Di dời nhà máy thép Việt Pháp: Người dân được tham vấn như thế nào?

Khi được tham vấn về dự án di dời nhà máy thép Việt Pháp, 17 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án di dời ở H.Nam Giang (Quảng Nam) chỉ quan tâm nhiều đến việc làm, đất sản xuất.

Quy mô nhỏ nên chỉ tham vấn cộng đồng dân cư 'chịu ảnh hưởng trực tiếp'
Lý giải vì sao chính quyền địa phương chỉ “tham vấn” ý kiến của 17 hộ ở thôn Hoa (TT.Thạnh Mỹ, H.Nam Giang) về chủ trương di dời nhà máy luyện cán thép Việt Pháp từ TX.Điện Bàn lên, bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Nam, cho rằng việc lấy ý kiến đối với cộng đồng dân cư "chịu ảnh hưởng trực tiếp" như vậy là đúng luật.
Nhưng với cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp, tức 17 hộ dân thôn Hoa, đã được “tham vấn” như thế nào?
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, từ đầu tháng 9 chính quyền H.Nam Giang cùng chính quyền TT.Thạnh Mỹ đã mời 17 hộ dân họp. Trong 4 nội dung mà người dân “quan tâm”, lo ngại về ô nhiễm môi trường được xếp ở vị trí cuối cùng, sau chuyện bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, khả năng sản xuất ở bên ngoài phạm vi 17,2ha dự tính đặt nhà máy.
Để có cơ sở trấn an người dân, chính quyền H.Nam Giang đã tổ chức “phản biện” khi có đơn xin chuyển nhà máy lên, yêu cầu chủ đầu tư giải thích các vấn đề liên quan. Sau đó, huyện còn tổ chức đoàn cán bộ xuống tham quan thực tế nhà máy đang đóng tại Cụm công nghiệp và dịch vụ Thương Tín 1 (TX.Điện Bàn).
Được chính quyền trấn an, 17 hộ dân cơ bản đồng ý và đây là một trong những cơ sở để xúc tiến dự án di dời.
Ông A Viết Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Giang tái khẳng định đến thời điểm này vẫn chưa nhận bất cứ ý kiến phản đối chính thức nào từ phía người dân hay của chính quyền TT.Thạnh Mỹ về dự án.
“Những lo ngại về môi trường là đúng. Sau khi có kết luận chính thức của Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin, tuyên truyền công khai đến người dân để họ nắm rõ”, ông A Viết Sơn nói với PV Thanh Niên.
Cộng đồng dân cư ở hạ lưu có lý do để lo ngại
Điều quan tâm lớn hiện nay không phải chỉ dừng ở một dự án thép công suất 180.000 tấn/năm cùng với những lo ngại dành riêng cho cộng đồng dân cư chỉ 17 hộ dân. Phạm vi ảnh hưởng của nó đã lớn hơn nhiều, “theo” dòng chảy của các con sông và lan sâu xuống bên dưới hạ du trong lưu vực Vu Gia - Thu Bồn mà quan ngại của chính quyền TP.Đà Nẵng là một ví dụ.
Nhưng dẫn theo các quy định hiện hành, chỉ có những cộng đồng chịu tác động trực tiếp mới được tham vấn.
Trên lý thuyết, các nguy cơ ô nhiễm từ nước thải sản xuất và khói bụi, tiếng ồn… đã cơ bản được loại bỏ. Vì thế, nhiều câu hỏi về hợp tác khai thác nguồn tài nguyên nước giữa Quảng Nam - Đà Nẵng cũng chưa được mổ xẻ tường tận.
Nhưng cộng đồng dân cư ở hạ lưu có lý do để lo ngại, vì ô nhiễm mà các nhà máy gây ra tại Việt Nam đang là bài học nhãn tiền và dự áp thép Việt Pháp lại sắp di dời lên miền núi.

Các luồng ý kiến phản biện trong nhiều ngày qua đã buộc chính quyền H.Nam Giang phải “tiếp tục thông tin” không chỉ cho người dân mà còn với đối tượng cán bộ. Phiên họp của Huyện ủy Nam Giang vào ngày 19 và 20.10 tới dự tính đưa câu chuyện nhà máy thép ra để thảo luận thêm.

Theo thông báo từ phía chủ đầu tư, dự án nhà máy luyện cán thép tại thôn Hoa, TT.Thạnh Mỹ (H.Nam Giang) đang xúc tiến các thủ tục đầu tư để đến cuối năm 2016 được cấp phép. Từ tháng 2.2017 sẽ giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà xưởng và nghiệm thu. Từ tháng 8 đến tháng 11.2018 lắp đặt thiết bị, sau đó sản xuất thử từ tháng 5.2019.  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.