Đi chơi tết an toàn, vui thôi đừng vui quá!

04/01/2022 08:00 GMT+7

Tết Nguyên đán nghỉ 9 ngày, người trẻ sẽ có nhiều kế hoạch đi chơi, đón tết cùng gia đình, người thân. Nên chú ý gì để đón tết an toàn trong dịch Covid-19 ?

Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, công tác tại Trung tâm nghiên cứu y sinh, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, cho biết: “5K là thông điệp quan trọng, đi đâu, làm gì xin người trẻ hãy lưu ý. Đặc biệt, với những người trẻ sống cùng người thân là đối tượng nguy cơ cao như lớn tuổi, có bệnh lý nền, trẻ em… thì càng nên hạn chế đi chơi tới những nơi đông người. Nếu đi đâu ra ngoài, sau khi trở về nhà nên nhớ thay đồ, tắm rửa, sát khuẩn tay kỹ lưỡng”.

Nhiều người trẻ chọn cách đạp xe ra ngoại thành đón tết, vừa thoáng đãng, vừa rèn luyện sức khỏe

Quyết Thắng

Theo nữ bác sĩ, hiện tại TP.HCM đang đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi 3 cho người dân, việc tiêm mũi 3 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế nghiên cứu và chấp thuận, có sự hướng dẫn cụ thể từ các chuyên gia y tế, do đó mọi người nên tiêm khi có lịch thông báo. Tuy nhiên, tiêm vắc xin hoàn thành 2 mũi, 3 mũi không phải là bất tử. F0 khỏi bệnh vẫn có nguy cơ tái dương tính.

“Nhiều người là F0 dù khỏi bệnh vẫn bị hậu Covid-19 cần phải thăm khám thường xuyên. Do đó mọi người không nên ỷ y là đã tiêm vắc xin và vô tư đi ăn, uống nơi đông người dịp lễ tết. Mọi người vẫn tuyệt đối phải tuân thủ 5K”, bác sĩ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nói.

Dịp năm mới, mọi người thường có xu hướng tổ chức các buổi cà phê, ăn uống tổng kết cuối năm, chúc mừng năm mới, theo bác sĩ Nguyệt Thanh, mọi người nên cân nhắc có thật sự cần thiết hay không. Nên xem số lượng có quá đông thì thẳng thắn từ chối, trước khi đi nên tự test Covid-19 trước tại nhà, nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở cũng không nên đi ra ngoài đường…

Nữ bác sĩ khuyên khi phát hiện mình là F0 cũng không bối rối, hoảng sợ, hãy liên lạc với y tế địa phương, tổ chăm sóc hỗ trợ tư vấn cho F0 từ xa để được hướng dẫn điều trị. Không có tâm lý đổ thừa vì người này người kia mà mình F0 hay kỳ thị F0.

Theo bác sĩ Nguyệt Thanh, đón Tết Nguyên đán, mọi người nên chuẩn bị ở tủ thuốc gia đình những vật tư y tế và thuốc cơ bản để yên tâm đón tết. Đặc biệt là những người có bệnh nền cần mua sẵn thuốc điều trị bệnh để ở nhà đề phòng. Cần thiết trong tủ thuốc gia đình mùa dịch là: Bộ kit test nhanh Covid-19 để chủ động xét nghiệm cho mình và người thân, nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo SpO2, vitamin C, vitamin tổng hợp, thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc ho, oresol, thuốc nhỏ mũi, nước muối sinh lý. Mọi người nên thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của thuốc, liều dùng cho người lớn, trẻ em.

Đỗ Thanh Bình, sinh viên ngành điều dưỡng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng cho rằng: “Người trẻ vui đón tết thì vui thôi đừng vui quá. Dù có được tiêm 2 mũi vắc xin rồi nhưng vẫn có thể bị nhiễm, do đó không nên chủ quan. Không nên tới nơi đông người. Đi đâu cũng nhớ kỹ 5K, không quên khẩu trang, nước sát khuẩn. Và quan trọng, đừng có tâm lý lễ, tết là tụ tập đi chơi đông người”.

Còn bác sĩ Nguyệt Thanh nhắn người trẻ: “Để tăng sức đề kháng, giữ cho cơ thể khỏe mạnh, thì càng phải lưu ý ăn uống, tập luyện thể thao. Trong những ngày tết hãy ăn uống cân bằng, hài hòa, khoa học, ngủ nghỉ điều độ, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.