Đi làm mỗi ngày nhưng thật ra là... thất nghiệp

01/11/2024 10:42 GMT+7

Nhiều bạn trẻ khi thất nghiệp rơi vào trạng thái không biết phải làm gì tiếp theo, nhưng lại không dám ở nhà vì sợ gia đình lo lắng.

Dù đã thất nghiệp cả tháng, nhưng Nguyễn Mỹ An (30 tuổi), ngụ đường Trần Quang Diệu, P.13, Q.3, TP.HCM vẫn như một nhân viên công sở thực thụ. Sáng sớm, chị vẫn diện đồ đẹp, xách xe ra khỏi nhà. Sau đó, Mỹ An… tạm trú tại một quán cà phê hoặc nhà sách nào đó.

Mỹ An cho biết gia đình chị rất lo lắng nếu như công việc của chị gặp trục trặc. Để người nhà yên tâm, Mỹ An đành chọn cách nói dối là đi làm để người nhà yên tâm. Sau đó, chị kiếm một chỗ để ngồi, lướt mạng, trò chuyện với bạn bè… "Nhân viên" Mỹ An sẽ trở về nhà đúng vào khung giờ như mọi khi, vẫn tíu tít kể chuyện một ngày của mình với gia đình.

"Mình sẽ ở quán cà phê đến khi có công việc cụ thể. Dù mỗi ngày chi một khoản tiền nước nhưng mình vẫn sẵn sàng để gia đình không lo lắng", Mỹ An kể.

Đi làm mỗi ngày nhưng thật ra là... thất nghiệp- Ảnh 1.

Quán cà phê như một "văn phòng di động" của nhiều bạn trẻ

ẢNH: PHƯƠNG VY

Khi người viết hỏi Mỹ An có chịu "thú tội" với gia đình khi có công việc mới không, cô gái cười trừ bảo: "Thôi, mình lơ luôn. Mình lớn rồi, làm cho gia đình đỡ lo được lúc nào hay lúc nấy", Mỹ An kể.

Trong khi đó, Huỳnh Thị Bảo Ngọc (cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) gặp trục trặc với công việc sau khi ra trường. Tốt nghiệp cử nhân ngôn ngữ, nhưng Bảo Ngọc không làm đúng chuyên ngành của mình. Cô gái trải nghiệm nhiều công việc từ viết content, chăm sóc khách hàng… Ngọc luôn cảm thấy bấp bênh, liên tục hoài nghi về bản thân và thường hay bị ba mẹ than phiền vì không có việc làm ổn định. Sau đó, cô gái nộp đơn vào một công ty truyền thông và đậu vào vị trí phiên dịch tiếng Hàn. Gia đình cô vui mừng khôn xiết.

Thế nhưng, đi làm được vài tuần, Ngọc thấy công việc này không ổn. Sếp thường đòi hỏi nhân viên một cách vô lý. Nhiều hôm Ngọc làm việc tới 23 giờ đêm nhưng chưa hết việc. Cô gái còn bị trừ lương bởi sai quy định. Chịu áp lực không nổi, Ngọc quyết định nghỉ việc trong nước mắt. Thế nhưng, cô gái không dám thú nhận với ba mẹ vì sợ người lớn "tăng huyết áp vì mình". Cô quyết định hàng ngày sẽ đến quán cà phê ngồi từ sáng đến tối, điên cuồng tìm công việc mới trên các nền tảng…

Đi làm mỗi ngày nhưng thật ra là... thất nghiệp- Ảnh 2.

Có bạn trẻ ngồi ở quán cà phê cả ngày khi thất nghiệp để tránh né các câu hỏi từ gia đình, lẫn ngồi tìm việc mới

ẢNH: PHƯƠNG VY

May mắn hơn Mỹ An và Bảo Ngọc, Nguyễn Lương Hiền Vy (37 tuổi) có riêng quán cà phê cho mình. Chị là chủ quán cà phê Sạc, ngụ ở số 120 đường Trần Hưng Đạo, TX.Thuận Nam, H.Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Bên cạnh làm chủ, Hiền Vy còn được biết tới với tư cách là một họa sĩ. Thế nhưng, vài tháng nay, Vy không có việc vẽ tranh cố định như mọi khi. Chị vẫn bán ra quán cà phê như thường, còn công việc họa sĩ chỉ làm lai rai, lâu lâu có vài đơn cộng tác.

