ nhăm nhe “kiếm chác” bỗng dưng miệng cũng lẩm bẩm, mắt mơ màng nhìn xa xăm như nhập vào hồn thơ…
Thời hạn một tuần đã hết, đầu tuần, những nội dung công việc của phòng diễn ra chóng vánh. Khép cánh cửa cong vênh như miếng bánh đa nướng, pha ấm trà Thái Nguyên loại thượng hạng, Hoàn nhìn những cánh hồng Thủy thả vào nước rồi kéo lại nút thắt cà vạt, hắng giọng chủ trì cuộc họp về thơ:
- Kính thưa anh, chị em. Hôm nay chúng ta tiến hành bàn một nội dung chưa từng có trong lịch sử phòng mình cũng như lịch sử công ty, đó là: tổng hợp ý kiến thẩm định về di cảo thơ của đồng chí Khản, chọn những bài được nhiều dấu sao nhất đem in. Tôn trọng ý kiến tập thể, phát huy dân chủ trong văn hóa nghệ thuật.
Ngừng giây lát, anh tiếp:
- Di sản mà đồng chí Khản để lại là tâm nguyện của cả một đời kỹ sư, là niềm tự hào của phòng chúng ta, việc thực hiện tâm nguyện của người quá cố là việc làm nhân ái, tích thiện cho con cháu muôn đời…
Hoa và Thủy có vẻ đắc ý, như những gì các mẹ học được khi đi lễ chùa và khi xem bói quá đúng. Hoàn lại tiếp:
- Tuy không ai trong số chúng ta là nhà thơ, nhà văn, nhưng sau một tuần làm việc hăng say, nghiêm túc, chúng tôi xin tổng hợp ý kiến thẩm định về thơ như sau: đã có… bài 5 sao… 4 sao… 3 sao…
Thơ của ông Khản được tập hợp, gửi đến nhà xuất bản rồi nhà in theo con đường nhanh nhất. Cũng lễ ra mắt, giới thiệu sách, gia đình nói lời cảm ơn… chuyên nghiệp đến mức ai cũng phải tấm tắc khen sự chu đáo của Hoàn và cả phòng.
Một trưa cuối năm, khi tất cả anh em trong phòng đã xuống sân chuẩn bị liên hoan, hôm nay cũng là bữa chia tay Hoàn về nghỉ chế độ sớm. Rượu ngon, đồ rừng chắc đã bày biện tươm tất, phải thật say mới vui. Hoàn toan khép cánh cửa phòng lại, nghĩ thế nào anh lại mở cửa quay vào. Hình như có bóng ông Khản trong kính tủ tài liệu, rõ là anh không hoa mắt. Ông gầy, hom hem nên chả mấy khi mặc quần áo đóng thùng, áo dài tay xắn bên cao, bên thấp… Hay biết hôm nay anh nghỉ hưu, ông về nhắn nhủ điều gì? Hoàn bước đến gần hơn, bóng ông không còn, chỉ còn thấy cuốn sổ bìa da nâu đã sờn hôm nào. Anh mở tủ lấy cuốn sổ ra xem lần cuối, chợt thấy một mảnh giấy kẹp trong đó rơi ra từ lúc nào.
Đó là mảnh giấy bạc trong bao thuốc lá, trên đó ghi lại địa chỉ của một người phụ nữ. Hoàn lục trong trí nhớ láng máng hồi mới về đây công tác. Nghe như tên người vợ cũ của ông, hai người đã ly hôn khá lâu thì phải. Ông viết dòng cuối cùng như tự nhủ: “Lúc về hưu sẽ dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được để Nguyệt trị bệnh”. Hoàn giật mình. Thôi chết, lại còn tâm nguyện này nữa sao?
Bữa liên hoan vui và kéo dài, ai tinh ý thấy Hoàn vẫn nhiệt tình nhưng uống có vẻ cầm chừng, cả phòng liếc nhìn nhau khó hiểu. Tiệc tan, quần áo còn sặc mùi rượu, Hoàn đến gặp Thanh - con trai cả ông Khản. Trước đây từng ở cùng khu tập thể, biết Thanh là người sống biết điều, quý trọng giá trị tinh thần. Thanh nghe chuyện giãy nảy:
- Thôi chết, cụ làm gì còn khoản nào nữa mà anh hỏi? Bữa trước có hai chục triệu em đã lấy in thơ, làm lễ ra mắt và liên hoan hết cả rồi.
Hoàn thấy chán nhưng vẫn hỏi:
- Anh tưởng khoản ấy là chú tài trợ, thấy chú “khỏe” lắm cơ mà...
- Bác lại nói thế, công ty em dạo này đóng cửa có kinh doanh được đâu, còn cái con bốn bánh thì vợ đổ xăng cho, thi thoảng đi cho nó hoành tráng thế thôi.
