Những ngày lễ lớn như Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30.4, 1.5… là dịp người dân hành hương, đi du lịch xa dài ngày. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, du khách có thể rơi vào bẫy, bị… 'chém' đẹp, khiến nhiều người mất vui, không còn hứng đi chơi.
Để chuyến đi chơi lễ vui trọn vẹn, mọi người nên chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết và cẩn trọng khi sử dụng các dịch vụ, mua sắm tại các điểm du lịch - Ảnh: Hoàng Việt
|
Đủ chiêu bẫy khách
Anh Viên (Q.9, TP.HCM) kể lại chuyến cơ quan anh đi chơi Nha Trang và suýt xảy ra xô xát với người buôn bán địa phương vì quá uất ức.
“Đến Nha Trang, buổi tối cả đoàn ra mấy quán nhậu ven biển nhậu. Thấy chủ quán đon đả chào mời, quán ở vị trí cũng mát mẻ, cả đoàn ghé vào nhậu. Thực đơn cũng khá phong phú, đa phần các món biển như nghêu, ốc, ghẹ, mực, tôm cá, thực đơn ghi giá món ăn, giá bia rõ ràng nên cả đoàn yên tâm nhậu. Khi nhậu xong ai nấy ngà ngà say nhưng nhìn hóa đơn tính tiền lập tức tỉnh rượu liền. Thấy hét giá bia, thức ăn trên trời, mấy anh đồng nghiệp cự cãi. Chưa đầy 3 phút sau cả một đám thanh niên mặt mày bặm trợn lừ lừ đến… dằn mặt. Hai bên cự cãi suýt xảy ra đánh nhau. Mấy chị trong cơ quan sợ xảy ra ẩu đả bị bọn “gianh hồ” truy sát, trả thù, đành móc tiền trả mà ấm ức”, anh Viên kể lại giọng còn bực bội.
Vợ chồng anh Tiền (Q.Tân Bình, TP.HCM) tưởng cuộc đi chơi lễ hiếm hoi của gia đình tại Vũng Tàu sẽ rất vui, rất thú vị. Tuy nhiên, chuyến đi ấy sớm biến thành bực bội.
Anh Tiền kể sau khi dạo biển chơi, cả nhà đi ăn tại một quán ăn khá bình thường. Dù vợ chồng anh đã cảnh giác hỏi giá trước khi gọi thức ăn, thực đơn khá đơn giản gồm các món như lẩu, món hấp, món xào…, vừa đủ gia đình 4 người (2 người lớn 2 trẻ em) ăn. Tuy nhiên sau khi ăn xong, chủ quán tính tiền đến hơn 2 triệu đồng. Vợ chồng anh Tiền cự cãi, bởi theo giá niêm yết thực đơn bữa ăn này chưa đến 1 triệu đồng, sao lại hét lên hơn gấp 2 lần. Chủ quán lấp liếm: “Giá trên thực đơn này giá cũ, mấy năm rồi, không còn áp dụng nữa”. Nhìn thấy chủ quán khá bặm trợn, ăn nói giọng điệu “anh chị”, vợ chồng anh Tiền đành bấm bụng trả tiền cho xong chuyện.
Cũng theo anh Tiền, sau khi “dính chưởng” anh kể lại và mới biết nhiều người đi chơi lễ cũng bị “chặt chém” như vậy. Nhóm bạn anh Tiền đi miền Tây chơi, về đến Tiền Giang ghé vào quán ăn ven đường lộ nghỉ ngơi, ăn uống cũng bị “chặt chém” không thương tiếc. Anh Tiền cho rằng thủ đoạn chung của những nơi này là lập lờ để bảng giá thực đơn hoặc nhân viên báo giá thấp, khách thấy rẻ gọi nhiều món, ăn xong chủ quán “lật lọng” tính tiền giá trên trời, khách nhìn thấy hóa đơn tính tiền mà muốn… ngất xỉu. Khách không chịu trả, cự cãi lập tức có “anh chị” mình mẩy xăm trổ ra nói chuyện, chửi bới, đe dọa, khách đành chấp nhận trả tiền để mua bài học đau đớn.
Tương tự, du khách tỉnh lẻ đến TP.HCM dịp lễ tết, chỉ cần mất cảnh giác nhận trái dừa tươi từ tay người bán rong để uống, xong mới hỏi giá tiền chắn chắn bị chém đẹp, giá có thể lên đến 30.000 - 50.000 đồng/trái dừa tươi, trong khi giá dừa tươi bán ra bình thường chỉ 5.000 - 7.000 đồng/trái.
Ngoài ra, xe cộ đi lại, giá gửi xe cũng tăng vô tội vạ. Trong đó, khách gửi xe gần các điểm du lịch, khu di tích, danh lam thắng cảnh, đi xe taxi nếu chỉ sơ ý lập tức bị ''chém'' đẹp.
Làm cách nào “tự vệ”?
Theo kinh nghiệm “xương máu” của anh Trung, một hướng dẫn viên du lịch, du khách nên đi ăn theo đoàn và có hướng dẫn viên đi theo hoặc nên tham khảo ý kiến hướng dẫn viên để được tư vấn các điểm ăn uống, khu vui chơi làm ăn đàng hoàng. Khách đi lẻ, nhóm bạn, gia đình tự tổ chức đi chơi lễ cần cảnh giác giá dịch vụ ăn uống, vui chơi, đi lại, dịch vụ lưu trú tại các địa phương từng bị báo chí, dư luận nên án về nạn “chặt chém”, làm ăn chụp giật. Trước khi mua, ăn uống, sử dụng dịch vụ cần hỏi rõ, hỏi kỹ giá cả, điều kiện sử dụng, số tiền phải thanh toán.
Ngoài ra, những vật dụng cần thiết nếu có thể nên chuẩn bị trước mang theo, hạn chế mua dọc đường dễ bị lừa bán hàng dỏm hoặc giá… cắt cổ. Nếu cần phải mua vật dụng (áo quần bơi, phao bơi, kem chống nắng, mỹ phẩm…) nên tìm các siêu thị, cửa hàng tiện ích mua sẽ hạn chế được nạn “chặt chém” vô tội vạ.
Khi đi lại bằng taxi nên hỏi chi tiết cước tính theo kilomet hay giá trọn gói quãng đường đi. Nếu giá theo kilomet, khách cần quan sát kỹ đồng hồ, bởi chỉ cần lơ là trong nháy mắt tài xế có thể làm “ảo thuật”, móc tiền khách. Nếu cần gửi xe (chủ yếu ô tô) nên gửi xa điểm tham quan, điểm vui chơi hoặc hỏi giá trước, lấy phiếu giữ xe cẩn thận.
Cũng theo anh Trung, ngoài những biện pháp tự vệ thông thường, du khách cần chuẩn bị sẵn một số số điện thoại cần thiết, như số điện thoại đường dây nóng cảnh sát 113, Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch địa phương, số điện thoại công an địa phương… để gọi điện khi cần.
Bình luận (0)