Đi học ở Thảo Cầm Viên

12/07/2020 08:29 GMT+7

Bắt sâu, ngắm bướm hoặc tận tay sờ vào mẫu vật chưa từng thấy là những hoạt động ' chơi mà học, học mà chơi ' của học sinh gắn liền với thiên nhiên ở Thảo Cầm Viên (TP.HCM).

Một buổi sáng đầu tháng 7, tôi theo chân một nhóm khoảng 30 học sinh (HS) THCS đến Thảo Cầm Viên  tham gia buổi học ngoại khóa. Mục đích buổi học là giúp HS hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu, vui chơi, tiếp xúc với động thực vật.

Biết được nhiều loài mới

Đầu tiên, các HS vào phòng lưu giữ mẫu vật để nghe và ghi chú thông tin mà nhân viên hướng dẫn của vườn thú trình bày về những loài động thực vật đang sống trong tự nhiên.

Thảo Cầm Viên không chỉ là nơi vui chơi giải trí mà còn là nơi bảo tồn, nhân giống nhiều loài động thực vật quý hiếm. Với bộ sưu tập động thực vật phong phú, đây là nơi giáo dục hữu ích, giúp học sinh, sinh viên tìm hiểu, củng cố các kiến thức sinh học trong chương trình giáo dục phổ thông, đại học về bảo vệ môi trường...

Thạc sĩ NGUYỄN ĐÌNH THẾ (Giám đốc Trung tâm giáo dục vườn thú - Thảo Cầm Viên TP.HCM)

Tiếp đó, nhân viên vườn thú cầm những mẫu vật giới thiệu với HS về đặc tính của từng loài. Nghe thế, nhiều HS bắt đầu tò mò, muốn được tận tay sờ và xem mẫu vật ra sao. “Loài trai sống ở biển. Bên trong lớp vỏ là lớp xà cừ óng ánh được con trai tiết ra. Lớp xà cừ này có nhiệm vụ bao bọc những hạt bụi nếu vô tình bị lọt vào trong vỏ sò. Lâu dần hạt bụi này sẽ được lớp xà cừ bao bọc tạo thành khối tròn để bảo vệ thân thể con trai”, đó là một đoạn giới thiệu của nhân viên vườn thú về động vật không xương sống. Phía dưới, nhiều HS chăm chú theo dõi, lắm lúc ghi vào giấy rồi cử đại diện lên thuyết trình lại cho cả lớp cùng nghe.
Sau đó, nhóm HS tiếp tục di chuyển sang vườn bướm. Nơi đây được nhiều HS đánh giá là khu vực thích nhất vì được quan sát trực tiếp và chạm vào thân các loài bướm. Nhân viên phụ trách vườn bướm Lê Thị Kim Sanh bẻ chiếc lá có sâu và trứng bướm để HS xem. Khi một HS chỉ về xác một con bướm đã chết, chị Sanh thông tin thêm về vòng đời cuối cùng của một con bướm.

Học sinh học về các loài bướm bằng quan sát trực quan

Chị Sanh cho biết mục đích xây dựng lớp học ở vườn bướm sẽ kết hợp với kiến thức ở trường và cho HS quan sát thực tế ở bên ngoài, đồng thời lồng ghép kiến thức bảo tồn thiên nhiên cho HS. Quy trình học ở vườn bướm bao gồm: đặc điểm vòng đời của bướm, có bao nhiêu loại bướm, cách nhận diện trứng bướm, con nhộng như thế nào. Sau đó đến phần thực hành: HS hóa thân thành một nhà khoa học đi bắt bướm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên về nghiên cứu.
“Qua công việc bắt bướm, HS tự phân loại loài rồi đánh giá vào bảng giấy, điều quan trọng là chúng tôi sẽ cho các em tự tay thả bướm trở lại, giúp các em thấy yêu và tôn trọng thiên nhiên hơn”, chị Sanh nói.

"Chúng ta cần bảo vệ thiên nhiên và môi trường nhiều hơn" 

Đinh Xuân Đức, HS lớp 6 Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), tham gia lớp học ở Thảo Cầm Viên, chia sẻ qua lần học này Đức biết thêm được nhiều loài mới. Những loài bướm, ốc mà Đức chỉ thấy trên ti vi giờ được tận mắt nhìn trực tiếp. Nhờ vậy Đức hiểu được những con bướm thuộc loài nào và bổ sung kiến thức ở trường. Đức cho biết: “Em nghĩ đi học như vậy mới phát huy được kiến thức, tư duy và em cũng biết thêm loài nào cần duy trì, bảo tồn nhiều hơn”.
Nguyễn Đình Lê Khoa, HS lớp 6 Trường THCS Lê Văn Tám, nói: “Học ở đây rất có ích, em cảm thấy vui hơn khi cùng hoạt động với các bạn trong lớp. Em thích nhất là được đi bắt bướm, biết được bướm sinh ra ở trên lá như thế nào. Ngày xưa em sợ sâu lắm nhưng vô đây được chạm tay vào sâu, giờ em hết sợ rồi. Em cũng hiểu được chúng ta cần bảo vệ thiên nhiên và môi trường nhiều hơn nữa”.
Theo chị Nguyễn Công Tuyết Hân, đại diện nhóm phụ huynh có con tham gia học tại Thảo Cầm Viên, nhiều phụ huynh muốn tạo sân chơi mới để con mình có sự kết nối với bạn bè, yêu thiên nhiên, đồng thời giúp con bộc lộ được những kỹ năng, điểm khác biệt… nên đã tự lên kế hoạch, liên hệ Thảo Cầm Viên rồi đưa con đến đây vừa chơi, vừa học tập sau một năm học ở trường.

Học sinh trở nên năng động và yêu thiên nhiên hơn

Phạm Hữu

Đánh giá về việc học tại đây, chị Hân cho rằng HS trở nên năng động và yêu thiên nhiên hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Thế, Giám đốc Trung tâm giáo dục vườn thú - Thảo Cầm Viên, cho biết: “Thảo Cầm Viên không chỉ là nơi vui chơi giải trí mà còn là nơi bảo tồn, nhân giống nhiều loài động thực vật quý hiếm. Với bộ sưu tập động thực vật phong phú, đây là nơi giáo dục hữu ích, giúp HS, sinh viên tìm hiểu, củng cố các kiến thức sinh học trong chương trình giáo dục phổ thông, đại học về bảo vệ môi trường; phân loại, phân bố, sinh học sinh thái, tiến hóa của các loài…”.
Ngoài ra, các buổi học ở Thảo Cầm Viên còn giúp mở rộng và nâng cao kiến thức môn sinh học mà HS đã học ở trường, giúp HS nhận thức được tính cấp thiết trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Tại đây, HS tiếp cận được với thiên nhiên bán hoang dã, tự tay trồng cây, tìm lá và có thể được gần hơn với các loài thú, tiếp cận với môi trường thiên nhiên tốt nhất. Từ đó có thể chuyển nhận thức thành hành động tích cực, góp phần vào việc bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng và bảo vệ môi trường sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.