Đi làm việc ở Hy Lạp thu nhập đến 34 triệu đồng/tháng

28/07/2023 06:00 GMT+7

Bộ LĐ-TB-XH vừa chấp thuận cho 3 công ty tuyển dụng lao động đi làm việc tại Hy Lạp. Đây là thị trường mới, thu nhập đến 34 triệu đồng/tháng, phù hợp với lao động trẻ ở khu vực nông thôn.

ƯU TIÊN LAO ĐỘNG CÓ KINH NGHIỆM LÀM NÔNG

Theo ông Đặng Sỹ Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), ngày 24.7, đơn vị này đã chấp thuận để 3 doanh nghiệp (DN) tạo nguồn lao động cung ứng đi làm việc tại Hy Lạp.

Đi làm việc ở Hy Lạp thu nhập đến 34 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

Lao động VN xuất cảnh đi làm việc ở châu Âu

T.H

3 công ty gồm: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và cung ứng nhân lực CIP.CO (CIP.CO HR), Công ty cổ phần đầu tư và phát triển thương mại BBC Group (BBC Group., Jsc) và Công ty cổ phần phát triển quốc tế Việt Thắng (VTC Corp).

3 công ty này được chuẩn bị nguồn theo hợp đồng đã ký với đối tác Liên minh Hợp tác nông nghiệp quốc gia Hy Lạp (Etheas) để cung ứng lao động đi làm việc tại Công ty Berryplasma World LLC (Hy Lạp). Số lượng lao động chuẩn bị trước mắt là 150 người, độ tuổi 20 - 45.

Về ngành nghề tuyển dụng, ông Dũng thông tin: "Lao động sẽ đi làm việc chủ yếu trong ngành nông nghiệp trồng trọt, thu hoạch và chế biến nông sản. Thời hạn hợp đồng lao động là 2 năm, thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần với mức lương cơ bản 803 euro/tháng (tương đương 21 triệu đồng/tháng). Người sử dụng lao động sẽ chi trả vé máy bay từ VN đến Hy Lạp và từ Hy Lạp về VN sau khi người lao động hoàn thành hợp đồng".

Về yêu cầu kỹ năng nghề, theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, 3 công ty dự kiến không tổ chức đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động. Đối tượng ưu tiên tuyển dụng là lao động nông thôn đã làm việc trong ngành nông nghiệp, chịu khó, có ý thức kỷ luật cao, chăm sóc thu hoạch rau, cây ăn quả, biết cơ bản tiếng Anh giao tiếp.

Đi làm việc ở Hy Lạp thu nhập đến 34 triệu đồng/tháng - Ảnh 2.

Đối với trình độ ngoại ngữ, 3 công ty sẽ tự tổ chức đào tạo tiếng Anh cho những người lao động chưa hoặc có trình độ tiếng Anh chưa cơ bản và không thu học phí, chỗ ở của người lao động trong thời gian tham gia khóa học.

"Thời gian chuẩn bị nguồn lao động từ tháng 7 - 9. Cả 3 công ty không được thu bất kỳ khoản tiền nào của người lao động trước khi hợp đồng cung ứng lao động được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và người lao động đã ký hợp đồng đi làm việc tại Hy Lạp", ông Dũng nói.

THU NHẬP TỪ 31 - 34 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG

Đánh giá về thị trường lao động Hy Lạp, ông Dũng cho hay hiện nay nhu cầu tuyển dụng chủ yếu tập trung ở ngành nông nghiệp như: trồng cây, thu hoạch cây lương thực, ăn quả… Ngoài ra, một số ngành nghề nước này có nhu cầu như xây dựng; chế biến, bảo quản thực phẩm…

"Khác với các nước ở khu vực Bắc Âu, Hy Lạp nằm ở khu vực Nam Âu, điều kiện thời tiết khá thuận lợi, mùa đông không quá lạnh, lao động có thể làm việc quanh năm. Nhu cầu tuyển dụng của Hy Lạp là những công việc đơn giản, rất phù hợp với lao động trẻ ở khu vực nông thôn. Mức lương có thể không quá cao như đi Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng điều kiện tuyển dụng không quá khắt khe", ông Dũng chia sẻ.

