Một chương trình dày đặc được đưa ra cho học sinh (HS) trong suốt tuần. Ban ngày họ được đưa đến các khu rừng nguyên sinh ở Liêng Ka, Hòn Giao, Giang Ly, Langbiang… để khảo sát, lấy mẫu đất, nước, lá cây rừng mang về phân tích độ pH, lượng phốt pho, độ lắng bùn trong nước… từ đó đưa ra các phương thức bảo vệ rừng. 12 HS được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm có 4 HS Việt Nam và 2 HS Singapore, qua sự hướng dẫn của các chuyên gia, các em biết cách làm việc với nhau rất ăn ý. Các HS Việt Nam đều thừa nhận vài ngày đầu làm việc chung họ cảm thấy “khớp” vì phải trao đổi bằng tiếng Anh, nhưng sau đó quen dần và vốn từ tiếng Anh cũng được nâng lên từng ngày.
Nguyễn Đức Hoàng Lâm, HS lớp 10A2 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Đà Lạt, cho biết: “Khóa học rất thú vị, em học được cách lên sơ đồ đo đếm cây rừng, cách nhận dạng cây rừng, phân biệt các họ; cách khoan cây để tính độ tuổi của cây… Khi hiểu biết sâu sắc hơn về rừng, em cảm thấy yêu rừng hơn, ý thức bảo vệ rừng và môi trường sống hơn”. Còn Trần Nguyễn Ngọc Hà, HS lớp 10A1, Trường THPT Bùi Thị Xuân, Đà Lạt, thổ lộ: “Ban ngày, chúng em vào rừng khảo sát thực địa rồi lấy các mẫu đất, nước, cây rừng… ban đêm lại cùng nhau phân tích nghiên cứu rồi làm báo cáo; có hôm phải thức đến tận khuya”. Hà cho biết thêm các chuyên gia của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà và chuyên gia quốc tế hướng dẫn các em rất tận tình, họ còn đưa sang nhiều thiết bị hiện đại để HS nghiên cứu, phân tích mẫu.
|
Là người có khả năng thuyết trình đề tài bằng tiếng Anh rất lưu loát, Tôn Thất Hoàng Lộc, HS lớp 11, Trường THPT Chi Lăng, Đà Lạt, chia sẻ: “Những ngày sống và làm việc chung với các chuyên gia nước ngoài em học được cách giao tiếp, kỹ năng sống, phương pháp nghiên cứu khoa học, cách trình bày báo cáo”. Các HS Việt Nam tham gia khóa học đều có chung nhận định, cách học của người nước ngoài hoàn toàn khác với Việt Nam, họ cho HS thực hành, nghiên cứu trước, sau đó rút ra bài học rồi củng cố lý thuyết. Với cách học này rất thú vị và không thấy nhàm chán.
Còn Lisa Goh Wan Khee, HS Trường Temasek Junior, Singapore, thổ lộ: “Đến Đà Lạt, em học được rất nhiều điều, em hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam, các món ăn Việt Nam rất ngon”. Trong buổi tổng kết khóa học, Claris LiowZiqi đã xúc động bày tỏ: “Em không muốn về, chỉ muốn ở lại Việt Nam học tập, phương pháp học rất dễ tiếp thu và bổ ích. Em muốn khóa học sau kéo dài hơn vì một tuần quá ngắn”.
Ngạc nhiên trước khả năng thuyết trình đề tài nghiên cứu bằng tiếng Anh của các HS Việt Nam, vì những ngày đầu các em còn e ngại, lúng túng, ông Tôn Minh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới (Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà), cho biết: “Đây là chương trình trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu quốc tế dành cho lứa tuổi HS, các HS Việt Nam không hề thua kém HS Singapore, thực tế có những lĩnh vực các HS Việt Nam còn nổi trội hơn”. Còn bà Charlene Chan Lee - người sáng lập IRES, nhận xét: “Đây là mô hình học tập rất mới và đem lại kết quả rất tốt, không chỉ ở Việt Nam mà cho cả các nước Đông Nam Á; là cách cải tiến phương pháp dạy và học chung cho các nước”. Trước khi rời Đà Lạt, bà Charlene Chan Lee đã ký biên bản ghi nhớ với lãnh đạo Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà hằng năm sẽ tiếp tục tổ chức cho nhiều giáo viên và HS hơn đến Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nghiên cứu và học tập.
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà được thành lập năm 2004, lấy theo tên 2 ngọn núi cao nhất cao nguyên Langbiang là Bidoup (2.287 m) và Núi Bà (2.167 m), với diện tích 70.038 ha. Đây là một trong năm vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam; là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) xác định Bidoup - Núi Bà là khu vực ưu tiên số một trong chương trình bảo tồn các dãy núi chính nam Trường Sơn. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có 1.923 loại thực vật có mạch, trong đó 96 loại đặc hữu và 62 loại quý hiếm. Vườn có 14 loại cây lá kim trên tổng số 33 loại có mặt ở Việt Nam. Là nơi sinh sống của 422 loài động vật có xương sống thuộc 98 họ, 30 bộ. Chương trình do Tổ chức IRES (International Research Experiences), Mỹ lần đầu tiên phối hợp với Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà tổ chức cho 12 HS khám phá, nghiên cứu về rừng và môi trường sống (từ ngày 5 đến 11.8). Tham gia và hướng dẫn chuyến khảo cứu có các chuyên gia Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, 2 Giáo sư Glen R.Kowach (Singapore) và Nestor T.Baguinon (Philippines) cùng một số giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó các trường học đến từ Singapore. |
Lâm Viên
>> Lên núi Bà Đen
>> Chinh phục núi Bà Đen
>> Địa đạo Củ Chi - Núi Bà
>> Đêm múa hát trên núi Bà Rá
>> Lên núi Bà Đen câu thằn lằn
Bình luận (0)