Di tích cấp quốc gia hơn 900 năm tuổi xuống cấp nghiêm trọng

24/04/2024 21:05 GMT+7

Từ năm 1991, chùa Viên Quang (tại thôn Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh, H.Xuân Trường, tỉnh Nam Định) đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng hiện tại, nhiều hạng mục của chùa xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có hạng mục đã bị sập, phải khóa cửa để tránh gây nguy hiểm cho người đến tham quan.

Chùa Viên Quang là ngôi chùa thờ các vị thánh tổ như: Giác Hải thiền sư, Không Lộ thiền sư… Chùa được xây theo kiểu "Nội công ngoại quốc" rộng 5.000 m2, mặt quay về hướng tây. Tổng thể công trình bao gồm nhiều hạng mục quy mô bề thế, bảo lưu được nhiều nét kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII).

Chùa quay về hướng tây, phía trước có ao sen, khung cảnh rất thoáng đãng

Chùa quay về hướng tây, phía trước có ao sen, khung cảnh rất thoáng đãng

CÙ HIỀN

Phía trước chùa là hệ thống tam quan xây kiểu chồng diêm 3 tầng, 8 mái. Sau tam quan là tòa giải vũ xây dựng vào triều vua Thành Thái năm thứ nhất (1889), quy mô 5 gian cao rộng.

Phía trước chùa là hệ thống tam quan xây kiểu chồng diêm 3 tầng, 8 mái

Phía trước chùa là hệ thống tam quan xây kiểu chồng diêm 3 tầng, 8 mái

CÙ HIỀN

So với các di tích khác, giải vũ chùa Viên Quang còn được dân làng sử dụng làm nơi hội họp, nghỉ ngơi cho các phật tử trước khi vào chùa chiêm bái, lễ Phật.

Sau giải vũ là chùa chính. Công trình chùa chính được dựng kiểu chữ "công"; bái đường 7 gian, trung đường 4 gian và thượng điện 7 gian. Bài trí thờ tự trong chùa được phân bổ theo kiểu: "Tiền Phật hậu Thánh".

Bước qua cổng chùa là một sân rộng

Bước qua cổng chùa là một sân rộng

CÙ HIỀN

Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị bao gồm: văn bia, nhang án, bài vị, chuông khánh, kiệu bát cống, chân tảng đá cánh sen, sập thờ, khu mộ tháp bằng đá, 4 pho tượng Thánh tổ cùng tượng Quan Công, Phổ Hiền bằng đồng…

Không gian cổ kính

Không gian cổ kính

CÙ HIỀN

Chùa Viên Quang hình thành cách đây hơn 900 năm và có quy mô rất đồ sộ. Là ngôi chùa cổ nhưng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục chực chờ đổ sập.

Cảnh vật nhuốm màu thời gian

Cảnh vật nhuốm màu thời gian

CÙ HIỀN

Khu vực Tam quan là điểm cao nhất của toàn bộ ngôi chùa nhưng phần vữa bên ngoài bong tróc, làm lộ những viên gạch.

Ông Phạm Công Chiên (người trông coi chùa Viên Quang), phân trần: "Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của chùa diễn ra khoảng 10 năm nay nhưng chưa được tu sửa. Người dân vẫn đi lễ những ngày rằm, mùng 1 nhưng khi di chuyển trong chùa họ luôn trong tâm trạng lo sợ bị vữa, ngói rơi vào đầu".

Trong chùa, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng

Trong chùa, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng

CÙ HIỀN

Đòn tay bằng gỗ lim đã mục hết, nhiều vị trí được nhà chùa thay thế bằng đòn tre và thêm dầm bê tông để tránh đổ sập.

Khu vực cung cấm có nhiều vết nứt dài chạy dọc trên tường. Phần mái đã phải dùng luồng chống đỡ. Từ lâu, nơi này đã bị khóa chặt, đặt biển cảnh báo cấm người dân đến gần.

Di tích cấp quốc gia hơn 900 năm tuổi xuống cấp nghiêm trọng- Ảnh 7.

Mối mọt khiến bộ cửa bị mục ruỗng

CÙ HIỀN

Ông Phạm Công Chiên (người trông coi chùa Viên Quang) xót xa khi từng ngày chứng kiến cảnh ngôi chùa cổ xuống cấp nhưng không được tôn tạo

Ông Phạm Công Chiên (người trông coi chùa Viên Quang) xót xa khi từng ngày chứng kiến cảnh ngôi chùa cổ xuống cấp nhưng không được tôn tạo

CÙ HIỀN

Ông Chiên cũng cho biết: "Chúng tôi, những người trông nom chùa và người dân địa phương từ lâu rất mong muốn được các cấp chính quyền xem xét, nghiên cứu để tu sửa, bảo vệ để giữ gìn giá trị của di tích chùa Viên Quang. Chính quyền xã đã làm đơn gửi các cấp trên nhưng đến nay chùa vẫn chưa được tu sửa".

Di tích cấp quốc gia hơn 900 năm tuổi xuống cấp nghiêm trọng- Ảnh 9.

Cây cột chùa bằng gỗ lim cũng bị mối đục sâu bên trong

CÙ HIỀN

Những vết nứt lớn trên tường trong chùa

Những vết nứt lớn trên tường trong chùa

CÙ HIỀN

Nơi cung cấm, mái ngói bị sụt xuống, người coi đền phải dùng những cây luồng để chống đỡ. Nơi này bị khóa chặt, nghiêm cấm không cho người đến gần để đảm bảo an toàn.

Nơi cung cấm, mái ngói bị sụt xuống, người coi đền phải dùng những cây luồng để chống đỡ. Nơi này bị khóa chặt, nghiêm cấm không cho người đến gần để đảm bảo an toàn.

CÙ HIỀN

Ngày 24.4, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Vỵ, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Trường (Nam Định), cho biết chùa Viên Quang là một ngôi chùa lớn, có bề dày lịch sử lâu đời tại địa phương.

"Tuy nhiên, kinh phí tôn tạo chùa địa phương chưa có. Cách đây 4 - 5 năm, địa phương có làm một đề án tu tạo chùa, với kinh phí khoảng 2 - 3 tỉ đồng. Chúng tôi đã gửi đề án đến Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) nhưng đề án không được chấp nhận. Tôi không rõ lý do vì sao?", ông Vỵ cho biết.

Theo ông Vỵ, địa phương đang xem xét, tìm nguồn kinh phí để tôn tạo lại chùa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.