“Sách có những hình vẽ kỹ càng. Thể thơ lục bát dễ nhớ với các em nhỏ. Đó cũng là những câu chuyện xưa về các nhân vật và nguồn gốc trung thu”, ông Hoàng Nhơn, phụ trách biên tập, nói. Còn với ông Trịnh Bách, hoàn thành bản thảo cuốn sách này là việc “trọng điểm” của ông cho trung thu năm nay bên cạnh việc tiếp tục phục dựng những đèn lồng xưa đã thất truyền như đèn cá chép, đèn con cua. “Tôi ra tìm ở khắp miền Bắc, tới cả làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, H.Nam Trực, Nam Định - PV) mà không có ai nhớ cách làm. Rồi may quá vào TP.HCM có những người con cháu của người làng Báo Đáp di cư vào nam. Đưa họ một thanh tre, họ uốn được cái khung đèn đó... Rồi tới hồi tìm giấy để phất đèn. Thì một cụ bà đã bị tai biến rất lâu bỗng thốt lên giấy nhiễu ở chỗ ông đó đó. Chúng tôi tới đó tìm, ông chủ bảo bao nhiêu năm có ai hỏi giấy nhiễu đó đâu. Đó là một thứ giấy pha sợi vải, để khi vẽ lên nhiều lớp màu giấy không bị mủn”, ông Bách nhớ lại.
Không giống như ông Bách, tìm lại đúng hình dạng xưa của những chiếc đèn lồng, nghệ nhân Nguyễn Đức Cường (tổ 12, P.Tân Quang, TP.Tuyên Quang) lại làm đèn lồng xưa theo lối rất mới. Giấy bóng kính màu xưa được thay bằng mika để đèn có thể đứng được ngoài trời mưa gió. Nghệ nhân cũng phải tự tay vẽ lên mika để phối màu đèn vì vật liệu này vốn chỉ trong suốt.
Đèn trung thu xanh đỏ sáng ánh nến. Đèn kéo quân như câu chuyện kể vòng tròn mãi không dừng. Đèn con cua xanh óng ả vọng lại từ hàng trăm năm. Tò he bằng bột nếp vừa mềm đó đã cứng đanh lại khi định hình xong. Cách giã cốm cổ truyền… Những trò chơi, đồ chơi trung thu ấy khi được giới thiệu trong Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) vào dịp trung thu vì thế không chỉ là trò chơi cho con nít. Ẩn chứa trong đó còn là những tinh hoa nghề thủ công mà cha ông đã trao truyền. Những tinh hoa đó cũng tứ tán nhiều nơi, và phải mất nhiều công mới gom lại được.
Ông Bách cũng cho biết, những đèn lồng xưa ông phục dựng từ năm ngoái đã bán được số lượng lớn ngay lập tức dù giá cao. Khách mua là các đơn vị kinh doanh dịch vụ ẩm thực, du lịch.
Trung thu, rõ ràng không chỉ là một ngày cho con trẻ. Nó còn như một thách thức với những người say mê di sản và muốn đưa các di sản phi vật thể trở lại với đời sống theo cách năng động nhất, hiện đại nhất. Tất nhiên, nếu đầu tư đúng, di sản sẽ lại trở thành tiền.
Bình luận (0)