Di sản của dân, vì dân mới bền vững

08/05/2022 05:32 GMT+7

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, từng chia sẻ một câu chuyện di sản và cộng đồng bản địa.

Khi đó, một doanh nghiệp đề nghị Sở của ông cho phép đặt máy chụp ảnh tự động ở cửa hang. Tất nhiên, người quản lý sẽ có chút cảm ơn từ việc cho phép.

Nhưng đề nghị đó đã bị từ chối. “Thế thì mấy trăm thợ ảnh Ninh Bình mất việc. Chúng tôi từ chối để giữ lấy bền vững”, ông Mạnh chia sẻ.

Sinh sống và gắn bó với di sản nhiều năm, tình yêu của người dân với di sản chưa bao giờ bị nghi ngờ. Tuy nhiên, vì di sản có thể sinh lợi nhuận, mối quan hệ giữa người dân - di sản luôn cần có sự điều phối của chính quyền sao cho có thể đạt được sự bền vững mà ông Mạnh nói đến.

Nhiều lúc, mối quan hệ người dân và di sản bị đứt lìa do chính điều phối này. Chẳng hạn, sau khi có khách du lịch đến thì người Arem không còn được vào hát và khai thác tại hang Én Quảng Bình như truyền thống của họ nữa. Điều này có thể sẽ làm mất đi những bài hát truyền thống mà họ chỉ hát trong hang Én. Trong khi theo chuyên gia văn hóa, việc nhóm người này vào hang không ảnh hưởng gì đến môi trường hang cả.

Một trường hợp khác, mối quan hệ giữa người dân với vùng lõi di sản Tràng An (Ninh Bình) rất tệ khi nhiều homestay trái phép đã được dựng lên để khai thác du lịch. Núi dù chưa bị phạt đi để xây nhà, song cảnh quan đã ít nhiều bị ảnh hưởng. Đặc biệt là khi Ninh Bình chưa có quy hoạch cũng như hướng dẫn cụ thể về việc vị trí nào có thể được xây nhà khai thác du lịch với quy mô ra sao. Về điều này, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng: “Nhà nước phải có quy hoạch, phải hướng dẫn người dân cách sống và khai thác di sản, tạo cộng đồng cùng khai thác di sản”.

Các vụ xâm hại di sản hay nguy cơ xâm hại di sản thời gian qua như xây cầu xuyên lõi Tràng An, đòi làm đường xuyên qua khu sinh quyển bảo tồn thiên nhiên ở Đồng Nai... cho thấy sự mong manh của di sản. Sự mong manh ấy bắt nguồn từ việc chưa có cơ chế để người dân có thể bảo vệ di sản, khai thác di sản bền vững. Trong khi chính họ mới là người quan trọng nhất quyết định sự tồn tại của di sản. Bản thân UNESCO luôn yêu cầu các cam kết của cộng đồng dân cư về bảo vệ di sản trong các hồ sơ di sản trình lên tổ chức này.

Di sản nhiều khi mất đi là không thể lấy lại. Cũng nhiều khi, di sản bị mất theo kiểu “cướp cò”, nghĩa là di sản bị xâm hại xong rồi, lâu rồi, chính quyền mới biết.

Chính vì thế, tạo “thế trận nhân dân” bảo vệ di sản quan trọng hơn bao giờ hết. Chỉ khi người dân hiểu di sản quan trọng thế nào với đời sống của họ, di sản mới được bảo vệ triệt để. Từng tác động nhỏ tiêu cực khi đó sẽ được họ hạn chế cũng như cảnh báo với nhà quản lý ngay khi nó xảy ra. Muốn như vậy, không thể chỉ trông vào việc xử phạt khi sự đã rồi. Điều quan trọng là hãy tìm cách trao quyền quản lý cho người dân, trong đó có cả quyền lợi từ khai thác di sản bền vững.

Di sản phải của dân, vì dân như thế mới bền vững được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.