Mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại khoảnh khắc hàng xóm, khách mời đến chung vui với cô dâu, chú rể và chụp hình kỷ niệm với cặp đôi tại cổng cưới làm bằng trái cây, rau củ. Ai nấy đều cho rằng, cổng cưới vừa độc lạ vừa không lãng phí vì mọi người có thể sử dụng được sau bữa tiệc.
Tài khoản Mỹ Hạnh bình luận: "Những ai có điều kiện sẽ bảo một đời có một lần phải làm đám cưới cho đàng hoàng còn mình thấy làm vậy đỡ tốn kém mà không lãng phí nữa". Bạn Băng Trâm viết: "Tới bữa cơm gia đình có rau củ lấy từ đám cưới về sẽ nhắc tới cô dâu, chú rể, cái này vui nè". Nickname Trường Lộc bày tỏ: "Đi đám cưới buổi trưa mà có nguyên liệu nấu bữa chiều luôn, làm hoa đắt đỏ xong héo cũng bỏ".
Nhân vật chính trong đám cưới đặc biệt trên là chú rể Hoàng Minh Hóa và cô dâu Võ Nguyễn Hồng Nga (cùng 29 tuổi). Đám cưới được tổ chức tại nhà trai ở H.Phù Cát, Bình Định vào ngày 20.11.
Anh Hóa cho biết, đám cưới diễn ra trùng với dịp chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam nên giá hoa rất đắt. Hơn nữa, ở quê mọi người tổ chức đám cưới khá truyền thống nên anh muốn có chút độc đáo, ý nghĩa hơn. Anh muốn khách mời không chỉ đến dự tiệc mà còn có kỷ niệm ấn tượng.
"Lúc đầu tôi nghĩ làm cổng cưới bằng hoa hình rồng phượng nhưng sau nghĩ lại sau đám cưới sẽ phải gỡ bỏ, rất lãng phí. Vì vậy, tôi chuyển sang trang trí bằng rau củ, chắc chắn sẽ rẻ hơn hoa tươi vào dịp này. Hơn nữa, sau bữa tiệc khách mời có thể mang rau củ về nhà xào nấu, xem như lộc trong đám cưới", chú rể vui vẻ chia sẻ.
Không khí đám cưới diễn ra vui vẻ, ai nấy đều bày tỏ sự thích thú với tấm lòng của cô dâu, chú rể. Đám cưới anh sử dụng hơn 9 tạ rau củ với các loại như khổ qua, khoai tây, ớt chuông, dưa leo, cà rốt… Nhà anh trồng dừa, ba mẹ cho thêm 1.000 trái dừa đãi khách, trang trí, tạo sự gần gũi với gia đình, nhiều người còn mang cả buồng dừa về nhà.
"Nếu tôi trang trí cổng cưới bằng hoa tươi, chi phí có thể lên đến 70 – 80 triệu đồng. Tuy nhiên, khi sử dụng rau củ, chi phí rẻ hơn rất nhiều, mọi người đi chợ mua hết khoảng 10 triệu đồng", anh Hóa nói.
Cô dâu và chú rể yêu nhau 8 năm trước khi về chung một nhà. Công việc của anh Hóa là đào tạo các chủ studio chụp hình, đơn vị tổ chức tiệc cưới. Ngày gặp vợ, anh có một studio chụp hình áo dài, chị Nga là khách hàng đến chụp. Hai người yêu nhau nhờ cơ duyên từ… một tô cháo hành. Với anh, vợ là hậu phương vững chắc, chan hòa, biết chia sẻ, đồng hành cùng chồng trong mọi việc.
"Thời điểm đó tôi đi chụp hình cho vợ và sau đó bị thủy đậu và được đưa vào phòng cách ly. Vợ tôi mới nhắn tin hỏi vì mãi không thấy gửi hình, thấy tôi nói đang phải nhập viện cô ấy liền hỏi đang ở bệnh viện nào. Tôi tưởng hỏi để xác thực nhưng hóa ra trưa hôm đó cô ấy đã nhờ người nhà mang cháo, nước đậu, trái cherry đến thăm. Lần đầu tiên tôi được ăn trái cherry, trong lúc cô đơn bỗng có người quan tâm nên rung động, yêu nhau tới giờ tổ chức đám cưới", anh Hóa nhớ lại.
Cô dâu Hồng Nga bày tỏ: "Trước khi làm cổng cưới anh có gọi điện bàn bạc, tôi cũng góp ý từ xa để ekip thực hiện suôn sẻ, gia đình có sự hài lòng nhất. Bản thân và mọi người trong phái đoàn họ nhà gái ai cũng bất ngờ vì cổng cưới đẹp, độc lạ. Sắp tới, vợ chồng tôi sẽ tập trung làm cho công việc, sinh em bé và vun vén mái ấm nhỏ".
Bình luận (0)