Giả thiết về sông thơm
Bửu, chuyên viên của HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế, là nghệ sĩ guitar thực thụ và đam mê âm nhạc. Anh là hậu duệ của dòng họ Hoàng Trọng ở làng Nguyệt Biều (P.Thủy Biều, TP.Huế), vùng quê nổi tiếng với đặc sản thanh trà “tiến vua”.
tin liên quan
Để sông Hương... hết buồnDo dự án đề xuất được thực hiện ở vị trí trung tâm và khá nhạy cảm với cảnh quan sông Hương, nên rất được người dân, các nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm.
Cuối tháng ba đầu tháng tư, khi mùa thanh trà Thủy Biều ra hoa kết trái, Bửu rủ chúng tôi lên nhà nội của anh ở Thủy Biều, ngồi dưới tán thanh trà để ca hát. Hương hoa lan tỏa cả một vùng quê. Ngoài kia, sông Hương bỗng dưng tinh khiết và dịu dàng thơm...
Ngồi giữa vườn cây, nghe hương hoa lan tỏa khắp triền sông, tôi mới thực sự cảm nhận trọn vẹn về tên gọi của một dòng sông thơm. Từ thế kỷ 14 - 15, sông Hương đã có nhiều tên gọi khác nhau qua từng giai đoạn lịch sử. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi (năm 1435) viết là sông Linh (Linh Giang). Ô châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc vào năm 1555 viết sông cái Kim Trà (Kim Trà đại giang).
Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn lại gọi là sông theo tên gọi của huyện Hương Trà (Hương Trà nguyên). Trong khi nhiều tài liệu khác cho biết sông Hương đã từng mang tên sông Lô Dung, sông Dinh, sông Yên Lục…
|
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông đã liên tưởng tên gọi thơm tho của dòng sông Hương với trầm tích từ một làng quê của vùng Hóa Châu xưa. Ông nhắc chuyện cũ, dân làng kể rằng thuở ấy, khi đi tìm đất lập làng, vị khai khẩn đã mang theo một nắm hạt cải vãi dọc theo bước đi. Suốt một dải đất dài ven sông Hương mà ông đã đi qua, chỉ có một vùng đất ở đấy hạt giống mọc thành những đám rau xanh tốt, chính là làng Thành Trung bây giờ. Từ ấy, trên nền thành Châu Hoá cũ, Thành Trung đã trở thành một ngôi làng thơm, với nghề trồng rau nổi tiếng…
Người Thành Trung trồng rau với bàn tay tài hoa nào không hiểu được: rau Thành Trung thơm ngát, xưa vẫn phải “cung tiến” cho vua chúa, chen chúc nơi chợ búa vẫn không để ai nhầm lẫn; người Huế thường gọi một cách kính nể là “Rau phường Thành”...
|
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Tôi về Thành Trung vào đầu xuân. Làng Châu Hoá đang rộ mùa rau trái, khí đất hùng hậu, hương đất nồng nàn tưởng như nhìn là thấy được. Trong đêm khuya, chưa bao giờ tôi được nghe một mùi đất thơm đến vậy, xao xuyến như da thịt, sâu thẳm như thời gian. Chính lúc ấy, tôi liên tưởng đến sông Hương với cái tên gợi cảm của nó. Sông Hương như hiện thân thành một cô gái thần tiên trong truyện cổ...”.
Nhưng rồi, cũng chính trong bút ký này, nhà văn dẫn thêm cách lý giải khác: Huyền thoại kể rằng, vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bên bờ đã nấu nước trăm loài hoa đổ xuống lòng sông, để làn nước thơm tho mãi mãi...
Có người bảo tên gọi của sông Hương vốn xuất phát từ một loại cây mọc ra từ suối đá phía thượng nguồn: Thạch xương bồ. Đây là một loài cây vốn được mệnh danh là vị thuốc trường sinh, có mùi thơm. Nguồn nước khe chảy ra, tụ lại, thành dòng sông thơm.
tin liên quan
Khai hội thanh trà HuếNgày 10.9, UBND P.Thủy Biều, TP.Huế đã khai hội thanh trà Thủy Biều 2016. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày với nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa nghệ thuật lồng ghép.
Lại có giả thiết cho rằng, năm 1792, trong chuyến tuần du Phú Xuân, vua Quang Trung hỏi sông đang đi thuyền tên là gì. Đoàn tùy tùng hộ tống nhà vua đáp rằng đoạn vừa đi qua tên Đan Điền, đoạn này tên Hương Trà, trước đây lại có tên Kim Trà. Vua không hài lòng, bảo sao lại lấy địa danh hữu hạn, thường thay đổi để đặt tên cho con sông dài thiên nhiên muôn thuở, và phán rằng từ nay thống nhất gọi là Hương Giang, từ nguồn cho tới biển....
Hương của làng
Tháng ba, đi dọc các làng quê yên bình hai bên bờ sông Hương mới cảm nhận biết về một dòng sông thơm thực thụ. Mùi thơm ấy hiện hữu gần gũi như chính tên gọi mà người dân đã dùng cho dòng sông yêu thương gắn bó của mình. Từ làng Nguyệt Biều - Lương Quán phía bờ nam ngược lên tới ngã ba Tuần, dọc lên Võ Xá, Tân Ba, Dương Hòa…; bờ bắc từ miệt vườn Kim Long ngược lên Long Hồ, Ngọc Hồ, Hải Cát, La Khê Bãi, Trẹm, Kim Ngọc, Đình Môn, Buồng Tằm..., hầu như vườn nào cũng trồng thanh trà. Thanh trà là loài cây đặc sản nổi tiếng của vùng phù sa đôi bờ sông Hương. Nguồn gốc cây thanh trà xứ Huế từng được đề cập trong sách Ô Châu cận lục, mục cây trái có mô tả: “Quả thanh trà ở rừng Thổ - Rí cực ngon”. Thổ - Rí là vùng núi huyện Khang Lộc, gồm Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) ngày nay.
|
Ở làng Nguyệt Biều có dòng họ Hoàng Trọng, một trong những dòng họ lớn thuộc hàng khai canh, khai khẩn của làng. Theo Gia phả Hoàng Trọng (Nguyệt Biều), chi Hoàng Trọng này có quan hệ họ hàng với chi họ Hoàng làng Văn La (Lệ Thủy, Quảng Bình).
Từ mối liên hệ này, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu đã đưa ra giả thiết: có thể cây thanh trà vùng Thổ - Rí đã được mang theo trên hành trình nam tiến của người Việt. Khi dòng họ Hoàng Trọng vào định cư tại bãi bồi bên sông Hương, loài cây ấy đã hội duyên với vùng thổ nhưỡng giàu phù sa của dòng sông và bén rễ, trở thành loại trái cây đặc sản nổi tiếng dùng để “tiến vua”.
Rồi từ Nguyệt Biểu, cây thanh trà đã lan dần ra các làng quê ven sông. Hương hoa thanh trà tỏa ngát triền sông vào mỗi độ cuối xuân, góp thêm một lý giải cho tên gọi của dòng sông thơm đầy thơ mộng.
Bình luận (0)