|
Tác giả 9X đến với lịch sử
Hiện tại, dự án Anh Hoàng đã thu hút được hơn 6.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội thông qua địa chỉ Facebook - Anh Hoàng. Chia sẻ về ý tưởng để thực hiện dự án Triều phục Hoàng gia VN (triều Nguyễn), Vũ Đức cho biết: “Có vô số giá trị của thời kỳ phong kiến mà điển hình là triều Nguyễn vẫn bị quên lãng. Đặc biệt là quy chế về trang phục. Mọi người ai cũng muốn biết vua chúa VN trông ra sao, rất tò mò về cung đình, nhưng rất ít người chịu tái hiện nghiêm túc, vì thế tôi bắt tay vào làm”. Dự án nhằm gia tăng độ nhận biết về hình ảnh vua chúa VN, làm nổi bật đặc trưng cốt lõi của trang phục cung đình triều Nguyễn so với các triều đại trong nước và khu vực.
Tác giả Vũ Đức bắt đầu nghiên cứu từ khá lâu và bắt tay thực hiện dự án từ tháng 2.2018. Đến nay, dự án đã hoàn thành hai giai đoạn về nhân vật chính (Anh Hoàng) trong bộ Triều phục Hoàng đế và Triều phục Hoàng gia. Để lịch sử thể hiện cô đọng qua từng hình vẽ không phải là điều dễ dàng. Vũ Đức chia sẻ: “Vấn đề khó khăn nhất là các thông tin về điển chương chế độ triều Nguyễn không đầy đủ hoặc bị thất lạc, lý luận mỹ thuật cung đình lại càng không rõ nét. Ngôn ngữ là một trở ngại khi tư liệu gốc thường không viết bằng chữ Quốc ngữ mà là chữ Hán - Nôm và tiếng Pháp. Một số sách Quốc ngữ lại dịch sai hoặc không hiểu ý, tạo ra sự rối loạn (chẳng hạn, loại mũ có tên Cửu Long Thông Thiên bị dịch là mũ 9 con rồng thông lên trời hoặc mũ Cửu Long Đường Cân bị dịch là mũ 9 con rồng kiểu Đường; màu hoa xích dịch là hoa sắc đỏ…). Các mảnh ghép lộn xộn, chưa được giới nghiên cứu đúc kết đòi hỏi sự phân tích, xử lý và liên tục phải kiểm chứng thông tin”.
|
Mặc dù vậy, Vũ Đức mong muốn, thông qua tranh vẽ trong dự án này, người xem sẽ thấy được những nét đặc trưng của trang phục triều Nguyễn. Ví dụ mũ thường được đính vô số trang sức. Một số chi tiết trên mũ được đính lò xo để chúng chuyển động theo sự cử động của người đội. Áo thì được trang trí rợn ngợp nên thiếu tính trật tự, ít đối xứng, cá tính mạnh, tổng thể giống một bức tranh tự do hơn là trang trí. Hoặc những điểm nổi bật không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu ngoài trang phục Hoàng gia VN nói chung và triều Nguyễn nói riêng, được thể hiện qua cột thủy nhiều màu sắc ở phần chân áo. “Đây là chi tiết do nhà Thanh sáng tạo (các triều đại Trung Hoa trước đó không có), được nhà Nguyễn du nhập vào nước ta. Điểm khác nhau của quy chế cột thủy giữa hai nước đó là: nhà Thanh áp dụng cho toàn bộ hoàng tộc và bá quan, còn nhà Nguyễn chỉ dành riêng cho thành viên hoàng tộc”, Đức cho hay.
|
Cầu nối truyền thống và hiện đại
Theo Vũ Đức, để thực hiện dự án Anh Hoàng, tư liệu quan trọng nhất là tranh vẽ và ảnh chụp trực tiếp. “Các tư liệu này tôi đã dày công tập hợp từ các nguồn trong nước hoặc nước ngoài: báo chí, bạn bè, các nhóm nghiên cứu trẻ (Đại Việt Cổ phong, Đại Nam Hội quán…), các tổ chức trưng bày, đấu giá cổ vật, bộ sưu tập cá nhân của Trần Quang Đức, Vũ Văn Giỏi, Trịnh Bách, Alain Truong… Bên cạnh các tư liệu trên thì tư liệu đóng vai trò nền tảng cho dự án phải kể đến là cuốn sách Ngàn năm áo mũ của tác giả Trần Quang Đức”, tác giả chia sẻ.
|
Nhà thiết kế Huỳnh Hải Long - người mang trang phục cung đình VN vào cải lương cũng như lên sàn diễn thời trang thế giới, nhận xét: “Trong một xã hội hiện đại, để bảo tồn và duy trì một giá trị, một bản sắc truyền thống thì phải thể hiện bản sắc ấy dưới góc nhìn hiện đại vì công chúng thưởng thức bây giờ là những người trẻ. Và dự án Anh Hoàng đã phần nào làm được những điều này. Trang phục hoàng gia VN sẽ được phổ biến rộng rãi hơn khi nó được thể hiện qua ngòi bút của một bạn trẻ 9X. Những bạn trẻ có cái nhìn thấu đáo về lịch sử sẽ giữ vai trò cầu nối giữa truyền thống và hiện đại”.
Vũ Đức cho biết phần tiếp theo của dự án sẽ là hoàn thiện thường phục Hoàng gia và dự định sẽ chuyển thể nội dung về “anh Hoàng” thành các văn hóa phẩm khác (sách, truyện tranh...). Dự án cũng tiếp tục duy trì màu sắc comic/manga trên mạng xã hội như một kênh giao lưu thường xuyên với người xem.
Bình luận (0)