Từng tận mắt chứng kiến vụ chìm bè Vĩnh Tiến trên Vịnh Vĩnh Hy, Phan Rang, Ninh Thuận, tôi nhận thấy sự chủ quan, lúng túng của những người đi du lịch hôm đó.
Ngay trên bến tàu, vì rất đông người chờ mua vé để ra vịnh ngắm san hô, ghé bè nổi ăn hải sản nên khi “nghe lệnh” tài công và nhân viên bán vé cho phép lên tàu là ai nấy í ới dắt con cái theo. Họ không hề thắc mắc là tàu chở được bao nhiêu người, có an toàn không, có bảo hiểm không?...
Hôm đó, nhiều tài xế taxi khuyên không nên đi đến chỗ đông người, bè trên vịnh không an toàn và nên quay về khách sạn hay đến điểm khác nhưng với tâm lý đi một lần cho biết, có người chấp nhận đợi gần 2 tiếng đồng hồ để mua vé ra vịnh!
Trên đường tàu chở ra vịnh, theo quan sát của tôi, có nhiều chị đi biển nhưng mang giày cao gót, váy dài lượt thượt chấm gót! Có bà mẹ đưa con theo nhưng chị không mặc áo phao và cũng không nhắc con mình mặc áo phao. Hỏi chị biết bơi hay không, sao không mặc áo phao cho an toàn chị cười: “Để vậy chụp hình đưa lên Facebook, Zalo mới đẹp”! Tài công cũng không nhắc nhở gì khách đi tàu. Một chiếc tàu chở 20-25 người lớn nhỏ cứ thế băng băng ra vịnh. Đó là tàu nhỏ, tàu lớn 2 tầng chở nhiều người hơn.
Trên tàu đáy kính để ngắm san hô, nhiều người không mặc áo phao - Ảnh: H.C
|
Thú thật, là một trong những người nhìn thấy chiếc bè bị gãy, chìm từ đầu và cùng mọi người ném áo phao, phao cứu sinh xuống biển ứng cứu nhưng tôi không hề nghĩ có tử vong! Vậy mà vẫn có người chết và bị thương, thật oan uổng và thương tâm! Bởi bè chìm chậm, xung quanh có nhiều bè khác và các tàu chở khách đi ngang qua ứng cứu. Thế nhưng, sự hoảng loạn, lúng túng của mọi người (kể cả người gặp nạn cũng như người không gặp nạn!) đã làm cho công tác cứu hộ trở nên rối hơn!
Khi gặp sự cố, rất nhiều người chỉ biết la khóc, kêu cứu mà không nhanh chóng tìm cách giải thoát cho mình và người thân. Một số người quá lúng túng nên hầu như họ bất động luôn! Trong khi đó, nếu chỉ cần tìm một nơi để bám víu, chờ người khác tới cứu sau khi đưa trẻ em, người già đến nơi an toàn thì sẽ bớt đi chuyện đau lòng xảy ra.
Còn nói thiếu thông tin là vì ít nhất trước một chuyến du lịch cùng gia đình hay bạn bè, chúng ta cần tìm hiểu điểm đến có những gì, nên đi thăm thú những đâu, đi bằng phương tiện nào và ăn ở ra sao ở nơi đó? Việc từng đoàn người vẫn đến Vịnh Vĩnh Hy vào sáng hôm sau sự cố sập bè (24-7) rồi lặng lẽ quay xe về chứng tỏ người ta vẫn rất ít quan tâm tìm hiểu nơi mình sẽ đến. Tin tức trên mạng, trên các phương tiện truyền thông rất nhiều nhưng họ vẫn vô tư bảo “có nghe nói gì đâu”!
Cẩn thận không bao giờ là thừa trước một chuyến đi xa. Cần tìm hiểu thông tin càng nhiều càng tốt. Bên cạnh đó, cần trang bị cho mình cũng như nhắc nhở người thân về kỹ năng cần có và cố gắng bình tĩnh nếu gặp sự cố (dưới nước cũng như trên bờ) để tự cứu mình và giúp người khác thoát nạn!
Bình luận (0)