Hoặc có lúc dạo công viên đưa tay vuốt ve những chùm hoa trong nắng mới, bạn vô tình làm “mất lòng” một chú ong mật đang trong cơn say hương sắc nào đấy. Hay thình lình lúc đi đường, có con ong lạc lối đâm sầm vào bạn rồi trong cơn sợ hãi, hắn đã để lại chút nọc độc theo bản năng của loài…
Lần đầu bị ong đốt, tôi đã khóc thét. Cái đau nhức đó hoàn toàn mới mẻ và tôi cứ tưởng như mình sắp chết tới nơi rồi. Khi lớn lên một chút, tôi biết một vài vết ong đốt sẽ không làm mình… chết được và tự biết cách sơ cứu: nhổ phần kim chích ra khỏi da thịt, đắp lá hoặc như kiến thức hóa học phổ thông, bôi nước vôi vào vết đốt, vôi có tính kiềm sẽ trung hòa a xít có trong nọc ong. Cơn đau nhức sẽ dịu dần.
Tôi chưa thấy người lớn nào khóc nức nở vì ong chích. Tôi chỉ thấy họ chờ thời gian trôi qua với niềm tin rằng: chút nữa, hoặc sáng mai, sẽ hết thôi.
Và tôi cũng đã biết nọc độc của ong không chỉ là thứ vũ khí có chút hương thơm dùng làm tê liệt đối phương đến chết. Hiện nay thứ đáng sợ ấy còn được chế biến thành thuốc dưới những dạng khác nhau như nhũ dịch, dầu bôi, thuốc tiêm dưới da…
Có vài loại củ quả sẽ khiến người đầu bếp bị cay mắt, bị hắt hơi, hoặc bị ngứa ngáy khi sơ chế. Tôi cũng từng bị ngứa sưng phồng cả bàn tay khi gọt khoai môn. Khi ấy các “bô lão” dạy rằng: Nếu không nhắc tới cơn ngứa, nhất định sẽ không ngứa nữa. Nếu ai sớ rớ lại gần hỏi “ngứa không, cay không” thì cơn ngứa, cơn cay sẽ lập tức ùa về.
Khi ấy cứ nghĩ các cụ mê tín dị đoan. Hóa ra trong những lời giản đơn ấy của các cụ lại ẩn chứa những triết lý thâm sâu. Có những điều nếu không ám ảnh, không lo nghĩ nhất định sẽ không xảy đến.
Trừ số ít người bị dị ứng cực mạnh, bị sốc phản vệ có thể bị khó thở, tím tái cơ thể, thì phần đông trong chúng ta, với một vài vết ong đốt, đều hết đau nhức sau vài giờ.
Đấy, có những vết đốt không làm ta chết đi được. Đã thế, cứ bình tĩnh mà đi qua cơn đau nhức.
Nhắc làm gì những vết đốt, than chi nhiều về những nỗi đau, nếu biết rằng ngày mai nó sẽ hết.
Bình luận (0)