Đi học hạnh phúc

20/03/2019 07:59 GMT+7

Ngày càng nhiều người trẻ tìm tới những lớp học hạnh phúc giúp chữa lành tổn thương, trắc ẩn với chính mình. Phải chăng cuộc sống hiện đại khiến cho hai chữ hạnh phúc tưởng giản đơn nhưng ngày càng khó cảm nhận được hơn?

 

Ai cũng có tổn thương

Chúng tôi có mặt tại một quán cà phê nhỏ trên đường Nguyễn Khắc Nhu, Q.1, TP.HCM trong sự kiện học cách yêu thương bản thân. Ở đây rất đông người trẻ mới lần đầu gặp nhau. Trong một trò chơi, mọi người ngồi thành nhóm, cùng nhau chia sẻ những nỗi khổ tâm mình gặp phải.

N.T.P (29 tuổi, đang làm nhân viên văn phòng tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) giọng như sắp khóc kể về tuổi thơ rất khó khăn của mình, đó là động lực giúp cô cố gắng để có được như ngày hôm nay, nhưng cũng chính nó khiến cô không được sống là chính mình, không dám khóc, không dám buồn, lúc nào cũng phải như một mũi tên lao về phía trước. Càng đi cô thấy mình càng cô độc, đến mức có lúc muốn chết. Còn những người xung quanh P. thì chia sẻ họ tìm đến đây vì thấy phía trước quá mịt mù, không biết ra trường sẽ làm gì, người thì không gỡ rối được bất hòa với mẹ chồng, người muốn ly hôn…
Chúng tôi cũng từng nghe tâm sự của cô gái tên T., kinh doanh nước ép trái cây tại TP.HCM, trong một sự kiện gần đây. T. học giỏi, có năng lực kinh doanh, một mình cô tự xây được nhà mới cho bố mẹ, cho em đi học, chữa bệnh cho cha. Mâu thuẫn gia đình xảy ra khi trong nhà có nhiều tiền hơn, cô muốn mở rộng chi nhánh nhưng cha mẹ ngăn cản vì lo sợ rủi ro. Cô nhiều tháng trời không về nhà, không nói chuyện với cha mẹ, đỉnh điểm là ý định muốn tự tử.
“Tôi không biết động lực mình kiếm tiền tiếp là gì nữa. Tôi thấy cha mẹ không cần tôi, gia đình căng thẳng, cứ thấy xe tải là tôi muốn lao đầu vào cho chết đi”, T. kể.

Học tha thứ

Anh Nguyễn Mạnh Cường (Công ty TNHH tư vấn Người đồng hành, TP.HCM), giảng viên các lớp học hạnh phúc, cho hay phần lớn những học viên tìm tới lớp từ 18 - 45 tuổi. Có những người nhìn bề ngoài vui vẻ, thảnh thơi nhưng trò chuyện mới thấy nội tâm đầy những khúc mắc.
“Xã hội hiện đại không ngăn được những tổn thương trong mỗi người, có khi nó vô tình làm con người gây tổn thương cho nhau nhiều hơn. Bên trong mỗi người đều có “cái tôi” với lòng tham, sự sợ hãi, càng không buông bỏ, không hạ cái tôi xuống, con người càng lún vào tổn thương, gây tổn thương cho nhau”, anh Cường chia sẻ.
Theo anh Cường, các lớp học hạnh phúc giúp mọi người hiểu được gốc rễ của những tổn thương là do đâu, cách thức những nỗi buồn đau của mình vận hành để khi đã hiểu sẽ biết cách chữa lành tổn thương; tha thứ cho người khác; buông bỏ những nỗi buồn, giận dữ; thiết lập niềm tin; sống tích cực hơn; lan tỏa những điều tích cực.
“Ví dụ, khi ta biết mẹ mình trong quá khứ từng có bất hạnh, bà đang chịu nhiều áp lực dẫn tới việc hay cáu gắt, nói nặng lời với các con, ta sẽ thương mẹ hơn, không còn oán giận mà sẽ biết cách chia sẻ với mẹ nhiều hơn, chữa những tổn thương cho mẹ, giúp cho tình cảm mẹ con khăng khít hơn”, anh Cường ví dụ.
Cũng theo anh Cường, hạnh phúc chân thật là hạnh phúc từ trong nội tâm của chính mình, là khi con người ta biết đủ. Hai chữ “biết đủ” giúp người ta an vui, tự do, có được hạnh phúc tự thân, hạnh phúc trong từng khoảnh khắc, đó mới là hạnh phúc bền vững.
Hạnh phúc chân thật không ở đâu xa lạ, nó ở chính trong mỗi người. Hạnh phúc là khi con người trắc ẩn với bản thân, ai cũng có điểm tốt xấu, không có ai hoàn hảo, học cách chấp nhận thất bại, hãy là chính mình.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu (giảng viên Trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM)
Nỗi sợ hãi lớn nhất và luôn thường trực trong mỗi con người, dù đàn ông hay phụ nữ, dù trẻ em hay người trưởng thành, chính là nỗi sợ bị bỏ rơi. Do đó gia đình cần phải là cái nôi của yêu thương, chia sẻ cho nhau buồn vui, khó khăn.
Chuyên gia tâm lý Hồng Phương Lan (Công ty TNHH Giàu Có Nội Tâm, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.