Hoàn biết Thanh là con bà vợ thứ hai, bà cũng đã mất lâu rồi. Ông Khản lấy bà này sau khi chia tay bà Nguyệt bởi bà vô sinh. Con ngõ dài xao xác đầu đông, lá vàng ở đâu mà bay lắm thế, chả thấy ai quét, nghe Thanh nói mà lòng Hoàn ngổn ngang…
Chiều về qua công ty, nhìn lên căn phòng quen thuộc trên tầng hai, Hoàn lặng lẽ suy tư. Từ giờ mình đã là người ngoài, công việc đã bàn giao, không thể quay về mà chỉ thị cho anh em nữa. Với cả, toàn một lũ nghèo kiết xác như nhau, lấy đâu ra. Trong túi Hoàn vẫn có tờ giấy ghi địa chỉ nhà bà Nguyệt nhưng có lẽ anh đã thuộc lòng từ bao giờ. Lâu lắm rồi Hoàn mới đi trên những con đường của thị xã tỉnh lẻ trong giờ làm việc, cái thời khắc này xe cộ thưa thớt nhưng trời rất đẹp. Đường dẫn vào nhà bà Nguyệt cũng đẹp bởi muôn thứ hoa được những hộ nghèo trồng, tất cả đều hoàn hảo nếu như trong túi quần Hoàn không phải là cái ví rỗng không… Lớ ngớ thế nào ở khúc cua, Hoàn tránh được cái xe vừa lao ra thì mất lái quệt vào tường xước một bên tay. Dòng máu trong người hình như cũng biết cái thân thể này giờ đã về hưu, không còn giữ ý, giữ tứ gì nên sôi lên, Hoàn vằng mắt chửi.
|
- Mày không có mắt à? Đi như mù.
Bên kia cũng quang quác chửi lại theo phản xạ chiến đấu nhưng được mỗi câu nó đã tự lột khẩu trang ra:
- Ôi anh Hoàn, sao lại thế?
- Hoa à, sao mày lại ở đây chui ra?
- Ơ, thì anh xem còn mỗi nhà em trong ngõ cụt này, không ở đây thì ở đâu ra?
Hoàn lôi vội Hoa vào quán trà đá. Hoa vốn không ghiền thứ doping của các anh giang hồ chém gió nhưng vẫn hồ hởi. Mới có nửa ngày chia tay mà thấy đồng nghiệp tình cảm ghê - Hoa tự nhủ. Hoàn chết lặng bên ly trà đắng chát. Hóa ra Hoa chính là con nuôi bà Nguyệt. Sao anh không bao giờ để tâm đến lai lịch cô ấy: Hoa được đón về từ trại trẻ mồ côi, cái tính nanh nọc, giỏi kiếm chác nhưng có cái gì đó vẫn chất phác.
- Mẹ em xưa không có con, lại bệnh tật. Bà ngày xưa cũng có của ăn của để mà phải cái tội tin người, bao nhiêu của nả đem đưa hết cho ông chồng kém mấy tuổi đi bộ đội về học chuyên tu. Sau ông ấy bỏ bà lấy người khác, chả bao giờ đến thăm nom. Thế rồi bà đón em về nuôi, trước lúc em vào công ty mình làm là bà đã bị liệt rồi.
- Thế giờ bà thế nào?
Hoa tròn mắt nhìn Hoàn rồi đôi mắt cô chợt thoáng buồn:
- Bà mất năm năm nay rồi còn gì anh?
- Sao anh không biết nhỉ?
- À, hồi đấy em còn làm dưới phòng hành chính, chắc anh không đi đám tang, chỉ gửi viếng nên anh không nhớ. Giờ căn nhà của bà em vẫn để đấy, phòng khi ông ấy hối lỗi còn nhớ đường mà về...
- Thế hôm nay em có việc gì ở đây mà không đến công ty?
- À, em thấy anh chỉ lo sách vở nên em không nói. Nhà trên phố chật, em để mấy thùng thơ của chú Khản ở đây, em mang bán dần coi như dành dụm ít cho con cái chú ấy.
- Em bán được thơ sao?
- Thì anh bảo, đám bạn chơi với em, từ hội tập yoga, hội đồng hương tuổi Sửu, hội… thiếu gì. Em biết chúng nó cũng chả thích thơ nhưng em bảo chúng mày cứ mua về, “sông có khúc, người có lúc”, biết đâu lúc lận đận lại thấy nó ứng với đời mình mà chia sẻ, phải không anh nhỉ?
Hoàn trầm ngâm, tay lén sờ tờ giấy trong túi áo. Không biết hôm ấy lúc thấy cuốn sổ ấy, Hoa có đọc được tờ giấy này không. Cái ngõ cụt chiều cuối năm lá vàng ở đâu ra lắm thế? Lá vàng bay xao xác như những bài thơ viết xong gửi gió cuốn đi trong cuộc đời mênh mang này…
Bình luận (0)