'Dị nhân' miền Tây: Gia tộc 4 đời có lưỡi đặc biệt, hút độc rắn cứu người

08/07/2020 12:08 GMT+7

Một gia tộc 4 đời ở vùng Bảy Núi (An Giang) được xem là dị nhân bởi lưỡi có hai đường đen hai bên cánh lưỡi và chuyên trị độc rắn cho người dân bằng cách dùng miệng hút nọc độc.

Mỗi đời chỉ có 1 truyền nhân

Được bà con địa phương chỉ dẫn, PV tìm đến ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, H.Tịnh Biên, An Giang gặp ông Chau Phonl (64 tuổi), người con đời thứ 3 của gia tộc được xem là dị nhân miền Tây.
Phía trước căn nhà kiểu Thái, ông Chau Phonl làm thêm một căn nhà nhỏ để tiếp nhận và điều trị cho người bị rắn độc cắn. Xung quanh nhà, ông trồng rất nhiều loại thảo dược quý. Vừa kể về gia tộc mình, ông Chau Phonl vừa nói về bí quyết trị rắn độc cắn. Rồi khi nói đến loại thảo dược nào thì ông lại chạy ra vườn hái vào giới thiệu: cây thok, kim vàng, lưỡi rắn, ngãi móc, mắt bồ câu... cùng các loại thảo dược “cầm” nọc rắn.

Ông Chau Phonl thè lưỡi để chỉ cái lưỡi đặc biệt của gia tộc mình

ẢNH: DUY TÂN

Ông Chau Phonl cho biết 4 thế hệ trong gia tộc của ông có nhiều người lưỡi với hai đường đen hai bên cánh lưỡi. Điểm đặc biệt nhất là mỗi thế hệ chỉ có một người “sở hữu” cái lưỡi đặc biệt này và thường rơi vào con trai cả. Riêng đến đời ông thì con gái đầu lòng là Néang Hươn thừa hưởng điều này.
“Trong những người con của nội thì chỉ có cha tôi được gien di truyền lưỡi đen. Đến đời tôi thì cũng chỉ có tôi. Khi tôi có 4 người con (3 trai, 1 gái) thì con gái đầu lòng lại có lưỡi đặc biệt này. Nhưng tiếc là nó qua đời quá sớm do bạo bệnh, để lại đứa con nhỏ”, ông Chau Phonl nói.
Để chứng thực, ông Chau Phonl lè phần lưỡi cho PV xem. Theo quan sát, phần lưỡi có vệt màu đen ẩn sâu trong thớ thịt, chạy dọc 2 bên cánh lưỡi.
Ông Chau Phonl cho biết lúc còn trẻ thì hai đường đen hiện rất rõ nét. Màu sắc của lưỡi lúc đậm, lúc nhạt, có lúc nổi màu. Càng lớn tuổi, màu đen của lưỡi càng nhạt dần.
Tuy nhiên, theo ông Chau Phonl, có một điều rất đặc biệt mà ông không sao lý giải được là phải đợi đến khi thế hệ đi trước qua đời thì chiếc lưỡi đặc biệt của người thế hệ sau mới phát huy tác dụng.
Một nguyên tắc cha truyền con nối trong dòng họ ông là không được sử dụng khả năng hiếm có để trục lợi. Trách nhiệm của người thừa hưởng lưỡi đặc biệt này là phải cứu người bị rắn độc cắn, nếu làm sai có thể sẽ mất hiệu nghiệm.

Dùng lưỡi hút nọc rắn độc

Ông Chau Phonl cho biết những người có lưỡi đặc biệt này trong gia tộc ông đều có tài hút nọc rắn cực độc. Ông nội của ông là cụ Chau Ham, từng là thầy thuốc dân gian. Mỗi khi điều trị cho người bị rắn cắn, cụ Chau Ham dùng cái lưỡi của mình để hút nọc rồi kết hợp với thảo dược. Hết cụ Chau Ham thì đến cụ Chau Khul (cha ruột ông Chau Phlnl), cứ thế truyền nghề đời này sang đời khác.
“Ai thừa hưởng cái lưỡi đen sẽ trở thành thầy thuốc rắn cứu người. Bí quyết ở đây là xác định được loại rắn nào cắn bằng cách xem qua vết cắn nông hay sâu, kích thước... Sau khi xác định được rắn nào cắn thì tôi sẽ đặt lưỡi lên vị trí vết thương để hút nọc. Với từng loại rắn thì cách dùng lưỡi hút nọc cũng khác nhau”, ông Chau Phonl chia sẻ.

Những người thừa hưởng lưỡi đặc biệt trong gia tộc ông Chau Phonl đều có biệt tài hút nọc rắn cực độc

ẢNH: DUY TÂN

Sau khi hút nọc, ông Chau Phonl nhanh chóng cho bệnh nhân uống thuốc cầm nọc, kết hợp dùng các loại thảo dược để bó. “Lưỡi đen chỉ giúp hút được nọc rắn độc nhưng phải được truyền nghề và luyện tập. Đặc biệt, để điều trị dứt phải có đủ các loại thảo dược quý”, ông Chau Phonl nói thêm.

Các loại thảo dược quý hiếm được ông Chau Phonl dùng chữa trị cho người bị rắn độc cắn

ẢNH: DUY TÂN

“Mỗi năm tôi cứu từ 2 - 4 người bị rắn cắn. Riêng trường hợp anh Chau Kol (34 tuổi, ngụ cùng địa phương) là tôi nhớ nhất. Hôm ấy anh Chau Kol đi cắt cỏ cho bò ăn không may bị con rắn chàm quạp cắn vào cổ chân. Khi đưa đến nơi thì nọc theo mạch máu lên tim, làm chân tím tái và bất tỉnh. Tôi liền dùng lưỡi hút độc, đến khi thần sắc tốt hơn tôi dùng thảo dược đắp lên vết thương. Vài ba lần lặp lại như thế bệnh nhân đã được cứu sống”, ông Phonl kể.
Sãi cả Chau Sóc Khonl (trụ trì chùa Rô, xã An Cư), cho biết: “Tại địa phương cũng lưu truyền về gia tộc “dị nhân” với lưỡi có màu đen, là khắc tinh của các loài rắn; trong đó có ông Chau Phonl trị rắn cắn rất tài tình. Nhiều năm qua, rất nhiều bà con nghèo bị rắn độc cắn thập tử nhất sinh đã được ông Chau Phonl cứu sống”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.