Di sản Tràng An không được hoàn nguyên, lỗi tại ai ?

16/08/2018 09:42 GMT+7

PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, đã vô cùng bức xúc về việc một cây cầu xuyên lõi di sản Tràng An được xây lên. Nhưng ông còn phẫn nộ hơn khi giờ đây, cầu chỉ được phá dở dang.

Nhiều dầm, cọc và cả mặt cầu tiếp tục được để nguyên. Đây có thể coi như sự bất nhất so với yêu cầu “hoàn trả mặt bằng, cảnh quan môi trường của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An” do chính Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên ký. “Họ bảo chỗ nguy hiểm không phá được mà chỗ nguy hiểm lại xây được là thế nào”, ông Bài nêu câu hỏi.
Trong trường hợp, đơn vị làm sai là Công ty Tràng An không thể phá dỡ, thậm chí tỉnh sẽ phải vào cuộc để làm việc này. Chính vì thế, không hiểu sao, lại có chuyện doanh nghiệp xin tự phá dỡ, rồi lại tiếp tục để tình trạng cầu ngổn ngang tồn tại.
Trong các cuộc họp của UNESCO hồi tháng 7, các chuyên gia đã lên tiếng nhiều về công tác quản lý lỏng lẻo khiến Tràng An bị xâm hại. Về nguyên tắc, UNESCO cũng có cơ chế giám sát di sản với các chuyên gia độc lập. Do đó, việc không giữ được toàn vẹn cho di sản, chắc chắn Ninh Bình không thể lấp liếm được. Trên thế giới, cũng đã có trường hợp do không giữ được cam kết và bị UNESCO thu hồi danh hiệu di sản.
Đặc biệt, ông Bài cũng cho rằng, các ứng xử hiện nay đang không phù hợp lắm với cam kết của Chính phủ VN khi làm hồ sơ UNESCO cho Tràng An. “Khi trình hồ sơ, chúng ta nói đã thành lập Ban Quản lý di tích Tràng An trực thuộc tỉnh, có các cơ cấu tổ chức đủ mạnh để bảo vệ sự toàn vẹn và giá trị nổi bật của di sản. Tuy nhiên, sau khi được công nhận, chúng ta lại chuyển ban đó về trực thuộc Sở Du lịch. Vì thế, ban cũng không đủ thẩm quyền để giải quyết các vấn đề phát sinh”, ông Bài cho biết.
Chính vì thế, bên cạnh việc trả lại nguyên trạng cho Tràng An, chúng ta cũng cần xem xét việc phân công Ban Quản lý di tích Tràng An này về trực thuộc UBND tỉnh Ninh Bình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.