Di tích chùa Cầu được trùng tu theo nguyên tắc nào?

30/07/2024 10:47 GMT+7

Di tích chùa Cầu sau 1,5 năm trùng tu đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng, nhất là hình ảnh bên ngoài có vẻ 'bớt cổ kính'. Hiện tại, mối quan tâm tiếp theo là di tích đặc biệt này đã được trùng tu theo nguyên tắc nào, và chuyên gia Nhật Bản đã tham vấn ra sao...

Sáng 30.7, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (TP.Hội An, Quảng Nam), cho biết sau khi nhận sự chỉ đạo của UBND TP.Hội An, đơn vị đang cho xử lý lại một số chi tiết nhỏ ở đà gỗ và dầm trắng dưới lan can chùa Cầu.

"Mô hình mẫu" trong trùng tu kiến trúc gỗ

Theo ông Ngọc, quá trình trùng tu chùa Cầu, mọi hoạt động can thiệp đều được tính toán trên cơ sở tôn trọng lịch sử, đảm bảo tính khoa học và khách quan. Ngoài bảo tồn giá trị, còn phải duy trì chức năng của di tích.

Di tích chùa Cầu được trùng tu theo nguyên tắc nào?- Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng màu sắc chùa Cầu sau trùng tu quá "sáng" và "mới"

MẠNH CƯỜNG

Việc trùng tu luôn đảm bảo giữ lại tối đa các dấu tích vật chất hiện hữu, xác thực hàm chứa các giá trị lịch sử văn hóa của di tích chùa Cầu. Qua đó, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị kiến trúc, nghệ thuật đã tạo nên hình ảnh biểu tượng của Hội An.

Hoạt động trùng tu được thực hiện với cách tiếp cận khoa học trong tính toán các giải pháp can thiệp, dựa trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ, xác thực và các đánh giá khách quan, toàn diện về di tích.

Ngoài ra, việc trùng tu di tích chùa Cầu được xem xét trong tổng thể, không tách rời việc tu bổ các thành phần kiến trúc của di tích với tôn tạo cảnh quan khu vực xung quanh.

"Nguyên tắc trùng tu chùa Cầu là bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc cấu thành di tích. Tôn trọng và giữ lại cho được sự hòa nhập của các thành phần kiến trúc thay thế và bổ sung qua các thời kỳ; tôn trọng thực thể khách quan và tuổi tác, niên đại, màu thời gian của công trình. Đồng thời, hạn chế tối đa sự can thiệp không cần thiết, tránh làm thay đổi những đặc điểm cơ bản tạo nên các giá trị của di tích…", ông Ngọc khẳng định.

Diện mạo chùa Cầu sau trùng tu gây tranh cãi: TP. Hội An sẽ xử lý lại

Di tích chùa Cầu được trùng tu theo nguyên tắc nào?- Ảnh 2.

Diện mạo mới chùa Cầu sau khi trùng tu

MẠNH CƯỜNG

Ông Ngọc cũng cho rằng, trong trường hợp buộc phải can thiệp thì ưu tiên bảo quản, gia cường trước khi áp dụng các giải pháp trùng tu, tôn tạo, phục hồi; sử dụng chủ yếu các thủ pháp và kỹ thuật tu sửa truyền thống, đặc biệt tuân thủ thuộc tính lắp ghép của cấu trúc nhằm không gây ra sự xáo trộn thể tĩnh học công trình.

Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho hay, giải pháp tổ chức thi công trùng tu di tích chùa Cầu được thực hiện với cách thức mẫu mực, áp dụng đầy đủ các quy trình, giải pháp thi công bài bản, khoa học. Ngoài ra, các giải pháp thi công được cân nhắc áp dụng phù hợp các quy trình tu bổ, bảo quản các di tích gỗ đã được đánh giá, chắt lọc, đúc kết từ thực tiễn…

Cũng theo ông Ngọc, quá trình trùng tu di tích chùa Cầu có sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, kỹ sư, khảo cổ học hàng đầu Việt Nam. Ngoài ra, TP.Hội An cũng hợp tác với các chuyên gia Nhật Bản trong chương trình tham vấn.

