Di lý vợ chồng bị cáo Trương Mỹ Lan bằng máy bay vào TP.HCM để xét xử

22/02/2024 15:39 GMT+7

Vợ chồng bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị đưa ra xét xử vì nhiều sai phạm, gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB khoảng 498.000 tỉ đồng.

Chiều 22.2, nguồn tin PV Thanh Niên cho hay, bà Trương Mỹ Lan và chồng là bị cáo Chu Lập Cơ (quốc tịch Trung Quốc, cùng 68 tuổi) là 2 bị cáo cuối cùng được cơ quan công an di lý từ Hà Nội vào TP.HCM vào khuya 21.2, để chuẩn bị cho công tác xét xử bị cáo Lan và 85 bị cáo khác trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB và nhiều tổ chức khác.

Vợ chồng bị cáo Trương Mỹ Lan được di lý vào TP.HCM bằng máy bay. Các bị cáo khác trong vụ án lần lượt được di lý vào TP.HCM trước đó.

Di lý vợ chồng bị cáo Trương Mỹ Lan bằng máy bay vào TP.HCM để xét xử- Ảnh 1.

Bà Trương Mỹ Lan và chồng Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric)

TƯ LIỆU

Công tác di lý được thực hiện nghiêm ngặt bởi sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Công an TP.HCM.

Trong vụ án có 5/86 bị cáo đang bị truy nã và TAND TP.HCM đã phát thông báo kêu gọi các bị cáo ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Trường hợp các bị cáo không ra trình diện hoặc đầu thú coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị xét xử vắng mặt.

Từ ngày 5.3 - 29.4, TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về các tội "tham ô tài sản", "đưa hối lộ", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Đại án Vạn Thịnh Phát: Tiếp nhận gần 1.600 sổ đỏ

85 bị cáo còn lại gồm 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị Viện KSND tối cao truy tố về các tội: tham ô tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

Bên cạnh 86 bị cáo, gần 200 luật sư, tòa cũng triệu tập hơn 2.400 người có quyền, nghĩa vụ liên quan phục vụ việc xét xử vụ án sai phạm tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, trong 10 năm, từ ngày 1.1.2012 - 7.10.2022, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống hồ sơ vay, giải ngân 2.257 khoản với hơn 1 triệu tỉ đồng. Đến ngày 17.10.2022, còn 1.284 hồ sơ vay, tương đương dư nợ 677.286 tỉ đồng, không có khả năng thu hồi (nợ gốc 483.971 tỉ đồng, lãi/phí 193.315 tỉ đồng). Nợ gốc của bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc tại SCB.

Xem nhanh 12h: Tài sản ‘khủng’ trong vụ Vạn Thịnh Phát | Gần 200 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện

Trong đó, từ ngày 1.1.2012 - 31.12.2017, bị cáo vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hơn 64.000 tỉ đồng, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay; từ ngày 1.1.2018 - 7.10.2022, bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô tài sản hơn 304.000 tỉ đồng nợ gốc, và hơn 129.000 tỉ đồng lãi phát sinh từ nợ gốc, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Về việc sai phạm diễn ra suốt 10 năm mà không bị ngăn chặn, cơ quan tố tụng xác định một phần nguyên nhân là do sự tiếp tay bởi các cán bộ thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước. Trong số 18 thành viên đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn bị truy tố về tội nhận hối lộ 5,2 triệu USD; 16 bị cáo bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ngoài ra, 1 bị cáo là cựu Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước bị truy tố về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.