Đi ngoài có bọt là dấu hiệu bệnh gì?

06/09/2023 09:09 GMT+7

Đi ngoài có nhiều bọt không phải lúc nào cũng là bệnh. Nhưng nếu phân có bọt kèm theo mùi môi bất thường và kéo dài thì rất có khả năng đường tiêu hóa đang gặp vấn đề.

Thỉnh thoảng ăn những món lạ có thể khiến đi ngoài có bọt. Tuy nhiên, tình trạng này không có gì đáng ngại và sẽ sớm khỏi mà không cần uống thuốc, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Đi ngoài có bọt là dấu hiệu bệnh gì ? - Ảnh 1.

Đi ngoài có bọt, kèm theo tiêu chảy, đau dạ dày có thể là dấu hiệu của bệnh đường ruột

SHUTTERSTOCK

Nhưng nếu phân có bọt trong nhiều ngày, kèm theo một số triệu chứng bất ổn thì có thể đang mắc các bệnh sau:

Bệnh đường tiêu hóa

Phân sủi bọt nếu kéo dài hơn 1 tuần, đồng thời kèm theo các triệu chứng tiêu hóa khác như tiêu chảy, đau dạ dày thì điều này có nghĩa là đường ruột đang có vấn đề.

Có nhiều loại bệnh đường ruột khác nhau. Một trong những loại bệnh phổ biến nhất khiến phân sủi bọt là không dung nạp đường lactose, xảy ra khi cơ thể không thể phân hủy lactose trong sữa và các sản phẩm làm từ sữa. Một nguyên nhân khác khiến phân sủi bọt là hội chứng ruột kích thích. Điều trị các loại bệnh đường tiêu hóa này bên cạnh dùng thuốc sẽ phải tránh một số loại thực phẩm nhất định.

Nhiễm trùng đường ruột

Đi tiêu có nhiều bọt cũng có thể do tác động của vi khuẩn và virus, dẫn đến nhiễm trùng đường ruột. Bệnh sẽ kèm theo một số triệu chứng như buồn nôn, ói mửa và mất nước.

Một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng đường ruột phổ biến nhất là do ăn phải thức ăn, đồ uống có vi khuẩn E. coli hoặc Salmonella. Nếu bệnh kèm theo sốt cao thì phải đến bác sĩ kiểm tra.

Ngoài ra, các bệnh dạ dày do các loại virus như norovirus và rotavirus gây ra cũng có thể khiến đi ngoài có bọt. Ngộ độc thực phẩm cũng là nguyên nhân khác làm phân có bọt. 

Viêm tụy

Phân có bọt cũng có thể là do bất thường ở một cơ quan khác chứ không phải ruột. Tuyến tụy tiết ra các enzyme tiêu hóa quan trọng. Do đó, viêm tụy sẽ gây ra nhiều bất thường đến hình dạng của phân.

Khi bị viêm, tuyến tụy sẽ sưng lên. Hầu hết các trường hợp viêm tụy là tạm thời, tức viêm tụy cấp, nhưng một số trường hợp kéo dài nhiều ngày và thành mạn tính. Tình trạng này nếu kéo dài không chỉ khiến phân có bọt mà còn gây khó tiêu, đau bụng, sốt và sụt cân.

Tùy vào mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ điều trị viêm tụy bằng tiêm tĩnh mạch, dùng kháng sinh, thay đổi lối sống, phẫu thuật hoặc một số biện pháp khác.

Ký sinh trùng

Ký sinh trùng khi xâm nhập và phát triển trong ruột sẽ gây một số vấn đề sức khỏe, trong đó là phân có bọt. Loại ký sinh trùng thường gây ra hiện tượng này là Giardia.

Những người nhiễm loại ký sinh trùng Giardia thường là do uống nước bẩn, đặc biệt là những nơi có điều kiện vệ sinh kém. Ngoài đi phân có bọt, người nhiễm Giardia còn bị tiêu chảy, nôn mửa, đau dạ dày, mất nước và sốt, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.