Di tích chùa xuống cấp nghiêm trọng không thể tu sửa do thiếu... 'sổ đỏ'

21/03/2023 13:13 GMT+7

Chùa Đào Lạng (xã Nghĩa Thái, H.Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng khó có thể thực hiện việc tu bổ do thiếu thủ tục về đất đai.

Di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng

Đền - chùa Đào Lạng được xây dựng cách đây khoảng gần 300 năm, thờ Phật và Nam Hải đại vương.

Kỳ lạ ngôi chùa là di tích lịch sử 20 năm nhưng không có sổ đỏ - Ảnh 1.

Toàn cảnh di tích lịch sử, văn hóa đền - chùa Đào Lạng

ĐÌNH HUY

Theo tích xưa truyền lại, khi bị Triệu Đà (tướng quân nhà Hán) đánh úp, vua An Dương Vương mất nước phải nhảy xuống sông tự tử. Sau này, các triều đại phong kiến Việt Nam đều truy tặng ông là Nam Hải đại vương. Để ghi nhớ tới công lao của vua, nhiều địa phương đã xây dựng đền thờ ông.

Năm 2003, đền - chùa Đào Lạng được UBND tỉnh Nam Định công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Tuy nhiên, trải qua thời gian, cụm di tích lịch sử cấp tỉnh này đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể đổ, sập xuống bất cứ lúc nào.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, trong cụm di tích đền - chùa Đào Lạng chỉ có phủ mẫu là nơi chắc chắn nhất do mới được xây dựng vào năm 2012, còn lại tất cả các hạng mục đều đã xuống cấp, cần được tu bổ, nâng cấp ngay lập tức.

Kỳ lạ ngôi chùa là di tích lịch sử 20 năm nhưng không có sổ đỏ - Ảnh 2.

Những vết nứt ở 3 gian của ngôi đền

ĐÌNH HUY

Tại đền thờ Nam Hải đại vương thì đã bị nứt làm 3 đoạn chạy dọc các gian. Một số cánh cửa đã hỏng và phải thay mới, không còn giữ được sự cổ kính như trước đây.

Tại nơi thờ chính của chùa cũng có rất nhiều hạng mục xuống cấp nặng nề. Nghiêm trọng nhất là phần mái. Các thanh gỗ trên đã rời hết ra, trời mưa thì nước chảy vào trong chùa như ngoài trời.

Kỳ lạ ngôi chùa là di tích lịch sử 20 năm nhưng không có sổ đỏ - Ảnh 3.

Mỗi khi trời sắp mưa, người nhà chùa lại mang chậu vào để hứng nước dột

ĐÌNH HUY

Theo người dân địa phương, dù đã trải qua vài lần tu bổ nhưng khoảng 1 - 2 năm trở lại đây, nhà chùa không dám cho người dân, phật tử vào làm lễ, do sợ mái chùa có thể bị sập.

Di tích lịch sử, văn hóa nhưng 20 năm chưa có "sổ đỏ"

Trao đổi với Thanh Niên, Thượng tọa Thích Quảng Bá, Ủy viên trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Nam Định, Trưởng ban trị sự Giáo hội phật giáo H.Nghĩa Hưng, trụ trì chùa Đào Lạng, cho biết cụm di tích đền - chùa Đào Lạng hiện đã xuống cấp nặng nề, khó có thể sửa chữa, tu bổ lại.

Kỳ lạ ngôi chùa là di tích lịch sử 20 năm nhưng không có sổ đỏ - Ảnh 4.

Khu vực là văn phòng Giáo hội phật giáo H.Nghĩa Hưng bị mốc bao phủ trên tường

ĐÌNH HUY

Theo vị trụ trì, khoảng 30 năm trở lại đây, khu vực đền thờ Nam Hải đại vương được tu bổ khoảng 3 lần vào các năm 1993, 1999 và 2020. Do móng của ngôi đền được xây dựng từ thời xưa nên đền bị nứt tường ở 3 gian, có thể sập bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, chùa cũng được tu bổ, đảo ngói nhiều lần, nếu sửa chữa, nâng cấp thêm, nhiều khả năng các trụ, cột ở dưới sẽ không chịu được khối lượng khoảng 20 tấn phía trên.

Phần mái, các trụ, cột chống đã xuống cấp nghiêm trọng

ĐÌNH HUY

"Sắp tới có một số dự án hỗ trợ về vốn cho Nam Định. Trong đó, có một dự án hỗ trợ để sửa chữa, tôn tạo lại di tích lịch sử, văn hóa. Tôi đang làm hồ sơ để xin dự án này cho chùa, tổng mức đầu tư khoảng 120 tỉ đồng", thượng tọa Thích Quảng Bá nói và cho hay, nếu có vốn đầu tư, chùa sẽ được nâng cấp và xây dựng thêm bảo điện, gác chuông, cổng tam quan và một số hạng mục khác.

Vị trụ trì cho hay, quá trình làm thủ tục đang diễn ra. Tuy nhiên, do đền - chùa Đào Lạng chưa có sổ đỏ nên nhiều khả năng không thể xin được dự án. Nguyên nhân do trước đây, có một cặp vợ chồng mượn đất của chùa để ở nhờ, đến khi họ mất đi, sẽ trả lại đất cho chùa nhưng sau khi họ mất đi, mảnh đất đó lại để lại cho 2 người con sử dụng. Nhà chùa đã vận động được 1 người trả lại đất cho chùa, 1 người vẫn bám trụ và hứa "khi nào chết, sẽ trả lại đất cho chùa".

Kỳ lạ ngôi chùa là di tích lịch sử 20 năm nhưng không có sổ đỏ - Ảnh 6.

Đường vào chùa cũng nứt nẻ

ĐÌNH HUY

"Đó là một vấn đề rất khó khăn của nhà chùa. Chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để nộp cho tỉnh nhưng chỉ vì một hộ dân mà không làm được gì. Tôi mong rằng chính quyền sẽ vào cuộc để vận động họ trả lại đất cho nhà chùa", thượng tọa Thích Quảng Bá nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Trần Hải Triều, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái, xác nhận đền - chùa Đào Lạng hiện không có sổ đỏ do chưa đủ điều kiện được cấp như đã nói. "Chúng tôi đang làm việc với nhà chùa về vấn đề này", ông Triều nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.