Trước đó, tại buổi tọa đàm tham vấn tu bổ di tích chùa Cầu, giáo sư Shinozaki Masahiko, chuyên gia cao cấp Đại học Tokyo Nhật Bản, khẳng định việc tuân thủ yếu tố gốc trong trùng tu chùa Cầu phải được đặt lên hàng đầu, mọi sự can thiệp phải dựa trên sự khoa học và lịch sử.

Giáo sư Shinozaki Masahiko cho rằng, dự án trùng tu chùa Cầu là một "mô hình mẫu" trong công tác trùng tu kiến trúc gỗ hiện nay, kể cả trong tương lai. Từ dự án trùng tu di tích chùa Cầu, phía Nhật Bản mong muốn việc bảo tồn kiến trúc nhà cổ sẽ được đúc kết thành kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng hiệu quả các di sản tương tự trong tương lai.

Có yêu mến chùa Cầu thì mới nêu ý kiến

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cũng khẳng định quá trình trùng tu chùa Cầu được thực hiện trên tinh thần như một cuộc "giải phẫu - chữa bệnh". Việc trùng tu tuân thủ, đảm bảo giữ tối đa các yếu tố cứ gốc, tất cả những viên gói có thể giữ lại được, cấu kiện gỗ có thể giữ lại được, dù một đoạn cũng giữ lại hết; đánh dấu cấu kiện, các yếu tố gốc giữ lại tối đa nhất có thể.

Theo ông Sơn, mọi hoạt động trong dự án trùng tu chùa Cầu đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công tu bổ di tích, nhất là việc thu thập, nghiên cứu thông tin, tư liệu; thám sát địa tầng, phân tích dấu vết kiến trúc qua các thời kỳ; tham vấn chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân đối với những vấn đề phát hiện mới, vướng mắc nảy sinh…

Di tích chùa Cầu được trùng tu theo nguyên tắc nào?- Ảnh 3.

Những thanh gỗ luôn được tận dụng để tái sử dụng trong quá trình trùng tu

MẠNH CƯỜNG

Thông tin về những luồng ý kiến ban đầu khi diện mạo chùa Cầu "bớt cổ kính" sau trùng tu, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho rằng dư luận quan tâm và có ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu chùa Cầu là việc rất bình thường, qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến chùa Cầu.

Theo ông Hồng, chùa Cầu là công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa đặc biệt, là di tích thành phần đặc biệt trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt đô thị cổ Hội An, cũng là di sản văn hóa thế giới.

Chùa Cầu đã được trùng tu nhiều lần; lần này trùng tu mang tính cấp bách vì công trình có nguy cơ đổ sập khi mùa mưa bão đến.

"Quá trình lập hồ sơ trùng tu đã được UBND TP.Hội An tiến hành rất kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa và các quy trình, thủ tục pháp lý, đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, tham vấn ý kiến cộng đồng, lãnh đạo Hội An qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Việt Nam lẫn Nhật Bản và đã được UBND tỉnh, Bộ VH-TT-DL phê duyệt trên cơ sở thẩm định của các cơ quan chuyên môn...", ông Hồng nói.

Theo ông Hồng, báo cáo của TP.Hội An và thực tế tại di tích chùa Cầu sau khi trùng tu cho thấy Hội An đã thực hiện đúng như thiết kế dự án đã được phê duyệt và đảm bảo các quy định pháp lý về trùng tu di tích.

Sẽ xử lý lại màu

Như Thanh Niên đã thông tin, diện mạo mới của chùa Cầu sau cuộc đại trùng tu đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Trong đó, nhiều người cho rằng việc trùng tu, đặc biệt màu sơn, đã khiến chùa Cầu "bớt cổ kính", di tích trở nên lạ lẫm so với trước đây. Tuy nhiên, cũng có nhiều người khen công trình sau trùng tu vẫn giữ được nguyên bản gốc, riêng về "sự cổ kính" thì theo thời gian sẽ lại có màu rêu phong.

Sau khi tiếp thu ý kiến từ người dân và du khách, TP.Hội An quyết định chỉ đạo đơn vị thực hiện trùng tu chùa Cầu (Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An) xử lý lại màu sơn. Cụ thể, sẽ xử lý lại màu nhạt hơn so với màu đỏ phía trước và sau chùa Cầu, còn bên hông sẽ sơn lại màu sẫm hơn so với màu trắng hiện tại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.