Chuyên kinh doanh các loại phụ tùng nông ngư cơ đã qua sử dụng, chợ… bù loong (ở P.Mỹ Long, TP.Long Xuyên, An Giang) được xem là một ngôi chợ “lạ” ở miền Tây.
|
Chỉ nơi đây mới có
Nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, chợ bù loong (dân địa phương quen gọi là chợ trời) hiện có khoảng 50 - 60 hộ buôn bán thường xuyên. Ở mỗi gian hàng, những món đồ như bù loong, dây xích, nhông, dĩa, bạc đạn, cốt, láp máy, heo, béc dầu, đầu bò, hộp số cũ… được treo và bày biện rất thứ tự.
Từ sáng sớm, chợ trời đã trở nên sôi động khi có người đến mua hàng. Chúng tôi quan sát thấy có anh nông dân quần áo còn dính dầu nhớt vội vàng tìm phụ tùng để kịp thay cho chiếc máy cày bị hư giữa chừng; có người khệ nệ xách cây dên máy từ dưới bờ sông đem lên cho người bán tìm đồ thay... Tiếng trao đổi, trả giá, lục lạo phụ tùng náo nhiệt cả một khúc chợ. Ở đây, người bán và người mua thỏa thuận với nhau theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Một món hàng giá thấp nhất chỉ vài ngàn đồng và cao nhất từ 2 - 3 triệu đồng.
Nghề mua bán phụ tùng nông ngư cơ cũ giống như mua của người chán, bán cho người cần. Riết rồi thành ghiền, tui đi đó đây thấy món đồ hoặc chiếc máy nào ưng bụng là muốn mua cho bằng được |
||
Ông Tư Khánh |
||
Hơn 30 năm trong nghề, ông Nguyễn Văn Khánh (Tư Khánh, 68 tuổi) gần như gắn bó với chợ đồ cũ này từ khi nó mới ra đời. Ông Tư Khánh kể hồi trước, chợ trời chỉ có vài hộ lẻ tẻ kinh doanh bu long, phụ tùng máy móc cũ nằm gần cầu Duy Tân. Về sau, chính quyền địa phương mới dời các hộ về bán tại đường Nguyễn Đình Chiểu cho đến ngày nay. Nghề này bắt đầu thịnh từ sau năm 1978, bởi lúc này máy móc đã được nông dân sử dụng, nên nhu cầu mua phụ tùng về sửa chữa cũng tăng lên.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, người có 20 năm trong nghề bán phụ tùng, nông dân ĐBSCL còn sử dụng khá nhiều các loại máy dầu, máy xới đời cũ, nên khi máy hư, cửa hàng nông ngư cơ hiện nay thường không có hàng. “Những chiếc máy cày cũ như MTZ (nhập từ Liên Xô), Iseki, Mitsubishi… đang chạy trên đồng mà lỡ bị hư con heo dầu hoặc cây dên thì chỉ đến chợ trời mới có đồ thay”, ông Minh nói.
Săn lùng máy hư, cũ
Ông Tư Khánh cho biết sở dĩ chợ trời tồn tại đến ngày nay một phần là nhờ vào đội ngũ “vệ tinh” ở xa, chuyên đi tìm kiếm và thu mua máy móc hư, cũ. Hễ nghe nơi nào rao bán máy cày, máy xới thì những người này đi ngay, có lần phải lên đến Tây nguyên, ra tận miền Bắc mới mua được máy. Máy hư, cũ đem về được rã ra thành từng món, món nào còn nguyên thì lau chùi sạch, đem bán lại cho chủ cửa hàng phụ tùng ở chợ trời, nếu món nào không xài được nữa thì bán ve chai. “Nghề mua bán phụ tùng nông ngư cơ cũ giống như mua của người chán, bán cho người cần. Riết rồi thành ghiền, tui đi đó đây thấy món đồ hoặc chiếc máy nào ưng bụng là muốn mua cho bằng được”, ông Tư Khánh nói. Ông cũng thất bại không ít lần vì khi tháo các bộ phận của máy ra, nhông, dĩa đã sứt mẻ, không sử dụng được. Vào thời điểm hút hàng, ông Khánh phải lặn lội khắp các chợ phụ tùng ở ĐBSCL để tìm mua những món đồ cho gian hàng mình. Theo ông, ở miền Tây không nơi nào bán phụ tùng máy móc đã qua sử dụng nhiều như chợ trời này.
Nếu như trước đây, các loại phụ tùng cũ bán chạy theo mùa lúa, thì nay bán được quanh năm do nông dân sản xuất lúa 3 vụ. Ông Minh cho biết nhờ nghề này mà nhiều hộ có thu nhập ổn định, gia đình ông đã nuôi 2 con ăn học thành tài. “Các dòng máy nông ngư cơ sản xuất trong và ngoài nước hiện có chất lượng cao, giá cả vừa túi tiền nên nông dân sử dụng ngày càng nhiều. Cứ cái đà này, những món phụ tùng của dòng máy cũ sẽ không còn ai sử dụng. Tới lúc đó, dân chợ trời tụi tui phải tính tới chuyện đổi nghề”, ông Minh tâm sự.
Hồng Ánh
Bình luận (0)