"Thấy nhiều bạn thất nghiệp không dám ở nhà vì sợ gia đình cằn nhằn rồi nên mình cũng rút kinh nghiệm. Mình không dám nói là đang thất nghiệp, mà chỉ nói với người nhà rằng mới được chuyển sang chế độ cộng tác viên, làm việc… ở nhà nên chọn làm ở quán cà phê luôn cho tiện. Thế nhưng, mẹ mình có linh tính khá tốt, thấy con ở nhà mãi nên cứ gặng hỏi. Nhưng mẹ không hiểu tính chất công việc của mình nên cứ nói xạo vậy thôi. Khi nào sắp xếp xong công việc mới thì thú tội cũng chưa muộn", chị Vy kể.

Ba mẹ ơi, hãy đồng hành cùng con khi thất nghiệp

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn, Trường ĐH Văn Lang, cận định rằng thất nghiệp là giai đoạn khó khăn đối với giới trẻ, ảnh hưởng cả tài chính, quan hệ và tâm lý. Nhiều bạn chọn cách im lặng, né tránh, như giả vờ đi làm nhưng thực tế chỉ đến quán cà phê để tránh sự dò xét từ người thân. Tuy nhiên, điều này lâu dài có thể gây căng thẳng, gánh nặng tài chính, và tâm lý lo lắng nếu bị phát hiện.

Thạc sĩ cho rằng, thất nghiệp có thể xem là biến cố gây chán nản, nhưng cũng là cơ hội tìm kiếm công việc mới tốt hơn. Đồng thời, người thân và cộng đồng nên thể hiện sự động viên, thông cảm, và người trẻ cũng nên chia sẻ khó khăn để nhận được sự hiểu biết từ xung quanh.

Trong khi đó, chị Dương Huỳnh Thanh Kim, Phụ trách Phòng Dịch vụ việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM, cho rằng bạn trẻ có thể tận dụng thời gian thất nghiệp bằng việc nâng cao kỹ năng như học thêm kỹ năng mới (công nghệ, ngoại ngữ, kỹ năng mềm...) trên các trang miễn phí, luyện tập các kỹ năng hiện có bằng việc tham gia các dự án, cộng đồng chuyên môn. Bạn trẻ nên xây dựng mạng lưới quan hệ qua các sự kiện nghề nghiệp hay hội thảo, chú ý đến các ngày hội việc làm tại các trường đại học hay trung tâm dịch vụ việc làm. Bạn có thể mở kết nối trên Linked In để theo dõi xu hướng tuyển dụng và tìm cơ hội nghề nghiệp từ các doanh nghiệp.

Thời gian rảnh rỗi, bạn có thể thực tập hoặc làm việc tự do để kiếm thêm thu nhập, tạo thêm kinh nghiệm. Bên cạnh đó, bạn cần dành thời gian chuẩn bị hồ sơ xin việc, tìm hiểu về các doanh nghiệp, luyện tập trả lời các câu hỏi phổ biến... để ứng tuyển thành công.

Chị Kim cũng chia sẻ xu hướng lao động và ngành nghề có nhu cầu cao hiện nay là chuyển đổi số và công nghệ thông tin, dịch vụ chăm sóc khách hàng và thương mại điện tử, y tế và giáo dục, du lịch, nhà hàng - khách sạn... Bạn trẻ có thể tham khảo thêm thông tin, cập nhật thêm kỹ năng và có thể "rẽ ngành" nếu cần thiết.

Quả thật, sau vài hôm ra quán cà phê để trốn tránh việc thất nghiệp, Bảo Ngọc đã chia sẻ với ba mẹ vì… hết tiền uống cà phê. Ban đầu, ba mẹ cô gái mắng dữ dội, tra hỏi lý do vì sao con nghỉ việc, cằn nhằn cô chọn công việc không ổn định… Thế nhưng, sau đó ba mẹ nguôi giận, bắt đầu động viên Ngọc nên tham gia một lớp học nào đó để cải thiện bản thân, tìm việc tốt hơn… "Hiện tại, mình đã tham gia một lớp dạy về thiết kế đồ họa. Mình hy vọng những kiến thức mới mẻ sẽ giúp mình có thêm kỹ năng mới", cô gái chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.