Lãnh đạo một DN vừa được chấp thuận tuyển nguồn nhìn nhận: "Đây là một thị trường mới khá triển vọng, trong bối cảnh một số thị trường truyền thống gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. Chúng tôi kỳ vọng sau khi được cấp giấy phép, mỗi tháng có thể đưa từ 200 - 300 lao động sang Hy Lạp. Mức lương cộng thu nhập từ làm thêm của người lao động mỗi tháng khoảng từ 1.200 - 1.300 euro/tháng (tương đương khoảng 31 - 34 triệu đồng/tháng".

Vị này cho biết thêm giá cả sinh hoạt và các mặt hàng thiết yếu ở Hy Lạp rẻ hơn so với các nước ở châu Âu. Chất lượng cuộc sống, chăm sóc y tế cũng rất tốt, đặc biệt đây là một trong những quốc gia an toàn. Với những ưu điểm trên, Hy Lạp đang trở thành điểm đến lý tưởng thu hút lao động nước ngoài. Người lao động nước ngoài đến Hy Lạp làm việc theo diện visa D (visa dài hạn từ 3 tháng trở lên đến 12 tháng và có thể gia hạn tại chỗ không quá 5 năm).

Theo các DN, những năm gần đây, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu hụt trầm trọng về lao động phổ thông diễn ra tại các quốc gia tại châu Âu. Thị trường xuất khẩu lao động Hy Lạp đặc biệt thiếu hụt các ngành nghề nông nghiệp.

CẢNH BÁO LỪA ĐẢO TUYỂN LAO ĐỘNG SANG HY LẠP

Mặc dù mới chỉ 3 công ty được chấp thuận tuyển nguồn, song thời gian gần đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin tuyển dụng lao động đi làm việc tại Hy Lạp.

Đi làm việc ở Hy Lạp thu nhập đến 34 triệu đồng/tháng - Ảnh 3.

Ông Đặng Sỹ Dũng cho hay: "Hy Lạp là thị trường mới, do đó Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước tăng cường công tác quản lý nhà nước về đưa người lao động VN đi làm việc tại quốc gia này trong khi hai nước chưa ký kết thỏa thuận nhằm bảo đảm công khai, minh bạch".

Các DN được chấp thuận chuẩn bị nguồn, đăng ký hợp đồng cung ứng lao động sẽ được thông tin trên website của Cục Quản lý lao động ngoài nước (http://www.dolab.gov.vn) để người lao động chủ động đăng ký tham gia, đảm bảo đúng DN, đúng địa chỉ tuyển chọn; chủ động phòng ngừa các đối tượng trung gian, môi giới bất hợp pháp.

"Người lao động cần cảnh giác với các thông tin tuyển dụng, nếu cần được hỗ trợ thông tin về thị trường hoặc cung cấp thông tin về đối tượng trung gian, lừa đảo, có thể liên hệ Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 02438249517, số máy lẻ 508", ông Dũng khuyến cáo. 

Sớm đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác lao động

Theo Bộ LĐ-TB-XH, Hy Lạp thiếu hụt nguồn nhân lực trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện nay Hy Lạp mới chỉ tiếp nhận lao động đến từ các nước ngoài khối EU vào làm việc trong các ngành nghề như: nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, xây dựng, may mặc, khách sạn, nhà hàng và giúp việc trong gia đình. Một số nước khu vực châu Á đã cung ứng lao động đến Hy Lạp làm việc là Bangladesh, Philippines, Trung Quốc.

Trong các chuyến thăm và làm việc chính thức tại VN và Hy Lạp của lãnh đạo cấp cao hai nước, phía VN đã trao đổi với Hy Lạp về việc hợp tác đưa người lao động đi làm việc tại Hy Lạp. Phía Hy Lạp cũng đánh giá cao trình độ, kỹ năng nghề và ý thức tổ chức, kỷ luật của lao động VN, thống nhất hai bên sớm đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác lao động.

Để triển khai nội dung làm việc của lãnh đạo hai nhà nước, cơ quan chức năng hai bên đang tích cực thúc đẩy trao đổi, đàm phán để ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.