‘Đi chân không quen rồi anh ơi!'

09/04/2016 11:43 GMT+7

‘Đi trên đường bê tông hay đường cát, dù nóng thế nào em cũng thấy như thường do da bàn chân chai sần hết rồi. Lúc đầu đi thì bị chảy máu nhưng giờ thì không chảy nữa’.

Hôm nay tôi viết thêm những dòng này để một lần nữa bày tỏ sự khâm phục tận đáy lòng mình đối với nhân vật của tôi - sinh viên Dương Văn Thành.
Với tôi, Thành không chỉ là một sinh viên “đặc biệt” về hình dáng, khi chỉ cao tầm 80cm, nặng 30kg; mà còn là một người đặc biệt về nghị lực sống.
Bà Thiểu luôn sát cánh bên con
Cuộc đời của chàng sinh viên như một câu chuyện kỳ diệu về nghị lực phi thường tỏa sáng, dẫu bao năm tháng qua luôn đối mặt với vô vàn thử thách, gian truân.
Tôi hoàn toàn không biết đến Dương Văn Thành, cho đến hôm có anh đồng nghiệp trong cơ quan nói về hoàn cảnh của em. Thông tin tôi có được là số điện thoại của Thành với vài lời diễn giải: nhà nghèo, bị khuyết tật bẩm sinh, đi lại khó khăn, có tinh thần hiếu học và đang học năm năm 2, khoa Hệ thống thông tin, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM)...
Dù bề bộn với tin tức thời sự, nhưng khi có thông tin như thế về một bạn sinh viên nghèo hiếu học, tôi đã tranh thủ thời gian chạy xuống làng đại học Thủ Đức, nơi em đang ở trong khu A ký túc xá từ ngày đầu mới nhập học đến nay.
***
Trên đường đi, tôi cứ hình dung về cái chuyện nhà nghèo của Thành không biết là nó nghèo đến mức nào. Lúc trực tiếp gặp, hỏi thăm mới thấy được cái nghèo khó của Thành khó bề diễn đạt.
Bố mẹ Thành rơi vào cảnh nghèo từ lúc Thành chào đời năm 1994 (đến nay vẫn còn được cấp sổ hộ nghèo) ở thôn Hà Tây, xã Triệu An, H.Triệu Phong (Quảng Trị). Bị khuyết tật từ nhỏ ở đôi bàn chân, cột sống, bệnh tim bẩm sinh, cả 3 lần Thành phẫu thuật chân để có thể lắc nhắc đi được như ngày hôm nay đều nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện. Riêng bệnh tim bẩm sinh và vẹo cột sống vẫn chưa cón tiền chữa trị.
Điều kiện khó khăn, ngặt nghèo đến mức mà chiếc xe đạp Thành được tặng sau 3 lần phẫu thuật từ lúc còn học tiểu học, đến nay dù Thành đã 22 tuổi, vẫn còn đang sử dụng. Thành vẫn gìn giữ chiếc xe như một báu vật, dẫu nó đã quá cũ kỹ, hư hỏng nhiều bộ phận. Thành ấp ủ ước mơ có chiếc xe đạp mới, có thể được ngồi lên yên để đạp đến lớp học mỗi ngày.

Mẹ Thành phụ bếp ở căn tin làng đại học, đến tối lót chiếu ngủ tại đây vì không có tiền thuê trọ

