Đi học lại sau tết: Liên tục thay đổi hình thức dạy học theo cấp độ dịch

18/01/2022 11:04 GMT+7

Khi học sinh đi học lại, nếu cấp độ dịch của địa phương thay đổi thì nhà trường sẽ phải lập tức thay đổi hình thức dạy học, có thể chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại.

Linh động thay đổi theo tình hình dịch bệnh

Phát biểu trong cuộc họp về công tác chuẩn bị đón học sinh tiểu học trở lại trường, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết việc học sinh tiểu học đi học lại sau tết sẽ tùy theo tình hình cấp độ dịch của từng khu vực, địa phương. Dựa trên hướng dẫn của Sở GD-ĐT, các trường cũng sẽ thay đổi hình thức dạy học tùy theo tình hình thực tế ở từng thời điểm khác nhau, theo ông Trọng.

  • Trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 sẽ đến trường học trực tiếp từ 14.2
  • NGUYỄN LOAN

    “Đầu tuần trường có thể tổ chức dạy học trực tiếp theo cấp độ 1, nhưng nếu cuối tuần cấp độ dịch của địa phương thay đổi lên cấp độ 2, 3 thì trường lập tức thay đổi hình thức dạy học theo cấp độ tương ứng. Việc tổ chức dạy học như thế này sẽ khiến các trường gặp khó khăn nhưng chúng ta phải tuyệt đối tuân thủ và linh động thay đổi hình thức dạy học”, ông Trọng chia sẻ.

    Theo ông Trọng, các trường cần phải chủ động chuẩn bị tốt nhất các bước để dạy học trực tiếp, sớm triển khai những nội dung liên quan đến phòng chống dịch nhằm đảm bảo an toàn cao nhất khi đón học sinh.

    Học sinh nhỏ, chưa tiêm vắc xin tổ chức sao cho an toàn?

    Ông Trọng cho hay học sinh THCS, THPT đã đi học lại trước đó nhưng các em ở hai bậc này đã lớn nên việc nhận thức, xử lý cũng như tuân thủ quy tắc phòng dịch được thực hiện dễ dàng hơn.

    Còn bậc tiểu học, các trường không có thời gian “khởi động” như những bậc khác, đón lần lượt từng khối lớp và sau tết, nếu học sinh đi học lại thì các trường tiểu học phải tổ chức dạy học cùng lúc nhiều khối...

    Việc xử lý F0, F1 trong trường học đối với bậc tiểu học cũng sẽ tương tự theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM đã ban hành trước đó

    NGUYỄN LOAN

    “Chúng ta không có thời gian thích ứng, thích nghi như bậc THCS, THPT nên khi tổ chức sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Học sinh nhỏ tuổi, đặc biệt như lớp 1, 2 mới chỉ 6, 7 tuổi lại chưa được tiêm vắc xin, kỹ năng ý thức có đặc thù khác nên yêu cầu đòi hỏi phòng chống dịch của các trường rất cao và khó hơn rất nhiều. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ để tổ chức đảm bảo an toàn cao nhất cho học sinh, vì chúng ta không có thời gian làm quen”, ông Trọng nói.

    Bên cạnh đó, ông Trọng lưu ý các trường phải xây dựng đội ngũ chuyên môn, nhân sự thường trực phục vụ phòng chống dịch, trong đó hiệu trưởng phải là người xây dựng, trực tiếp quản lý.

    "Khi có tình huống xảy ra, ví dụ nếu có F0 trong trường học thì nó cũng đã nằm trong quy trình rồi nên cần phải bình tĩnh xử lý. Phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương, đầu mối địa phương để thực hiện đúng các bước theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM. Việc xử lý F0, F1 trong trường học đối với bậc tiểu học cũng sẽ tương tự theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM đã ban hành trước đó", ông Trọng cho biết thêm.

    Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, học sinh tiểu học đi học lại sau tết thì các trường sẽ tổ chức hoạt động theo từng cấp độ dịch (cấp độ 1, 2, 3). Riêng những trường thuộc cấp độ 4 (vùng đỏ) tiếp tục học trực tuyến.

    Trước đó, trong tờ trình gửi UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT đề xuất lộ trình cho trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 - 6 sẽ đến trường học trực tiếp từ 14.2.

    Top

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.