Một số người thể hiện tâm trạng "thất thường" như đang đi chơi vui vẻ nhưng về nhà thì đăng những dòng tâm trạng buồn lên mạng xã hội. Nhiều người không khỏi thắc mắc về những biểu hiện cảm xúc khó đoán này.
Đi chơi thì vui vẻ nhưng về đến nhà thì... buồn |
NGUYỄN THANH TUẤN |
Không muốn ảnh hưởng đến các cuộc hẹn
Ngày hôm qua, chúng tôi cùng với Bạch Chí Thiện (21 tuổi, quê ở An Giang, hiện đang học nhiếp ảnh tại Q.Gò Vấp, TP.HCM) nô nức đi chụp đường hoa vàng nở rực ở Q.10, TP.HCM. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ, mọi người không gặp mặt nhau thì Thiện đã đăng những dòng trạng thái buồn lên mạng xã hội.
Tưởng rằng mọi người làm Thiện buồn, nhưng không, khi hỏi ra thì chàng trai 21 tuổi bộc bạch: “Đã nhiều lần tôi muốn nói những tâm tư, nỗi buồn cho người khác biết nhưng rốt cuộc thì… đành giấu lại trong lòng”.
Thiện ít khi chia sẻ chuyện buồn cá nhân cho bạn bè |
NVCC |
Thiện chia sẻ bản thân đang có chuyện buồn về tình cảm, một chút tâm tư về gia đình nhưng khi đi chơi Thiện không muốn đem những thứ tiêu cực ấy làm ảnh hưởng đến các cuộc hẹn, buổi gặp mặt của mọi người. “Tất nhiên không ai muốn đi chơi với một người có gương mặt lúc nào cũng ủ rũ, đầy tâm trạng”, Thiện nói.
“Khi tôi về đến nhà, xung quanh không còn ai mà là bốn bức tường, cùng chiếc điện thoại vô tri của mình. Tôi không biết nhắn tin với ai để tâm sự. Tôi chỉ biết đăng những dòng trạng thái vu vơ, vô thức lướt các trang mạng xã hội để tìm niềm vui cho mình. Nhưng càng làm, tôi càng cảm thấy cô đơn và tâm trạng tôi ngày một tệ hơn", Thiện tâm sự.
Đồng cảm xúc với Thiện, Nguyễn Ngọc Trà My (sinh viên Trường ĐH Kinh tế, TP.HCM) cũng thừa nhận có những lúc cô thể hiện năng lượng tích cực trong cuộc hẹn với bạn bè nhưng khi về nhà trọ của mình thì My… lại buồn hiu, kèm theo những dòng tâm trạng “ướt át” trên mạng xã hội.
Một số người trẻ đi chơi lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ, nhưng lại buồn... trên mạng xã hội |
TẤN ĐẠT |
"Trước đây, tôi từng chia sẻ với bạn bè về tâm tư của mình nhưng đổi lại là sự cười cợt, nói xấu sau lưng... từ đó tôi hạn chế nói cho mọi người về cảm xúc bản thân. Mỗi khi có chuyện gì buồn thì tôi lên mạng xã hội đăng một vài tấm hình, dòng chữ thể hiện mình có tâm trạng rồi thôi. Nhưng tôi thấy dù thường được bảo phải gạt đi cảm xúc tiêu cực để mạnh mẽ hơn, nhưng sự thật là việc đó không hề mang đến kết quả tốt đẹp hơn như ta vẫn tưởng”, My chia sẻ.
Dễ dàng rơi vào cảm giác lo âu, sợ hãi
Chuyên gia giáo dục, thạc sĩ Nguyễn Khánh Chi, giảng viên Trung tâm Glink Academy (TP.HCM) chia sẻ việc một người che giấu cảm xúc tiêu cực của bản thân sẽ không làm cho nó mất đi. Nó vẫn tồn tại và thậm chí nếu không được hóa giải, khả năng gây ra hệ lụy là điều tất yếu.
"Bởi việc thường xuyên "gồng" để che đi những tổn thương khiến chúng ta trở nên sống giả với chính mình, dễ dàng rơi vào cảm giác lo âu, sợ hãi. Các bạn sợ nỗi buồn bị phát giác, hoặc sợ đánh mất một mối quan hệ, hoặc đơn giản sợ mất đi hình ảnh đẹp đã xây dựng. Những giằng xé cảm xúc giữa bên ngoài và nội tâm khiến căng thẳng ngày một gia tăng. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe nếu nó diễn ra trong một thời gian dài", chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi nhấn mạnh.
Chị Nguyễn Khánh Chi, giảng viên Trung tâm Glink Academy (TP.HCM) chia sẻ kinh nghiệm sống với các bạn trẻ |
NVCC |
Tưởng là người tự kỷ
Chị Lê Thị Quỳnh Trang (29 tuổi, làm nhân viên văn phòng tại Etown, đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM) thừa nhận với chúng tôi chị cũng hay đăng những tâm trạng, chủ yếu là buồn lên mạng xã hội thay vì tâm sự cùng bạn bè trong những buổi tiệc, gặp nhau.
"Đôi lúc, sáng tôi đi chơi, cười nói với bạn bè nhưng về thì đăng vu vơ mấy câu tâm trạng buồn lên Facebook cá nhân. Một số người quan tâm thì họ vào hỏi han, có những bạn còn bảo tôi tự kỷ, nhưng tôi thú thật bản thân gặp chuyện buồn là đúng, nhưng không phải cái gì cũng kể ra được, tôi cần chọn lọc người nghe và tôi biết không phải ai cũng giữ được bí mật của tôi...", chị Trang cho hay.
Đi chơi thì vui nhưng về thì buồn |
TẤN ĐẠT |
Rồi cô gái 29 tuổi còn thừa nhận bản thân cảm thấy thoải mái tâm trạng hơn mỗi khi đăng chúng lên mạng xã hội. "Thay vì thả cảm xúc buồn đến người khác, thì mình cho lên mạng xã hội. Nếu câu chuyện đó quá tiêu cực thì nên chọn chế độ riêng tư", chị nói.
Chị Trang nói tiếp: “Cảm xúc, câu chuyện của mình thì làm sao người ta có thể hiểu được. Trước đây, tôi cũng từng chia sẻ những vấn đề, tâm trạng buồn cá nhân cho bạn bè biết, nhưng họ chỉ “ừ”, “thôi cố lên” rồi thôi, chứ có giúp mình được gì đâu. Ngày qua ngày, nỗi buồn cứ dai dẳng, dần về sau tôi nhận ra, chỉ có bản thân mới giải quyết được những vấn đề mình gặp phải. Đến bây giờ, mỗi khi có chuyện tiêu cực hoặc không vui tôi ngồi lại bình tĩnh và hỏi mình rằng “gốc rễ của câu chuyện này là gì, cội nguồn xuất phát ở đâu” rồi tôi tự gỡ rối chúng”.
Thạc sĩ Nguyễn Khánh Chi khuyên: "Thay vì tìm cách che giấu hay lên mạng đăng tâm trạng buồn, các bạn trẻ nên tìm cách xoa dịu nó. Lắng nghe cảm xúc của bản thân, chấp nhận nỗi buồn là một phần của chính bạn. Tìm người tin cậy để chia sẻ nỗi lòng, để khi kể xong, sự thoải mái lại trở về trong tâm hồn. Học cách yêu bản thân, yêu cả những khuyết điểm để tự tin hơn vào chính mình. Bởi khi có sức mạnh của tự tin, năng lượng tích cực sẽ giúp chúng ta nhanh chóng hóa giải được nỗi buồn".
Bình luận (0)