Trong SGK tiếng Việt lớp 4 tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, tác giả Nguyễn Luân có trích đoạn "Tờ báo tường của tôi".
Còn trong SGK tiếng Việt lớp 5, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (bắt đầu sử dụng từ năm học 2024-2025), Nguyễn Luân cũng có các trích đoạn về món bánh ngải đặc sản của tỉnh Lạng Sơn.
Bài Tờ báo tường của tôi được trích trong tập truyện dài Bước về phía mặt trời, NXB Kim Đồng ấn hành. Còn bài đọc về bánh ngải được chọn trích trong tản văn Pộp pạp Xì Ngài in trong tập tản văn Đôi mắt màu ngô non của Nguyễn Luân, cũng được ấn hành bởi NXB Kim Đồng.
Nói với phóng viên Báo Thanh Niên về niềm vinh dự khi có tác phẩm được đưa vào SGK mới, nhà văn Nguyễn Luân bộc bạch: "Đối với một người viết, đặc biệt là người viết trẻ như tôi có tác phẩm được lựa chọn đưa vào sách giáo khoa là cả một niềm vinh dự và niềm vui lớn. Bởi ít nhiều những gì mình ấp ủ, sáng tạo nên được đưa đến học sinh, đây quả là một điều rất đặc biệt".
Nhà văn Nguyễn Luân năm nay 34 tuổi. Anh sinh ra và lớn lên tại xã Yên Bình, H.Hữu Lũng, Lạng Sơn, vùng đất bạt ngàn cây na được trồng trên núi.
Nhà văn xứ Lạng đã đến với đam mê sáng tác văn chương từ rất sớm. Anh hồi tưởng: "Cho đến bây giờ, cuộc sống người dân quê tôi đã có nhiều đổi thay nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và trở ngại. Tôi nhớ ngày mình chỉ là cậu học sinh cấp 2 trường làng, tôi đã có niềm đam mê kỳ lạ với văn chương. Ngày ấy chưa có smart-phone, không có internet, không thư viện, thậm chí quê tôi chưa có điện lưới về thắp sáng. Thứ duy nhất tôi có được là vài tờ báo cũ, mấy cuốn sách giáo khoa của anh chị lớn hơn có in những tác phẩm văn học để đọc. Đó là những tháng ngày đầu tiên tôi bước vào thế giới của con chữ, của ngôn từ văn học trong hoàn cảnh khó khăn như thế...".
Nguyễn Luân bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tiên từ khi học lớp 7, lớp 8. Khi đến năm học lớp 11, anh có truyện ngắn đầu tiên được in trên tạp chí văn nghệ tỉnh nhà. Suốt từ đó đến nay, Nguyễn Luân sáng tác như một công việc không thể thiếu của mình, lặng lẽ, nhọc nhằn. Với anh "nghề viết khó làm nhất, và cũng khó bỏ nhất".
Kỷ niệm khó quên
Biết chú Nguyễn Luân có bài đăng trong SGK, các cháu của anh đang học chương trình lớp 4 rất háo hức, bọn trẻ mong được học tới bài của anh để khoe với các bạn vì thấy rất "oách".
Nguyễn Luân còn nhớ một kỷ niệm khác về cô giáo cũ của anh, người dạy anh trước đây và đến giờ vẫn theo dõi những trang anh viết.
"Hôm đó, khi đi tập huấn về SGK chương trình mới, cô giáo thấy một bài có tên tác giả giống tên tôi thì gọi điện thoại ngay cho tôi để "xác minh". Khi biết Nguyễn Luân trong SGK chính là cậu học trò cũ, cô đã rất vui và mong muốn có một ngày tôi sẽ đến trường cô để nói chuyện ngoại khóa với các bạn nhỏ về văn chương. Đó là một trong những niềm vui rất lớn đối với tôi trong công việc cầm bút của mình", nhà văn trẻ xứ Lạng bộc bạch.
Hiện tại công việc chính của Nguyễn Luân là viết văn, làm báo và một số công việc khác để phục vụ cuộc sống, nuôi nghề viết. Anh viết nhiều đề tài, nhưng chủ yếu về dân tộc và miền núi. Con người và vùng đất Lạng Sơn nơi anh sinh ra luôn là đề tài và cảm hứng bất tận cho nhà văn trẻ.
Nhà văn 34 tuổi có nhiều sách đã in, có thể kể tới như Đôi mắt sơn dương, tập truyện ngắn, NXB Dân trí, 2019; Bước về phía mặt trời, truyện dài, NXB Kim Đồng, 2020; Mây tía ngang trời, tập truyện ngắn, NXB Văn học 2021; Đôi mắt màu ngô non, tản văn NXB Kim Đồng, 2023…
Tác giả trẻ trong SGK mới trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 2020. Anh đã đạt nhiều giải thưởng về văn học và báo chí. Có thể kể tới như giải thưởng văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ lần thứ 5, năm 2019; giải C cuộc thi sáng tác năm 2016-2018, do hội văn học nghệ thuật Lạng Sơn tổ chức; tặng thưởng tác phẩm tiêu biểu trên Tạp chí Sông Thương, năm 2014; giải thưởng trong cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 với tác phẩm Mây tía ngang trời và Bóng người dưới trăng…
Với nhà văn trẻ xứ Lạng, những giải thưởng đó là niềm vui, những dấu mốc trong công việc sáng tạo nhưng không phải là tất cả. "Đối với tôi giải thưởng lớn nhất đó là tác phẩm được người đọc nhớ tới, nhắc tới", Nguyễn Luân nói.
Bình luận (0)