Bố mẹ Thành bao nhiêu năm qua cứ tất tả lo toan cho đứa con đầu lòng. Nghề đi biển thuê (đi bạn) của bố Thành cứ bấp bênh theo mỗi con sóng, ngày được ngày mất. Mẹ Thành suốt một thời gian dài lo đưa con đi chạy chữa khắp nơi, rồi cõng con đến lớp mỗi ngày lúc còn ở quê. Những lúc tranh thủ được thời gian, bà lại đi gánh cá thuê ngoài bãi biển.
Ngày Thành được gọi vào đại học, niềm vui xen lẫn nỗi lo. Nhưng cũng nhờ khát vọng vươn lên mãnh liệt, mọi người đều đã vượt qua những khó khăn cứ mãi bủa vây trước mặt.
Để con theo đuổi giấc mơ giảng đường, bố Thành tiếp tục nghề đi biển, chấp nhận cảnh “gà trống” ở quê nghèo. Mẹ Thành rời quê vào xin làm phụ bếp ở căn tin làng đại học, do không có tiền thuê trọ nên bà lót chiếu ngủ lại căn tin mỗi tối. Em trai Thành đã nghỉ học, cũng rời quê đi làm công nhân. Tất cả họ cật lực lao động, chắt chiu từng đồng để dành hết tình yêu thương cho Thành.
Và Thành cũng luôn biết chắt chiu với cảnh ngộ khó khăn của mình, khi mỗi bữa chỉ ăn dĩa cơm 12.000 - 15.000 đồng. Đa phần ngày nào cũng chỉ có vậy, thậm chí có nhiều hôm còn phải ăn mì gói cầm chừng. Cuộc sống khó khăn trăm bề là thế nhưng Thành và mọi người vẫn nỗ lực vượt qua mà không một lời than vãn.
***
Chỉ một chi tiết nhỏ thôi về Thành đủ thấy nghị lực phi thường của em đến mức nào: Do khuyết tật ở bàn chân nên dẫu đã 22 tuổi rồi mà chưa một lần được mang dép. Những đôi dép bình thường ngoài chợ, Thành mang vào thì chân bị bó lại, rất đau bởi kích thước bàn chân không đồng đều. Riêng những đôi dép đặc biệt dành cho người khuyết tật để có thể ướm thử vào chân, Thành chưa bao giờ dám mơ tới vì không có tiền. Dẫu vậy, Thành vẫn lạc quan: “Đi chân không vậy rồi nó cũng quen anh ơi. Đi trên đường bê tông hay đường cát, dù nóng thế nào em cũng thấy như thường do da bàn chân chai sần hết rồi. Lúc đầu đi thì bị chảy máu nhưng giờ thì không chảy nữa”.
Gặp Thành trở về, tôi “mang” giấc mơ của em vào bài viết đăng trên Thanh Niên: Chàng sinh viên cao 80cm, nặng 30kg ước mơ được ngồi trên yên xe đạp.
Thành và người bạn học thân thiết Trần Minh An tại khu ký túc xá
Ngay sau đó, bạn đọc Gia Hân bày tỏ: “Xin chia sẻ với khó khăn của em gặp phải trong cuộc sống. Tôi xin giúp cho em chiếc xe đạp mới. Tôi sẽ liên hệ báo để chuyển tới em. Chúc em tiếp tục giàu nghị lực và vơi bớt khó khăn”.
Nhiều bạn đọc khác cũng gửi lời chia sẻ, kỳ vọng mọi người sẽ dang rộng vòng tay giúp đỡ Thành, bày tỏ về Thành như là một tấm gương, một nguồn động viên đối với họ.
Bạn đọc Trần Lâm Khánh Tường kể: “Em là sinh viên cùng trường với bạn (học cùng khoa nhưng khác lớp) , hằng ngày bạn đi học rất đầy đủ. Khi mới vào trường cứ nghĩ bạn là đứa bé nào đó vào chơi nhưng sau này mới biết. Trên đường đi học về có đôi lúc em đi kế bên bạn và mẹ (dù không trò chuyện). Em có thể thấy được niềm vui của bạn ấy khi đến lớp”.
Còn với bạn đọc Đình Nguyên thì “tôi sức dài vai rộng mà chưa từng có nghị lực như em. Cảm ơn em đã cho tôi một bài học về nghị lực sống”.
Bạn đọc Ucchana kể thêm: “Hai anh em Thành ngày xưa học chung cấp 2 với mình, thật kỳ diệu khi đọc được những dòng này. Mới 4 năm bây giờ mình không ngờ Thành đã vào đại học. Ngày xưa học chung lớp bạn ấy rất vui tính, cười giòn tan suốt ngày, lúc nào cũng được thầy cô khen ngợi, có nhiều cô thầy thương bạn ấy”.
***
Với những số phận tật nguyền, những cảnh ngộ éo le luôn gánh chịu nhiều thiệt thòi, tưởng như ánh bình mình không rọi tới lối đi gập ghềnh của họ vậy. Nhưng hình như họ có một điểm chung đặc biệt, là nghị lực phi thường, một khát vọng vươn lên mãnh liệt.
Và trong những con người ấy, tôi thấy, cũng luôn trỗi dậy khát vọng có được những điều bình thường nhất, để nở nụ cười lạc quan khỏa lấp hết những biến cố đời người.
Tôi nghĩ có lẽ nhờ vậy, những điều tốt đẹp trong cuộc sống của chúng ta được tiếp sức với sự cảm thông, chia sẻ, yêu thương.
Dương Văn Thành và chiếc xe đạp nhỏ đã sử dụng 15 năm qua
Tôi cũng nghĩ cuộc sống này vốn không có con đường cùng mà chỉ có những giới hạn. Và con đường chúng ta đi không bao giờ rơi vào ngõ cụt, hy vọng không bao giờ tắt với những ai biết vượt qua những giới hạn ấy: Những giới hạn có thể là sự khiếm khuyết của cơ thể, sự túng thiếu của cải vật chất, sự cô đơn của thân phận, sự bi quan trước những biến cố buồn đau trong đời…
Nhạc sĩ Tạ Quang Thắng khi sáng tác ca khúc “Sống như những đóa hoa”, đã ví khát vọng, nghị lực của mỗi người chúng ta sống trên đời này như những đóa hoa. Có loài hoa ở trên đồng xanh, cũng có loài hoa khoe sắc trên cành, và mỗi loài hoa ấy là mỗi sắc hương.
Và tôi nghĩ, với những gì Thành đã sống, đã vượt qua, Thành không bao giờ “là hoa của những buồn đau”, mà thật sự là “hoa của những nụ cười”.
Hôm nay tôi viết thêm những dòng này, để một lần nữa bày tỏ sự khâm phục tận đáy lòng mình đối với nhân vật của tôi - sinh viên Dương Văn Thành. Cuộc đời em dẫu đang gian nan, nhưng tôi tin ngày mai sẽ là một ngày tươi sáng và em sẽ viết tiếp câu chuyện đẹp, không chỉ cho riêng cuộc đời em.
Cảm ơn em đã cho tôi một bài học lớn về nghị lực sống và một niềm tin vào lẽ sống yêu thương!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.