Di sản bên sông mẹ Thu Bồn

20/06/2024 08:30 GMT+7

Trải qua bao thăng trầm, làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam) hơn 500 năm lại tươi mới như một minh chứng cho sự bền bỉ của sức sống văn hóa làng nghề, trở thành điểm thu hút du lịch nổi tiếng.

Làng cổ bên sông

Làng gốm Thanh Hà nằm nép mình bên dòng sông Thu Bồn ở khối phố Nam Diêu (P.Thanh Hà, TP.Hội An, Quảng Nam). Làng cổ hơn 500 tuổi này hình thành từ đầu thế kỷ 16, cùng với 2 làng nghề nổi tiếng khác (đúc đồng Phước Kiều, mộc Kim Bồng) tạo thành "tam giác làng nghề" truyền thống góp phần làm nên sự phồn vinh của dinh trấn Thanh Chiêm.

Di sản bên sông mẹ Thu Bồn- Ảnh 1.

Du khách theo dõi quá trình tạo ra các sản phẩm từ gốm của những nghệ nhân ở làng gốm Thanh Hà

MẠNH CƯỜNG

Thời thương cảng Hội An hưng thịnh trong quá khứ, ghe thuyền từ mọi miền vào tận bến của làng trực tiếp lấy hàng rồi theo con nước thông ra sông Thu Bồn để xuôi ngược dòng tỏa đi khắp nơi. Sau 1980, thị trường tiêu thụ gốm dân dụng bị "bóp nghẹt" bởi sự đổ bộ của đồ dùng bằng chất liệu nhôm, sắt, nhựa. Do không cạnh tranh nổi nên những năm trước 2000, hầu hết lò gốm tắt lửa, đa số người làng gốm bỏ nghề tìm công việc khác.

Từ chỗ chỉ còn 4 lò gốm "đỏ lửa" thuần sản xuất gốm truyền thống vào những năm bĩ cực đó, vẫn còn một vài cư dân làng Nam Diêu khéo léo sáng tạo để nắn, nung con thổi, làm gốm mỹ nghệ bằng khuôn đúc, làm mặt nạ gốm, tượng gốm phục vụ du lịch và thị trường.

Bước ngoặt lớn nhất là vào khoảng năm 2015, du lịch Hội An bùng nổ kéo theo lượng khách khắp thế giới đổ về. Khách tăng vọt, Hội An cho mở rộng địa điểm tham quan, du lịch làng nghề được đưa vào tầm ngắm. Từ bên bờ vực có nguy cơ biến mất, làng gốm Thanh Hà bất ngờ hồi sinh. Đến nay, khoảng 35 cơ sở đang "đỏ lửa" với gần 100 lao động lành nghề.

Di sản bên sông mẹ Thu Bồn- Ảnh 2.

Du khách nước ngoài trải nghiệm làm gốm

Khoảng 10 năm trước, Công viên đất nung Thanh Hà ra đời cũng tạo bước đột phá của điểm đến này. Công viên đất nung có thể xem là "trái tim" của làng gốm, ít nhất là về khía cạnh du lịch. Tiếng tăm của công viên cũng gián tiếp giúp làng gốm Thanh Hà hưởng lợi trong việc tăng sức hút với du khách. Cuối năm 2019, nghề gốm Thanh Hà được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cũng là thời điểm làng gốm kết hợp du lịch bản địa phát triển rực rỡ.

Sáng tạo không ngừng

Du khách khi đến tham quan làng gốm Thanh Hà sẽ được chứng kiến tất cả công đoạn từ nhào đất, lên bàn xoay rồi vê đất tạo hình. Khách muốn thử chế tác món gì cũng được đáp ứng, kể cả việc muốn trải nghiệm hết các công đoạn để làm ra một sản phẩm gốm.

Có thâm niên gần 40 năm theo nghề, nghệ nhân Ngụy Trung (62 tuổi, ở khối Nam Diêu) cho hay gốm Thanh Hà hút khách bởi sự thô mộc nhưng đa dạng sản phẩm. Tất cả các công đoạn đều được làm bằng thủ công với thứ đất sét được lấy từ phía hạ lưu sông Thu Bồn.

Nhờ du lịch mà ngày nay người dân có tất cả. Chính du khách cũng là người "dạy" cho chúng tôi nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là sự thay đổi cho phù hợp. Thay đổi, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của làng gốm cổ này.

Di sản bên sông mẹ Thu Bồn- Ảnh 3.

Nghệ nhân Ngụy Trung sáng tạo với đất sét

 

Nghệ nhân Ngụy Trung

Nghệ nhân Ngụy Trung cho rằng từ sự tư vấn của cơ quan chuyên môn, thợ làng nghề đã thay đổi, thích ứng và chấp nhận cái mới, làm những sản phẩm vừa truyền thống vừa hiện đại. "Nhờ du lịch mà ngày nay người dân có tất cả. Chính du khách cũng là người "dạy" cho chúng tôi nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là sự thay đổi cho phù hợp. Thay đổi, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của làng gốm cổ này", ông Trung nói.

Ở làng gốm Thanh Hà, ngoài danh tiếng của những nghệ nhân lão thành, bây giờ người ta nhắc nhiều đến thế hệ nghệ nhân trẻ. Trong xu hướng bảo tồn và phát triển làng nghề, sự xuất hiện của những người thợ trẻ chịu khó tìm tòi, biết làm ra các loại sản phẩm đặc sắc... như làn gió mát lành thổi qua ngôi làng ven sông.

Nguyễn Viết Lâm, người đầu tiên thay đổi bằng cách tráng men cho sản phẩm gốm Thanh Hà, là một gương mặt trẻ nổi bật. Các sản phẩm gốm do chàng trai 25 tuổi này tạo ra có nét độc đáo và bắt mắt. Loại men được Lâm làm nên bằng cách trộn vỏ nghêu, tro, hóa chất, sau đó nấu và tráng lên bề mặt gốm.

"Các sản phẩm làm ra từ gốm đất còn khá đơn điệu, nên tôi quyết tâm mày mò tráng men lên sản phẩm để thành phẩm đẹp hơn. Ngoài ra, tôi luôn sáng tạo để xây dựng những chi tiết độc, lạ cho các sản phẩm", Lâm bộc bạch.

Di sản bên sông mẹ Thu Bồn- Ảnh 4.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Viết Lâm sáng tạo hoa văn cho sản phẩm gốm

Làng gốm Thanh Hà đang dịch chuyển theo hướng đi mới, tiếp thu nét hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Ông Nguyễn Hào, Phó trưởng ban Quản lý làng gốm Thanh Hà, quả quyết như vậy. Nhiều năm qua, nhờ gắn kết giữa phát triển sản xuất với phát triển du lịch, làng gốm Thanh Hà đã tạo được sức sống mạnh mẽ, khẳng định thương hiệu và hình thành nên điểm tham quan nổi tiếng.

"Hội An gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO thì nghề gốm Thanh Hà đã được xác định là thành tố quan trọng. Và chỉ có sáng tạo không ngừng thì gốm Hội An mới có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới", ông Hào khẳng định.

Mấy trăm năm "làm bạn với đất sét", người làng Nam Diêu luôn biết ơn tổ nghề, thành hoàng và các vị thần bảo hộ cho cộng đồng, nghề nghiệp. Từ một lễ cúng của làng, giờ đây giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà (ngày 10.7 âm lịch) đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, với sự hiện diện của cộng đồng và cả du khách gần xa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.