Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, du khách đến Đà Lạt ngày càng nhiều, người Đà Lạt ngày càng đông thì buộc phải mở rộng ra vùng phụ cận, mục đích để giữ hình ảnh đô thị di sản Đà Lạt.
Trong khi đó, KTS Lê Tứ, Chủ tịch Hội KTS tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh: “Di sản là hồn cốt, không chỉ là vật thể”. Ông Tứ lý giải từ ngày được thành lập đến năm 1954, Đà Lạt được hiểu và nhìn nhận là thành phố thuần Pháp, từ quy hoạch tổng thể, quản lý xây dựng, quản lý kiến trúc, quản lý xã hội theo mô hình Pháp không giống bất cứ thành phố nào ở Việt Nam. Ông hiến kế để xây dựng Đà Lạt thành đô thị di sản thì ngay từ bây giờ Đà Lạt cần thành lập Ban Quản lý di sản đô thị. Ban này thực hiện nội dung quản lý nhà nước, quản lý tập trung mọi hoạt động phát triển đô thị liên quan đến di sản, là đầu mối cần thỏa thuận về kiến trúc - quy hoạch cho các dự án xây dựng trong khu vực di sản hoặc vùng lõi trung tâm đô thị lịch sử, trước khi dự án phát triển mới được duyệt.
KTS Trần Văn Việt, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng, nêu quan điểm: “Bảo tồn di sản văn hóa và quy hoạch phát triển đô thị không tách rời nhau”. Ông Việt cho rằng quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12.5.2014, đã định hướng cho mục tiêu hình thành các đô thị vệ tinh của vùng Đà Lạt. Theo đó, Đà Lạt sẽ trở thành một “đô thị lịch sử” cần được bảo tồn và phát triển theo cách riêng…, chú trọng bảo tồn quỹ di sản quy hoạch - kiến trúc có giá trị và đề xuất giải pháp thiết kế “trục di sản đông - tây”… Đây là những bước đi cần thiết trên con đường hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành một đô thị di sản đầu tiên tại Việt Nam.
Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định Đà Lạt không chỉ riêng của Đà Lạt mà của mọi người; những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học giúp địa phương xác định cơ sở nhận diện, xác định các yếu tố, đặc điểm để xây dựng Đà Lạt thành đô thị di sản. Cũng theo ông Việt, trước mắt Đà Lạt cần bảo vệ và phát huy ba giá trị cốt lõi gồm: giá trị về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên; quỹ di sản kiến trúc công trình và giá trị văn hóa, con người Đà Lạt. Sự tổng hòa của các yếu tố cốt lõi này là cơ sở để xây dựng Đà Lạt thành đô thị di sản.
Bình luận (0)